Ngồi đối diện tôi là một người phụ nữ lớn tuổi, có lẽ bà đã ngoài sáu mươi nhưng đăm đắm trong câu chuyện của bà là những day dứt về khoảng thời gian bốn chục năm trước. Băn khoăn lớn nhất của bà là liệu có nên cho cậu con trai 38 tuổi của mình biết về “bố thật” của nó, để nó giúp đỡ ông ấy trong lúc khó khăn này không…

Câu chuyện của bà ngược thời gian về hơn bốn chục năm trước. Ngày đó, bà lấy chồng năm 20 tuổi, đằng đẵng mấy năm sau khi lấy chồng, mải làm ăn kinh tế, ông bà xa nhau, vài tháng mới có thể gặp nhau một lần. Chồng mải làm ăn xa, bà tần tảo đồng áng cùng bố mẹ chồng nên suốt 4 năm trời bà vẫn như gái còn son khi chưa có tin vui. 

Tôi có nên cho con biết bố đẻ của nó là ai?-1
Ảnh minh họa.

Đùng một cái bà có thai. Niềm vui như vỡ òa với các cụ hai bên và đặc biệt là người chồng của bà nhưng chỉ mình bà biết, cha của đứa con trong bụng bà là ai. Cũng chỉ một chút nhẹ lòng khi xa chồng đã lâu, cũng chỉ vì những lời đường mật của anh chàng chạy máy cày thuê, bà đã “trót”. 

Bà sinh ra một cậu con trai trong niềm vui hân hoan của cả gia đình đôi bên và đặc biệt là chồng bà. Càng lớn, thằng bé càng giống “người ấy”. Do cùng làng, bà loáng thoáng nghe được những lời dị nghị và những ánh mắt nghi ngờ. Cuộc sống với bà như sang một trang mới khi người chồng của bà quyết định đưa cả gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp khi có người nâng đỡ. 

Bẵng đi cũng đã 38 năm, con trai bà giờ là người đàn ông thành đạt, có vợ có con đàng hoàng. Vào Tây Nguyên, vợ chồng bà cũng sinh được 2 cô con gái nữa, tất cả cũng đều đã trưởng thành. Cuộc sống của gia đình bà bình yên, chồng bà cũng không bao giờ nói gì về cậu con trai, chẳng biết ông ấy có biết chuyện hay không.

Đầu năm nay, bố đẻ của bà mất, bà và cậu con trưởng ra Bắc, về quê chịu tang. Bà gặp lại người “thợ cày” năm xưa. Ông ấy giờ đã là một lão nông lớn tuổi, con cái, cháu chắt đủ đầy.

Tuy nhiên, cách đây vài tháng, ông ấy chạy máy cày ra ruộng, không may gây tai nạn khiến một người tử vong. Đôi bên đã thỏa thuận rằng, ông phải đền bù cho gia đình, vợ con người bị nạn hơn trăm triệu, đổi lại, ông không bị ra tòa xử lý theo pháp luật. Vài chục năm nay, ông và cả những người con của ông cũng chỉ là những thợ cày thôn quê, chỉ đủ chi tiêu chứ tích lũy không nhiều, con đàn nên cũng không dư dả gì. Món tiền phải đền bù là quá lớn đối với ông ấy và gia đình.

Gặp lại “người thợ cày” năm xưa, những ký ức tuổi trẻ ùa về trong bà. Đặc biệt, hình ảnh cậu con trai 38 tuổi hiện nay với “ông ấy” giống nhau như hai giọt nước, từ cái trán hơi hói, đến nước da ngăm đen, khuôn mặt chữ điền. Ông ấy không hề biết mình có con với bà và giờ “nó” đang đứng trước mặt ông…

Từ Bắc trở về, bà không ăn, không ngủ vì những kỷ niệm năm xưa cùng hoàn cảnh hiện tại của ông ấy cứ hiện về. Kinh tế của vợ chồng bà cũng khá giả do trước đây chịu khó phát nương, làm rẫy, trồng tiêu, trồng điều.

Cậu con trai giờ làm cán bộ tài chính, nhà cao, cửa rộng, cũng vài héc ta café, thu nhập rất khá. Đối với cậu, một vài trăm triệu không phải là lớn. Vậy mà “bố đẻ của nó” đang phải thắt lưng, buộc bụng, vay nợ, tằn tiện để có tiền đền bù cho người ta. Nhìn hình ảnh ông ấy khi về quê chịu tang cha, bà không cầm được lòng.

Bà cứ nghĩ, không biết có nên nói cho con trai biết về nguồn gốc của nó, để nó thương và hỗ trợ “ông ấy” ít nhiều. Liệu rằng, khi bà nói ra, con trai bà có giúp gì ông ấy không hay đổi lại là sự trách móc, căm ghét cả bà lẫn người cha thật sự? Liệu người chồng của bà khi biết chuyện có chịu nổi cú sốc này không?

Con trai, hai cô con gái bà sẽ nhìn nhận, đánh giá, phán xét về quá khứ của bà như thế nào? Ông ấy có được con trai bà giúp đỡ tiền bạc như bà mong muốn, hay cuộc sống của ông ấy còn trở nên lao đao hơn? Rồi những năm tháng tiếp theo, bà có thể sống thanh thản, bình yên cùng chồng, con, cháu nữa hay không? 

Hàng loạt câu hỏi cứ ùa đến với bà và bà hiểu rằng, có nói ra thì lành ít, dữ nhiều. Và, kể từ sau lần ra Bắc đó, cuộc sống của bà đã không còn bình yên.

Theo VOV