Ngày 12/6, nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh này về việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh liên quan đến tình trạng suy giảm rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, TP Nha Trang.
Đánh giá thực chất công tác bảo tồn
Động thái trên thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Toàn tại Thông báo 330 ngày 6/6 và chỉ đạo tại giao ban tuần ngày 10/6.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ những nội dung báo chí nêu, từ đó đánh giá thực chất công tác bảo tồn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, đồng thời làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19/6.
Hệ sinh thái san hô gần vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang chết phủ trắng đáy biển. Ảnh: Xuân Hoát.
Như đã phản ánh, hiện hàng trăm m2 đáy biển ở khu vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang san hô gần như bị “tẩy trắng”.
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, giữa tháng 6/2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến dịch vụ du lịch giảm mạnh, độ phủ san hô sống lên đến 61%. Thời điểm này một số nhóm cá đang tăng về kích thước và số lượng như cá trác, cá mó, cá hồng, cá chỉ vàng, cá bướm, cá nhồng, cá dìa...
Tuy nhiên, trong đợt khảo sát đầu năm nay, chất lượng rạn san hô ở Hòn Mun dưới mức trung bình.
Cụ thể, khu vực tây nam của Hòn Mun có tỷ lệ bao phủ san hô chỉ còn 7,8%, tình trạng rạn được đánh giá rất kém. Toàn bộ san hô 1-3 m bị đánh gãy, đưa lên bờ gần như toàn bộ với diện tích hơn 600 m2.
Khu vực đông nam đảo Hòn Mun, độ bao phủ san hô chỉ còn 14,5%, cũng xảy ra tình trạng gãy đổ san hô với diện tích khoảng 300 m2.
Trong khi đó, tại khu vực tây bắc đảo Hòn Mun, san hô chỉ còn 24,6%. Khu vực này mực nước sâu hơn 3 m nên ít xảy ra tình trạng gãy đổ.
Còn khu vực đông bắc, tỷ lệ bao phủ san hô cũng chỉ đạt mức 41%. Ở đây san hô 1-3 m vẫn bị gãy đổ hàng loạt, còn san hô ở độ sâu 6-8 m ở Hòn Rơm không bị ảnh hưởng.
Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang Huỳnh Bình Thái cung cấp số liệu cho thấy so sánh với năm 2015, rạn san hộ ở Hòn Mun có độ phủ trung bình giảm nghiêm trọng ở khu vực đông bắc - tây bắc từ 53,7% xuống còn 32,6%. Còn khu vực đông nam - tây nam từ 52,2% xuống còn 11,1%.
Thí điểm cho tư nhân phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang
UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định giao 28,01 ha mặt nước biển trong vịnh Nha Trang cho Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đây không phải là dự án mang mục đích kinh doanh mà là dự án thực hiện bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học tại vùng biển ven bờ Bãi Tiên thuộc vịnh Nha Trang. Dự án có vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, thời hạn cho thuê mặt nước là 5 năm
Hiện, dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hôm 1/3.
San hô trồng thí điểm phát triển tốt. Ảnh: T. Hoài.
Theo đại diện Công ty CP Vạn San Đảo, dự án gồm các hạng mục chính sử dụng 1,9 ha đáy biển trước đây không có san hô, có độ sâu 4-4,5 m làm rạn nhân tạo bằng vật liệu rỗng, không độc hại để di dời tập đoàn san hô được ươm trồng đến phục hồi. Vườn ươm san hô có diện tích khoảng 5.000 m2 với giá nhựa làm vườn ươm.
Hiện, Công ty Vạn San Đảo đang phối hợp với cán bộ Viện Hải dương học trồng thử nghiệm thành công hơn 600 giá thể san hô sừng hươu.
San hô này được lấy từ nguồn gãy đổ sau mưa bão để ươm. Các giá thể san hô phát triển tốt dài hơn 10 cm so với thời điểm ban đầu.
"Chúng tôi đã di dời thử nghiệm ra môi trường bên ngoài. Kết quả san hô tiếp tục phát triển. Chúng tôi rất kỳ vọng trong tương lai sẽ tạo được một rạn san hô nhân tạo, góp phần bảo tồn hệ sinh thái vịnh Nha Trang”, đại diện Công ty Vạn San Đảo thông tin.
Theo Zing