"Xin chào bạn đã đến với kênh của Oanh - Tuấn, kênh tình yêu bất chấp. Tụi mình sẽ phục vụ bà con 2 món: Yêu và sức khỏe…, bởi tụi mình yêu nhau mà không có tình dục", lời giới thiệu kênh youtube khiến ai nấy đều tò mò.
Mỗi ngày, cứ có thời gian là vợ chồng chị Oanh lại ngồi cạnh nhau để ghi lại những thước phim về bữa cơm thường nhật, về cuộc trò chuyện tầm phào, hoặc đơn giản là khoảnh khắc Tuấn buông tay ra khỏi chiếc bàn, tự đứng nhảy trên đôi chân lở loét của bản thân trong vài phút ngắn ngủi…
Người không thích vẫn bình luận khiếm nhã, chỉ trích cặp đôi "đũa lệch" qua mỗi cuộc livestream (phát trực tiếp), người yêu thương thì không ngừng rơi nước mắt. Ấy vậy, đối với cả hai, chỉ cần thêm một ngày được sống bình an đã là điều hạnh phúc nhất.
Những khoảnh khắc hạnh phúc cặp đôi lệch tuổi Oanh và Tuấn chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).
Yêu nhau bởi một nụ cười
Năm 1986, chị Oanh lên đường sang Liên Xô lao động với mộng ước thay đổi cuộc đời. Ở nước bạn, Oanh nảy nở tình cảm với người đàn ông ngoại quốc.
Nhưng, kể từ khi người yêu mối tình đầu đột ngột qua đời vì ung thư, chị Oanh không muốn tìm kiếm tình yêu thêm nữa.
Năm 2004, trong lúc đưa mẹ đi tập vật lý trị liệu, chị Oanh tình nguyện phụ giúp sơ của nhà thờ chăm sóc các bệnh nhân không có người thân.
Một hôm, thấy có chàng trai gãy tay không ai đưa đón, chị Oanh lên tiếng tình nguyện chở anh về mái ấm tình thương ở quận Thủ Đức (TPHCM). Đó là lần đầu tiên chị gặp chàng trai khiếm thị, u não Nguyễn Văn Tuấn.
"Lúc đó Tuấn mỉm cười chào tôi là chị. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một nụ cười tươi đến như thế. Tôi thầm nghĩ, đời mình có tất cả, có cha mẹ, anh chị, nhà cửa, có cuộc sống khỏe mạnh, đủ đầy… nhưng sao chưa bao giờ có thể cười được vậy, trong khi, Tuấn mắc bệnh hiểm nghèo, cả người chỉ hơn 30 ký, lại chẳng có một chỗ ở đàng hoàng… vẫn lạc quan, vui tươi vậy", chị Oanh nhớ lại.
Nụ cười tươi của chàng trai khiếm thị, u não đã khiến chị Oanh cảm mến (Ảnh: NVCC).
Một thời gian sau, cả hai xích lại gần nhau hơn qua những lần tiếp xúc. Ban đầu, chị Oanh chỉ xác định trở thành chị em và thường xuyên lui tới mái ấm để giúp đỡ chàng trai trẻ.
Mãi đến khi lắng nghe hoàn cảnh Tuấn mồ côi mẹ, cha đi lấy vợ khác, cả tuổi thơ sống với ngoại, sự đồng cảm của trái tim đầy tổn thương khiến chị và "cậu em" trân trọng nhau nhiều hơn.
Hình ảnh cả hai tổ chức đám cưới vào năm 2007 (Ảnh: NVCC).
"Lúc đó, lời dị nghị xung quanh chúng tôi nhiều lắm! Tôi là thân gái mà đưa anh về phòng trọ chăm sóc là tai tiếng cả gia đình. Sụ thật là chỉ khi đã thành vợ thành chồng, tôi mới đàng hoàng chăm sóc anh…", Oanh kể.
"Con cưới Tuấn nghen ạ!", một ngày Oanh quay trở về nhà và nói với mẹ. Ngay sau đó, chị đã nhận những trận đòn roi, sự phản đối gay gắt từ gia đình.
Thậm chí có người thân đã mắng Oanh kiểu xúc xiểm là "loại khoái gặm cỏ non", "sinh lý mạnh mới tìm trai trẻ"… khiến trái tim người đàn bà vỡ vụn.
"Đến khi tôi đưa anh về phòng, mẹ biết được, lôi ra đánh. Tôi chỉ dặn anh, dù có chuyện gì cũng im lặng, chịu đựng và không bỏ chạy. Vậy mà hôm đó, anh đứng đó cùng tôi chịu đòn, tôi mới biết anh cũng yêu thương mình thế nào…", chị Oanh nói.
Hôn nhân 20 năm không tình dục
Năm 2007, Oanh và Tuấn chính thức tổ chức đám cưới. Đó là một ngày vừa buồn vừa vui. Vui vì cuối cùng chị cũng tìm được một nửa cuộc đời, buồn vì từ hôm ấy, chị buộc phải rời khỏi gia đình.
Mặc dù đã hiểu bệnh tình nghiêm trọng của Tuấn nhưng chị Oanh càng bất ngờ hơn khi sau đám cưới, chồng tâm sự anh bị vô sinh.
