Tình yêu khó tin của đôi vợ chồng mù đèo nhau đi bán chổi

Dù cuộc sống còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng tổ ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo, mù lòa giữa kinh thành Huế hiếm khi nào thiếu vắng đi tiếng nói cười.

Đi đâu, làm gì hai vợ chồng cũng luôn sát cánh bên nhau. Sức mạnh của tình yêu giúp họ vượt qua số phận éo le khiến nhiều người cảm phục.


Bằng nghề đan và bán chổi dạo, hai vợ chồng nghèo khiếm thị đã xây nên tổ ấm của riêng mình nuôi hai con ăn học. Ảnh: t.G
 

Tình yêu hồi sinh sự sống

Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé xóm “bờ thành” thăm tổ ấm hạnh phúc của hai vợ chồng anh Phan Quốc Long (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Trắc (SN 1978) trú tổ 5, phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong căn nhà nhỏ xập xệ nằm vắt mình trên bờ tường kinh thành Huế, vợ chồng anh Long, chị Trắc cùng cô con gái nhỏ vẫn tất bật với công việc làm chổi mưu sinh của gia đình. Với một người bình thường, để bện nên một cây chổi đã khó. Vậy nhưng dù không nhìn thấy ánh sáng, gần 20 năm nay hai vợ chồng nghèo khiếm thị này vẫn xây nên tổ ấm gia đình, nuôi hai con ăn học nên người từ những chiếc chổi được làm bằng đôi tay khéo léo của mình.

Vừa cắt dây buộc chổi, anh Long mỉm cười kể cho chúng tôi nghe về chuyện đời mình. Ít ai biết được, để có được cuộc sống như ngày hôm nay anh cũng trải qua không ít sóng gió. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em ở làng quê nghèo huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nhỏ anh Long đã sớm chịu nhiều thiệt thòi. Cũng vì quá nghèo không có tiền chữa bệnh mà biến chứng của căn bệnh sởi năm anh lên 3 tuổi đã vĩnh viễn cướp đi của anh ánh sáng cuộc đời.

Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, cộng với sự mất mát khi đôi mắt không còn nhìn thấy đã khiến tuổi thơ của anh là những tháng ngày tăm tối. “Sự mặc cảm, tự ti khiến tôi như mất hết niềm tin vào cuộc sống, thu mình trong vỏ bọc. Việc hòa đồng với mọi người đã khó, bản thân tôi lúc đó chưa bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ yêu ai và có một ai đó chấp nhận yêu và lấy một người mù như mình”, anh Long chia sẻ.

Thế nhưng được sự động viên của người thân, năm 1995 anh Long quyết định tham gia vào Hội người mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Và trong những ngày tháng hòa nhập đó, điều kỳ diệu mà anh chưa bao giờ dám nghĩ đã đến với anh một cách quá đỗi bất ngờ. Những ngày tháng tươi đẹp của tình yêu bắt đầu đến với anh khi anh gặp được người phụ nữ của đời mình – chị Nguyễn Thị Trắc, vợ anh bây giờ.

Hạnh phúc giữa muôn vàn khó khăn

Với một mắt còn nhìn thấy ánh sáng lờ mờ, hàng ngày chị Trắc chở chồng đi khắp các con đường ngõ hẻm để bán chổi.
 

Ngày đó, qua những lần trò chuyện với chị Trắc, anh Long đã dần có cảm tình với người con gái có số phận kém may mắn như mình. Được biết, trước khi gặp anh số phận của chị Trắc cũng hết sức bi đát. Sinh ra thiếu tình yêu thương của cha, đến năm lên 2 tuổi thì mẹ chị cũng qua đời vì bạo bệnh. Đáng thương hơn, khi đang bước vào độ tuổi thanh xuân thì không hiểu vì sao đôi mắt chị mỗi ngày một mờ đi, rồi một ngày ánh sáng cũng dần khép lại khiến cuộc đời chị dần chìm vào bóng tối.

Bi quan, tuyệt vọng, đã có lúc chị nghĩ đến cái chết.Thế nhưng, được người nhà động viên, chị đã cố gắng sống. Năm 1996, được sự giới thiệu của một số người cùng cảnh ngộ, chị tham gia vào Hội người mù. Tại đây, chị Trắc và anh Long gặp nhau. Hai con người chưa một lần nhìn thấy mặt nhau, nhưng qua những lần trò chuyện, bằng sự cảm thông, thương mến họ đã tìm thấy nhau khi trái tim cùng chung nhịp đập.

Nhắc lại những ngày đầu mới yêu nhau, chị Trắc cho biết lúc đó gia đình hai bên đã phản đối rất nhiều. Lúc đó khi nghĩ đến tương lai, ai cũng lo sợ. Họ sợ kẻ mù, người khiếm thị lấy nhau về, cuộc sống sẽ càng vất vả hơn, lỡ đau ốm lấy ai chăm sóc? Rồi sau này, chuyện con cái nuôi dạy cũng sẽ rất khó khăn, gia đình lại không khá giả gì, như thế sẽ càng trở thành gánh nặng cho nhau. Nhưng bằng tình yêu chân thành, sự ủng hộ của chính quyền và những người có cùng số phận như anh chị trong hội, hai bên gia đình cuối cùng đã gật đầu đồng ý cho anh chị nên duyên vợ chồng.

Một ngày năm 1997, sau mâm cơm nhỏ xin phép tổ tiên nên nghĩa vợ chồng, chị Trắc dọn về chung sống cùng anh Long và mẹ già. Với tay nghề làm chổi lông, chổi đót được học từ trung tâm dạy nghề, hai vợ chồng bắt đầu hành trình xây dựng tổ ấm của mình.

Sau nhiều năm chung sống, niềm vui của gia đình càng nhân lên khi mái ấm có thêm những thành viên mới là bé Phan Thị Anh Thư (SN 1999) và bé Phan Thị Anh Thi (SN 2004). Niềm hạnh phúc nhất của hai vợ chồng anh Long – chị Trắc có lẽ là các con sinh ra đều khỏe mạnh và chăm ngoan. Kể về các con, anh Long không giấu được niềm vui sướng: “Khi mới lấy nhau, cuộc sống của vợ chồng tôi cũng hết sức khó khăn. Nhưng, nghĩ đến tương lai, chúng tôi lại càng cùng nhau cố gắng. Có thêm hai con, cuộc sống vất vả hơn nhiều nhưng chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Có nằm mơ, vợ chồng tôi cũng không nghĩ con mình sinh ra sẽ lành lặn và khỏe mạnh. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ cùng cố gắng”.

Mới đây, anh Long đã mạnh dạn vay tiền mổ mắt cho vợ, nhờ vậy mắt trái của chị Trắc đã nhìn thấy. Mặc dù không rõ, chỉ lờ mờ nhưng cũng là cứu cánh cho cả hai vợ chồng chị rất nhiều trong việc sinh hoạt và buôn bán. Hiện tại, thu nhập của cả gia đình anh chị phụ thuộc vào những bó chổi, những tờ vé số của hai vợ chồng. Ngày nắng cũng như mưa anh chị phải dậy từ tờ mờ sáng. Chị đèo anh trên chiếc xe đạp cũ đi khắp các con đường, ngõ hẻm bán chổi và vé số, đến tối mịt mới về. Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu, sự đồng lòng sát cánh bên nhau của anh chị khiến nhiều người cảm phục.

Theo GĐ&XH


câu chuyện cuộc sống hạnh phúc gia đình hôn nhân Tình yêu

Tin tức mới nhất