Cháy tại kho quân khí của công an tỉnh

Theo đó, vào thời điểm trên, người dân sống tại TP Hà Giang cho biết, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển mặt đất. Nhiều nhà sống gần khu vực xảy ra vụ việc bị dị vật lạ đâm vỡ mái.

Theo tìm hiểu được biết, đây là vụ nổ kho quân khí của Công an tỉnh Hà Giang, có địa chỉ tại tổ 1, phường Minh Khai (TP Hà Giang). Sau khi xảy ra vụ việc, người dân sống gần hiện trường cho biết, tại kho quân khí xuất hiện cột khói lớn.

Tin nóng trong ngày 5/8: Sau tiếng nổ gầm trời, nhiều nhà dân ở Hà Giang tan hoang-1
Khói bốc cao sau tiếng nổ

Xác nhận với báo chí, ông Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Hà Giang cho biết, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, lực lượng Công an tỉnh đã đến hiện trường và tiến hành các bước điểu tra ban đầu, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Tin nóng trong ngày 5/8: Sau tiếng nổ gầm trời, nhiều nhà dân ở Hà Giang tan hoang-2
Nhiều mái nhà bị lật tung

Công an tỉnh đang phối hợp với lực lượng chức năng thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả. Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch UBND TP Hà Giang cũng xác nhận, trưa nay trên địa bàn xảy ra một vụ nổ lớn. Vị trí nổ được xác định tại kho chứa tang vật vũ khí, vật liệu nổ của Công an tỉnh.

Công an mách bài học "sinh tử" khi trộm đột nhập

Khi có trộm đột nhập, tuyệt đối không được xông vào bắt giữ mà phải tìm đến vị trí an toàn, báo cho lực lượng công an. Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an, mới đây đã có buổi chia sẻ kỹ năng đối phó khi có trộm đột nhập vào nhà tại Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội).

Lấy ví dụ 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Lê Văn Luyện (Bắc Giang) và Nguyễn Văn Kỳ (Hà Nội) gây ra, trung tá Hiếu nhận định cách ứng xử của chủ nhà khi trộm vào nhà quyết định rất lớn đến an toàn tính mạng của chính mình.

Theo đó, mục đích đầu tiên của đối tượng là vào trộm cắp nhưng khi chủ nhà không biết ứng xử sẽ ngay lập tức chuyển hóa thành tội ác giết người. Trong tất cả tình huống trộm đột nhập, ưu tiên bảo vệ số một là tính mạng chứ không phải tài sản.

“Tài sản mất có thể làm lại, thậm chí là tìm lại được sau khi công an vào cuộc. Nhưng mỗi người chỉ sống được một lần mà thôi”, trung tá Hiếu nói. Tâm lý của bất cứ tội phạm nào cũng quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng và luôn chứa đựng một nỗi sợ bị bắt. Một con vật khi bị dồn vào đường cùng sẽ quay lại tấn công, con người cũng vậy.

Tin nóng trong ngày 5/8: Sau tiếng nổ gầm trời, nhiều nhà dân ở Hà Giang tan hoang-3
Trung tá chia sẻ kinh nghiệm

Nhiều trường hợp thay vì đóng cửa hoặc báo công an thì lại lao vào, hô hét hoặc cố bắt giữ, vô tình kích hoạt nỗi sợ bên trong và bản năng tự vệ của đối tượng, từ đó dẫn tới chống trả, thậm chí là giết người.

“Tệ nhất là việc cố gắng bắt giữ, phản kháng, nhiều người còn đang ngái ngủ cũng xông vào bắt trộm khiến đối tượng chống trả”, trung tá Hiếu cho hay.

Đối với vùng nông thôn, nửa đêm nghe tiếng động thì tuyệt đối không được ra ngoài. Hãy áp tai xuống đất để nghe và dự đoán, bật hết công tắc điện rồi gọi điện thoại cho công an, nói to để đối tượng nghe thấy, sợ và bỏ chạy.

