Đọc bài "4 chân lý phụ nữ nào lấy chồng cũng phải thuộc lòng", sao tôi thấy có chút gì đồng cảnh ngộ. Nhưng tôi đang không được mạnh mẽ như chị và đang bế tắc, ngột ngạt với cuộc sống này bởi người chồng đổ đốn của mình.

Học hết phổ thông, tôi theo nghề học may của 1 chị gần nhà rồi sau đó xin vào xí nghiệp may ở gần nhà làm. Cứ thế tôi gắn bó với nghề may cho tới nay. 22 tuổi tôi lấy chồng - một người cùng xã. Tuy trước khi lấy anh, tôi thừa biết anh là một thanh niên không có chí hướng, chỉ thích chơi bời không chịu khó làm ăn nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại say anh như điếu đổ. Cả nhà biết chuyện ngăn cấm tôi lắm nhưng tôi vẫn quyết định đến với anh.

Tôi yêu anh và nghĩ sẽ cải tạo được con người anh. Rồi anh sẽ thay đổi khi có tôi bên cạnh. Quả đúng như vậy, chỉ sau 1 năm yêu tôi, anh đã dần thay đổi. Từ một người chỉ thích chơi bời, bài bạc nay anh đã tu chí làm ăn. Thời gian sau, anh cũng đi học nghề điện tử điện lạnh và xin vào làm tại một khu công nghiệp cách nhà 5km.

Sau 2 năm yêu nhau, chúng tôi làm đám cưới. Lúc này anh đã thay đổi nên bố mẹ tôi đã yên tâm phần nào chấp nhận anh là con rể. Sau 3 năm kết hôn, chúng tôi đã có 2 con gái. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi như thế khi 2 vợ chồng cùng đi làm, vun vén cho gia đình. Nhưng thời điểm này, do ít việc nên anh nghỉ làm ở khu công nghiệp.

Nghỉ làm ở nhà, anh lại bắt đầu ngựa quen đường cũ, không chịu đỡ đần vợ con việc nhà. Ngược lại, tối ngày anh rượu chè, bài bạc, đánh chửi vợ con. Tôi bắt đầu tuyệt vọng vì không có cách nào cải thiện tình hình. Càng góp ý anh càng khùng lên, cho là tôi đang dạy khôn anh.

Rồi anh quay sang nhiếc móc tôi không biết đẻ con trai. Mọi người nói anh phải tu chí làm ăn thì anh bảo nhà toàn "vịt giời" không có hứng thú làm gì cả. Khi nào có con trai, anh mới có động lực.

Nghe được lời chồng như vậy, tôi bắt đầu nhen nhóm thực hiện kế hoạch sinh thêm con với hy vọng sẽ có thêm 1 cậu ấm để làm cuộc sống gia đình thay đổi. Rồi trời thương cũng cho tôi 1 đứa con trai. Thêm con niềm vui lại tăng lên gấp bội khi nguyện vọng của cả nhà được toại nguyện. Nhưng chồng tôi vẫn thói nào tật ấy, không hề thay đổi gì.

Tôi có nên

Nghỉ làm ở nhà, anh lại bắt đầu ngựa quen đường cũ, không chịu đỡ đần vợ con việc nhà (Ảnh minh họa)

Từ ngày sinh con thứ 3, tôi thêm phần vất vả, một mình lo lắng chuyện lớn chuyện nhỏ. Một tay tôi chăm 3 con chưa kể phải phục dịch anh như 1 bố già ốm nặng. Cảnh làm thuê làm mướn vất vả mà lương lậu chẳng đáng là bao. Khi con trai út 3 tuổi, tôi quyết định nghỉ việc ở xưởng may về mở xưởng riêng của mình nhằm kéo chồng cùng làm. Bàn chuyện này với bố mẹ chồng và chồng, lúc đó cả nhà ai cũng hưởng ứng kế hoạch này của tôi. Chồng tôi đã chủ động mở lời để ông bà nội giao sổ đỏ cho chúng tôi để vay tiền làm vốn.

Tôi vui lắm khi nhận được sự ủng hộ của cả nhà. Tưởng rằng đầu tư làm ăn như thế, tiền của bỏ ra như thế, chồng sẽ cùng tôi làm ăn, vun đắp nhưng anh vẫn không hề thay đổi.

Tôi có cố gắng tới mấy cũng không xuể. Rồi chính anh là người đẩy mẹ con tôi xuống bùn đen, đến bước đường cùng. Tôi lờ mờ nhận ra, thời gian trước anh hưởng ứng việc tôi mở xưởng may chỉ là cái cớ để anh lấy được cuốn sổ đỏ đi cắm lấy tiền ăn chơi bạt mạng. Và quả thật đúng như thế khi xưởng may mở ra không lâu, tôi đã phải trả nợ cho chồng 90 triệu để lấy sổ đỏ về.

Mở xưởng bận rộn, bao việc làm tôi nhận được nhưng anh chẳng chịu làm cùng vợ hoặc quản lý người làm giúp. Anh cứ đi chơi và rượu chè bẹt nhè. Tôi có to tiếng thì anh nổi giận lôi đình, lôi hết vải đã mua của tôi ra cắt. Thậm chí những bộ quần áo may sắp được xuất đi, anh cũng phá hết. Thử hỏi thế thì làm sao tôi ngóc đầu lên được?

Không ngày nào là gia đình tôi yên ổn. Ngày nào các con tôi cũng phải chứng kiến cảnh cãi vã, đập đồ đạc của bố mẹ chúng. Tôi chán ngán cuộc sống này nhưng vẫn phải cố gượng để làm chỗ dựa cho các con. Nhiều lúc nghĩ mà ứa nước mắt, sao bố của các con tôi lại như thế này? Sao chồng tôi lại đổ đốn thế này chứ? Cả nhà nội ngoại ai cũng động viên tôi cố gắng chịu đựng, rồi chồng tôi sẽ thay đổi như trước kia. Nhưng tôi đã quá mệt mỏi, đã kiệt sức rồi. Tôi có nên "cố kiết" sống với người chồng đổ đốn như thế vì con sao?

Theo Trí Thức Trẻ