Ngày 12/5, dư luận tranh cãi trước vụ việc một nữ sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Đồng Nai bị buộc nghỉ học vì có hình xăm ở ngực, sau đó đăng lên Facebook.

Trong bản tường trình, nữ sinh này viết: "Em đã xăm hình này vào năm lớp 9, năm 2019 và xăm tên em. Do lúc đó em suy nghĩ bồng bột không nghĩ đến hậu quả mà nghe theo bạn bè.

Em cảm thấy hối hận về việc mình đã làm. Mong nhà trường xem xét cho em học xong lớp 11, em sẽ rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường".

Tin mới vụ nữ sinh xăm mình, đăng Facebook: Bộ GD&ĐT nói gì?-1
Trường THPT Nguyễn Khuyến.

Đại diện trường THPT Nguyễn Khuyến cho hay, phía gia đình học sinh có mong muốn cho con được học tiếp lớp 12 và quan điểm của nhà trường chỉ chấp nhận để em tiếp tục theo học khi gia đình, học sinh nắm rõ, thực hiện khắc phục và đáp ứng được nội quy.

Vị đại diện cũng cho biết, thông tin trường buộc học sinh thôi học là không chính xác vì nữ sinh xăm mình gây xôn xao dư luận, vẫn đang đi học để kết thúc học kỳ vào ngày 17/5.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai lên tiếng về vụ việc, cho biết nữ sinh này "chỉ xăm chữ nhỏ trên tay và trường chưa có hình thức xử lý nào".

Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc định hướng, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh là rất cần thiết. Điều này sẽ tạo điều kiện để các em có lối sống lành mạnh và giá trị hơn.

Tuy nhiên, quan điểm của ngành GD-ĐT là mọi vi phạm của học sinh đều phải xử lý một cách nhân văn, gắn liền với kỷ luật kỷ cương, lấy tuyên truyền nhắc nhở là chính.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên- Bộ GD-ĐT cho biết, lãnh đạo Vụ đã trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, xác minh các bên liên quan và có báo cáo nhanh về vụ việc.

Nếu sự việc đúng như báo chí nêu, đề nghị nhà trường xem xét kỹ các quy định liên quan, tổ chức đối thoại với giáo viên, học sinh vi phạm, cha mẹ học sinh, tổ chức các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh, trên cơ sở học sinh đã ăn năn, hối lỗi, nhận ra hành vi vi phạm này; rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý học sinh, khen thưởng, kỷ luật học sinh... nhằm tạo môi trường giáo dục sư phạm, nghiêm túc nhưng cũng phải thân thiện, lành mạnh, nền nếp, thực hiện đầy đủ quyền được học tập của các em theo như luật định...

Về việc trường đặt ra các quy định riêng trong nội quy có đúng với các văn bản của Bộ và các văn bản pháp luật khác không, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, các cơ sở giáo dục đều có trách nhiệm nghiên cứu, tuyên truyền tới CBGV, học sinh, sinh viên thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, của Bộ GD-ĐT liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có các quy định về việc khen thưởng -  kỷ luật nói riêng. Nhưng nguyên tắc là không được trái với các quy phạm trong các Thông tư của Bộ GD-ĐT.

Một chuyên gia tâm lý chia sẻ, vụ việc nữ sinh xăm mình này có 2 khía cạnh cần nhắc đến: "Một là nhà trường đã có quy định học sinh không được xăm mình, nếu vi phạm bị đuổi học thì trong trường hợp này học sinh buộc phải tuân theo là đúng, là bình thường. 

Thứ hai, nhà trường yêu cầu học sinh tuân theo chuẩn mực đạo đức là tốt, cần được ủng hộ. Tuy nhiên, quy định của trường có vấn đề, định nghĩa chuẩn mực của học sinh có sự hiểu lầm.

Trường nghĩ rằng một đứa trẻ không xăm mình là đứa trẻ có nhân cách tốt hoặc với những quy định khắt khe như vậy sẽ làm cho học sinh trưởng thành... nhưng thực tế cho thấy quy định này hoàn toàn không phù hợp".

Theo Dân Việt