Mỗi lần Tuấn ham muốn dục vọng mà không thể làm được, anh trở nên bực dọc, hành hạ bản thân và thay đổi tính nết rất nhiều.
Thời gian đó, nghe phong thanh ở đâu có bác sĩ giỏi, chị Oanh lại gom tiền đưa chồng đi chạy chữa. Đến khi vị bác sĩ tại bệnh viện Bình Dân TP.HCM nói thẳng "giờ mổ hoặc không mổ thì khả năng lành cũng rất thấp", chị Oanh lặng người, tê tái.
"Lúc đó anh bị khối u, đã mổ nhiều lần, đau đớn thể xác vô cùng. Vậy làm sao chỉ vì chuyện chăn gối mà tôi bắt buộc anh lên bàn mổ thêm nữa.
Cuối cùng tôi để anh quyết định và chấp nhận không mổ. Cuộc sống của vợ chông tôi không tình dục nhưng với cả hai là tình thương vô bờ", chị Oanh cười.
Sau đám cưới chị Oanh phát hiện chồng vô sinh và không thể sinh hoạt vợ chồng, thế nhưng cả hai vẫn hạnh phúc bên nhau đã 20 năm (Ảnh chụp màn hình).
Bệnh tật của anh Tuấn trở nặng hơn. Chị Oanh nhớ, đó là những ngày vợ chồng ở viện nhiều hơn ở nhà. Để có tiền viện phí, mỗi tối, chờ chồng ngủ rồi chị Oanh lại đi bấm huyệt, cắt cơn đau cho những bệnh nhân kiếm thêm.
Anh Tuấn liên tục phải phẫu thuật, mỗi ca mổ não là một lần đối diện tử thần. Vậy mà, có lần bác sĩ hẹn 16h anh sẽ ra, chị Oanh ngồi đợi mãi trước cửa phòng mổ đến khi chân quỵ ngã vẫn không thấy bóng dáng anh.
"2h sáng hôm sau, anh được đẩy ra khỏi phòng mổ, máu còn bê bết khắp người nhưng ơn trời, anh vẫn sống. Với bệnh tình của anh, chúng tôi cùng xác định, anh có thể ra đi bất cứ lúc nào. Gần đây nhất, cái Tết vừa rồi, anh quay được về nhà ở cùng vợ, với tôi đó đã là may mắn lắm…", chị Oanh nói.
Căn bệnh u não khiến anh Tuấn liên tục phải vào bệnh viện, mỗi lần như thế, chị Oanh luôn túc trực cạnh chồng (Ảnh: NVCC).
Ước mong đừng chết trước để chăm sóc chồng
Chị Oanh hiện học nghề thuốc đông y, mát-xa bấm huyệt tại Long An để kiếm tiền lo thuốc thang cho chồng. Chị cũng nhờ một người quen lập kênh youtube để chia sẻ về cuộc sống đặc biệt của vợ chồng mình, hiện kênh cũng đã có thể cho thu nhập phụ giúp chị.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng hy vọng về tình yêu của cả hai chưa bao giờ tắt. Mỗi ngày, chị Oanh vẫn cần mẫn lau rửa những vết thương lở loét trên người chồng. Sợ vợ lo lắng, anh Tuấn đã rèn luyện để chịu đựng nỗi đau thể xác, chưa bao giờ kêu ca, than vãn.
Mỗi đêm, để giảm đau nhức cho vợ, anh Tuấn vẫn ngồi đấm bóp cho chị Oanh (Ảnh: NVCC).
"Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng tôi hiểu rằng mỗi người chúng tôi cần phải thông cảm cho nhau. Tôi không như chồng, có thể chịu bao áp lực, nỗi đau bị gia đình ruồng bỏ, vết thương hành hạ cả đời…
Chính anh Tuấn dạy cho tôi nhiều bài học và đối với chúng tôi, việc gắn bó không chỉ là nghĩa vợ chồng nữa mà là tình thương yêu con người đơn sơ, chân thành nhất", Oanh nói.
Thời gian gần đây, chị Oanh tái phát bệnh ung thư vòm họng, tình trạng trở nặng nhanh. Mỗi tối, cơn đau khiến chị quỵ ngã, anh Tuấn lặng lẽ ngồi cuối giường xoa bóp, giảm đau cho vợ.
Cả hai chỉ mong muốn được sống trọn từng khoảnh khắc, không đau đớn đến giây phút cuối cùng (Ảnh chụp màn hình).
"Hôm bữa, vừa vui khi anh Tuấn tự buông tay khỏi bàn đi được, vài hôm sau anh lại đau vì vết thương bưng mủ… Hạnh phúc của vợ chồng tôi bây giờ tính bằng khoảnh khắc nên mọi thứ trong đời chẳng còn quan trọng, chỉ cần được ở cạnh nhau.
Giá như còn sống mà đừng đau nhức, ngày mai ra đi vẫn vui vẻ, còn nếu chết thì tôi mong mình có thể 'đi' sau để chăm sóc anh đến cuối cùng", chị Oanh mỉm cười, lặng đi.
Theo Dân Trí