“Khi con ra đời, mẹ sẽ vì con làm tất cả”. Tôi đã tự nhủ như vậy khi con chào đời. Vậy mà bây giờ tôi không thể giữ được bàn tay của bố cho con nắm khi con cần.
Khi con lên 4, chồng tôi đột ngột phát hiện ung thư phải đưa vào viện chữa trị. Bác sĩ không dám nói thẳng là giai đoạn cuối nhưng các khối u đã chèn lên ống mật của tuyến tụy làm da vàng như bôi nghệ. Cả đôi mắt cũng vàng như thể có ai ác ý cố tình tô sai màu.
Anh ấy quả quyết dặn dò tôi không được suy sụp vì anh không muốn sống những ngày tháng cuối cùng trong mệt mỏi và nước mắt. Anh trở về nhà cùng một bộ đồ chơi bác sĩ, bế con lên và bảo: “Bố được trở thành bác sĩ rồi, từ mai bố sẽ vào bệnh viện làm, bố rất bận nên con phải thường xuyên vào thăm bố đấy”.
Rồi hai cha con mang ống nghe, kim tiêm đồ chơi ra chơi với nhau. Con nhảy cẫng lên vui sướng và đi khoe khắp nhà rằng “bố là bác sĩ bố, con là bác sĩ con”. Anh ấy nói buộc phải làm thế để sau này con sẽ không sợ khi chứng kiến bố bị tiêm. Anh cười buồn bảo “tất cả chỉ là trò chơi, kể cả số phận”.
Tôi sẽ mất đi anh, còn con tôi mất đi đôi bàn tay nâng đỡ dìu dắt con vào đời (Ảnh minh họa)
Những ngày con không thể đến thăm do anh phải cách ly để điều trị là những ngày anh không che giấu được nỗi buồn. Anh úp mặt vào tường không nhìn vợ. Anh cứ xin lỗi vì đã không “tay trái dắt tay em, tay phải dắt tay con đi đến hết cuộc đời”.
Ngày anh mất đã cận kề mà tôi vẫn chưa hình dung được có một ngày mình sẽ sống thiếu vắng bàn tay đó. Sẽ không còn tay ai áp lên má tôi mỗi khi muốn nói “đã có anh ở đây”. Sẽ không còn ai dang đôi cánh tay thật rộng để ôm trọn mẹ con tôi vào lòng. Sẽ không còn ai cùng tôi công kênh con để cho con cười ngặt nghẽo.
Tôi sẽ không bao giờ trở lại được những ngày chứng kiến anh tập xe cho con, được ngắm bố con anh ấy tắm trong bể bơi bé tẹo mà vẫn tràn ngập hạnh phúc. Những ngón tay thô ráp mà tôi thường giả vờ chê là “cù lần” ấy không ngại bẩn thay tã cho con, vệ sinh cho vợ những ngày sinh nở.
Có còn không những ngày anh tỉ mẩn nhặt từng xương cá, xé thịt làm cháo cho con? Có còn không những ngày anh kiên nhẫn cầm tay con tập tô, tập viết trong khi mẹ chỉ quần với con 30 phút là nản? Tôi sẽ mất đi anh, còn con tôi mất đi đôi bàn tay nâng đỡ dìu dắt con vào đời.
Con vẽ tranh gia đình và người nào cũng được tô vàng. Đó là cách anh dạy con để con đỡ sốc khi chứng kiến bố ngày một vàng vọt và gầy yếu. Anh bảo con một ngày nào đó anh sẽ trở thành siêu nhân có khả năng tàng hình, sẽ cù lét con cười mà con không bắt được. Rằng “mẹ nắm lấy tay phải, con còn bố sẽ luôn đứng về phía tay trái dù con không thấy. Lúc nào con cũng được ở giữa, lúc nào con cũng được bảo vệ”.
Anh dặn con, vào ngày bố biến hình, mẹ và ông bà sẽ cùng mở tiệc thật to, lúc đó con phải thật vui vẻ. Anh ấy là người lạc quan và anh muốn con cũng được như thế. Anh cứ dặn mãi không được để sự mất mát làm con ám ảnh.
Anh đã nắm chặt lấy mẹ con tôi cho đến tận phút cuối. Anh khuyên tôi hãy rắn rỏi để bàn tay tôi cũng chính là bàn tay anh có thể chăm sóc con suốt cuộc đời. Rằng tôi sẽ không cô đơn vì anh không mất, chỉ là tàng hình mà thôi.
Khi lấy chồng, tôi mãn nguyện vì đã tìm kiếm cho con mình một người bố tốt, vậy mà chỉ giữ bố cho con được 5 năm (Ảnh minh họa)
Khi lấy chồng, tôi mãn nguyện vì đã tìm kiếm cho con mình một người bố tốt, vậy mà chỉ giữ bố cho con được 5 năm. Rồi con tôi có được lớn lên trọn vẹn như con người khác? Mất đi bàn tay của bố, con có còn là một đứa trẻ bình thường? Tôi có thể thương con nhưng có đủ mạnh mẽ để che chắn cho con, dạy cho con biết tự lập, cho con biết thế nào là hơi ấm của người bố? Rồi những đêm sấm chớp, ai sẽ ôm lấy chúng tôi hay chỉ có mẹ và con trùm chăn run lập cập?
Con tôi còn quá nhỏ để hiểu được lời xin lỗi của tôi. Tôi đã mang con đến với cuộc đời nhưng rốt cuộc chỉ là một kẻ tội lỗi không thể giữ nổi một người bố cho con nương tựa. Tay phải con nắm lấy tay mẹ, tay trái con nắm lấy tay bố nhưng giờ bên trái con chỉ là một khoảng không lạnh lẽo. Là mẹ, tôi thật sự xin lỗi vì đã không thể giữ bàn tay của bố cho con nắm suốt đời.
Theo Trí Thức Trẻ