Nghi phạm sát hại bé gái người Việt bị khởi tố về 3 tội danh

Ngày 26/5, cảnh sát Nhật Bản đã quyết định khởi tố Shibuya Yasumasa 3 tội danh bắt cóc, dâm ô và giết người. 

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, họ tìm được DNA của Shibuya và nạn nhân trên một sợi dây ở chiếc ô tô của nghi phạm. Đây được xem là một tình tiết quan trọng để buộc tội giết người đối với nghi phạm. 

Trước đó, ngày 5/5, Cảnh sát tỉnh Chi Ba ra lệnh tạm giữ mới và chính thức cáo buộc nghi phạm Yasumasa Shibuya là người giết bé Nhật Linh hồi tháng 3. Cơ quan điều tra khẳng định có những chứng cứ "mạnh" để nghi ngờ ông Shibuya là hung thủ giết hại bé.
 

Quyết định khởi tố nghi phạm sát hại bé gái Việt với 3 tội danh: Bắt cóc, dâm ô và giết người - Ảnh 1.
Nghi phạm Yasumasa Shibuya khi bị bắt giữ. 
 

Ngày 14/4, Shibuya bị bắt giữ khi phía cảnh sát nghi ngờ người đàn ông này liên quan đến cái chết của bé gái người Việt - Lê Thị Nhật Linh vào ngày 26/3. Nghi phạm Shibuya Yasumasa đã có lời khai ban đầu với cơ quan điều tra.

Theo đó, sáng 24/3 (ngày Nhật Linh mất tích), nghi phạm này đưa các con tới trường Tiểu học Mutsumi số 2, thành phố Matsudo, tỉnh Chiba.

Tuy nhiên, nghi phạm phủ nhận mình có liên quan tới vụ bé gái người Việt bị sát hại. Shibuya nói rằng sau khi đưa con đi học, ông ta không được khỏe nên chỉ ở nhà ngày hôm đó.

Lời khai này của Shibuya mâu thuẫn với các chứng cứ mà cảnh sát thu được. Trước đó, cảnh sát Chiba đã thu thập được hình ảnh đáng nghi từ camera an ninh về chiếc xe cắm trại của Shibuya.

Một bé gái với ngoại hình giống Nhật Linh đã lên chiếc xe này của nghi phạm vào sáng 24/3. Cảnh sát nghi ngờ nghi phạm đã sử dụng chiếc xe để giấu bé Linh sau khi bắt cóc em.

Trước đó, phía cảnh sát cũng thu giữ nhiều sợi dây từ nhà nghi phạm và đang phân tích để xem liệu chúng có phải là "hung khí" Shibuya dùng để siết cổ nạn nhân hay không.



Toàn cảnh vụ bé gái người Việt bị sát hại ở Nhật.
 

Học sinh dùng bột màu ném vào trường gây xôn xao: "Ném xong, chúng em dọn dẹp sạch sân trường"

Hôm qua (25/5), hình ảnh nhóm học sinh đứng ngoài cổng ném bột màu vào trường THPT Nguyễn Khuyến (phường 12, quận 10, TP HCM) thu hút sự chú ý của dư luận.

Hình ảnh từ clip cho thấy, nhiều học sinh cả nam và nữ hò reo, thi nhau tung ném bột màu vào trường. Cả một đoạn đường xung quanh khu vực này bụi bay mù mịt.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng việc ném bột màu hết sức bình thường, có không ít bình luận chỉ trích nói đó là hành động phản cảm.
 

Học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến: Sau khi chơi bột màu xong chúng em đã ở lại trường để dọn dẹp - Ảnh 3.
Hình ảnh học sinh ở lại dọn dẹp sân trường.
 

Ông Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết sự việc trên xảy ra sáng 25/5, ngay sau lễ tri ân trưởng thành và bế giảng năm học.

Trước lễ này, học sinh đã mang bột màu vào trường để tung lên sau lễ tốt nghiệp nhưng bị giám thị nhà trường phát hiện và ngăn chặn. Sau khi nhận những ý kiến không đồng tình với hành động này, hôm nay, em N.T - một học sinh trong nhóm lên tiếng.

"Đó là truyền thống hằng năm của chúng em, cứ mỗi dịp cuối năm, học sinh lớp 12 sẽ tổ chức chơi bột màu để lưu giữ những kỷ niệm. Vì trường khóa kín cửa nên một số bạn phải đứng phía ngoài ném bột vào trong cho chúng em cùng chơi", T cho biết.

T. cũng chia sẻ rằng dù việc này không được nhà trường đồng ý nhưng sau những giờ phút "cháy" hết mình, các em đã ở lại dọn dẹp tất cả.

"Chúng em rất buồn khi nhiều người có những ý kiến không đúng. Kết thúc việc ném bột màu, chúng em đã ở lại dọn dẹp sân trường", học sinh này cho hay.

Người dân đội mưa đi xem "thiên cổ kỳ hoa" ở Long An

Những ngày qua, người dân khắp nơi đã đổ về một ngôi chùa tại xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để chiêm ngưỡng hoa ưu đàm.

Hàng ngày ngôi chùa nay thu hút hàng chục lượt khách tới chiêm ngưỡng "thiên cổ kỳ hoa". Thầy Thích Tâm Đức (86 tuổi, trụ trì ngôi chùa) cho biết loài hoa này mọc dưới tòa sen tượng Phật Thích Ca.
 

Long An: Bất chấp giông gió, nhiều người đổ xô đi xem “thiên cổ kỳ hoa” 3.000 năm mới nở một lần? - Ảnh 3.
Một nhánh cây nhựa trong chùa xuất hiện "hoa ưu đàm".
 

Hiện ở trong chùa có 15 điểm được cho là có hoa ưu đàm mọc rải rác tại các tượng Phật lớn nhỏ. Nhiều chuyên gia thực vật cho rằng, loài cây mà nhiều người cho là hoa ưu đàm thực chất là một loại nấm, không hiếm gặp.

Giống này thường mọc ở những vị trí đặc thù như trên các thanh sắt thép, lá cây, trên các loại hoa quả và đặc biệt là trên các tượng Phật.

Có thể vì lý do này và việc ghi chép tôn giáo khiến nhiều người cho rằng loài hoa này tương đối linh thiêng, thần kỳ.
 


Tuyết Hoàng (tổng hợp) - Clip: Luyên
Theo Vietnamnet