Trong trường hợp trộm đã đột nhập vào nhà, đầu tiên người nhà phải kiếm một vật để tự vệ, sau đó tiếp cận các phòng có người già, trẻ em hoặc người không có khả năng tự vệ, yêu cầu giữ bí mật rồi đưa vào căn phòng có cửa chắc chắn, khóa chặt và gọi điện thoại cho công an.

Nếu đang ngủ mà trộm vào, không nên hô hoán mà hãy giả vờ ngủ say, coi như không biết gì. Cùng với đó, mở hé mắt, khi nào đối tượng ra khỏi phòng thì chạy đến đóng cửa, bật điện rồi gọi điện thoại cho công an.

Trường hợp bị gọi dậy và yêu cầu chỉ chỗ cất tài sản, lựa chọn thông minh nhất là hãy ngoan ngoãn làm theo mọi yêu cầu về tài sản và xin không xâm phạm đến tính mạng các thành viên trong gia đình.

Quá trình đó, nếu có thể hãy quan sát khéo (tuyệt đối không nhìn chằm chằm), đánh giá một số đặc điểm như giới tính, chiều cao, khuôn mặt, giọng nói để sau này báo công an.

Đối với trộm là người quen biết và đã lộ mặt, bằng mọi giá phải chống cự bởi đối tượng biết rằng chắc chắn sẽ bị lộ và sẽ giết chủ nhà, dù có xin cũng không tha.

Tiếp đó, tận dụng cơ hội chạy vào phòng đóng cửa hoặc nếu được thì thoát thân ra ngoài rồi hô hoán. Tuyệt đối không lao vào để bắt giữ. Khi trộm đã đi khỏi, hãy giữ nguyên hiện trường, đồng thời đưa người đi cấp cứu. Và điều quan trọng là trong mọi tình huống phải báo công an.

Tài xế ôtô cầm gậy golf tấn công cảnh sát giao thông

Nam tài xế đôi co rồi tấn công CSGT sau khi bị lực lượng thi hành công vụ yêu cầu chuyển hướng ôtô vì lái xe vào đường cấm.

Ngày 5/8, Đội CSGT số 3 Công an Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, làm rõ hành vi của nam thanh niên tấn công CSGT vào chiều qua. Người này đang bị cơ quan điều tra tạm giữ để lấy lời khai.


Clip ghi lại cảnh tài xế cầm gậy tấn công cảnh sát

Theo Đội CSGT số 3, chiều 4/8, tài xế khoảng gần 30 tuổi lái ô tô mang biển kiểm soát 30A chạy trên đường Nguyễn Chí Thanh, hướng đi Trần Duy Hưng.

Đến nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, tài xế rẽ phải vào đường Đê La Thành thì bị chiến sĩ CSGT Đội 2 yêu cầu chuyển hướng do đoạn đường này cấm ô tô đi theo hướng về Cầu Giấy.

Sau hồi đôi co, tài xế xuống xe, cầm theo gậy đánh golf tấn công lực lượng công vụ. Sau khi tài xế này lái ôtô đi, chiến sĩ Đội CSGT số 2 thông báo các chốt CSGT gần đó hỗ trợ.

Tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, tổ công tác của Đội CSGT số 3 chặn chiếc xe 4 chỗ. Thanh niên này tiếp tục dùng gậy đánh golf tấn công một cảnh sát và bỏ chạy. Lực lượng chức năng cùng người dân đuổi theo, bắt giữ tài xế này lại, rồi đưa về trụ sở Công an phường Láng Thượng.

Làm việc với Công an phường Láng Thượng, nam thanh niên khai tên Nguyễn Hữu Đạt (24 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết sau khi đơn vị bàn giao Đạt cho cơ quan công an, người thân anh ta có mặt và nói thanh niên này có biểu hiện trầm cảm, gia đình từng đưa anh ta đi điều trị.

Công an phường Láng Thượng vẫn đang giữ Đạt để làm rõ.
 

N.L
Theo Vietnamnet