Những ngày này chị dâu có vẻ sốt ruột đợi câu trả lời, còn tôi vẫn rất băn khoăn, khó nghĩ, không thể quyết định.

Tôi 41 tuổi, cách đây rất nhiều năm từng có vài mối quan hệ ngắn với người khác giới, tất cả đều diễn ra nhạt nhẽo và kết thúc đáng buồn.

Sau tuổi 35, tôi hoàn toàn mất hết hy vọng tìm được một người đàn ông tốt và phù hợp, có thể ở bên mình cả đời, do đó cũng không quan tâm đến việc hẹn hò, tìm bạn trai để tìm hiểu kết hôn nữa.

Tôi tập trung vào công việc, đến nay đã tự mua được một căn chung cư cao cấp, một miếng đất khá đẹp và rộng ở ngoại thành và có số tiền tiết kiệm đủ để yên tâm sống cuộc đời sung túc, mai sau dù đau yếu bệnh tật cũng có tiền để thuê người phục vụ. Tôi cũng mua vài loại bảo hiểm nhân thọ với giá trị hợp đồng khá lớn.

Hiện tại, ngoài công việc, thỉnh thoảng tôi đi du lịch cùng vài đồng nghiệp và bạn bè thân thiết, cuộc sống không quá sôi động nhưng cũng bình yên, nhẹ nhàng. Bạn bè, người quen vẫn có những người khuyên tôi kết hôn, hoặc “kiếm lấy một đứa con” bằng tinh trùng hiến tặng.

Lấy đại ai đó chỉ để có chồng thì tôi không muốn. Tôi cũng gạt đi ý tưởng sinh ra một đứa trẻ không cha vì cho rằng nó sẽ không vui khi bị ép ra đời trong một gia đình khiếm khuyết.

Gần đây, bà thím ở quê gọi điện cho tôi hỏi han vài chuyện, rồi khuyên tôi nên nhận một đứa trẻ trong gia tộc làm con nuôi: “Chỉ cần cháu hết lòng nuôi nó như con, sau này nó sẽ báo hiếu như mẹ ruột thôi.

Bây giờ cháu còn trẻ khỏe cứ nghĩ có tiền là đủ, đến khi già sẽ biết cô độc một mình rất tội nghiệp, phải có đứa con nâng giấc, chăm nom. Nuôi đứa trẻ là máu mủ nhà mình thì yên tâm hơn vạn lần nhận trẻ mồ côi người dưng nước lã”.

Tôi ế chồng, có nên nghe lời chị dâu, nuôi cháu để về già có người phụng dưỡng?-1
Tôi rất quý cháu ruột, nhưng nếu nhận bé làm con nuôi thì còn quá nhiều băn khoăn. (Ảnh: Shutterstock)

Rồi thím ấy gợi ý, tôi nên nhận nuôi một trong những đứa con của người anh thứ hai ở quê. Nhà anh có 4 đứa con, 3 trai một gái, điều kiện kinh tế khá chật vật.

Thương anh chị và các cháu, lâu nay tôi vẫn hỗ trợ rất nhiều, ngoài cho tiền còn hay gửi quà về. Các cháu cực kỳ quý tôi.

Tôi không nghĩ đến chuyện nhận cháu làm con nên cũng chỉ trả lời qua quýt với thím theo ý từ chối và nói sang chuyện khác. Không ngờ mấy ngày sau, chị dâu hai lên thành phố khám bệnh vào nhà tôi ở vài hôm, nói gần nói xa rồi đặt vấn đề thẳng việc này. 

Anh chị muốn tôi nhận đứa cháu thứ 3 làm con, đưa lên thành phố sống. Nó là đứa trẻ tôi quý nhất và cũng rất quấn tôi.

Chị dâu nói đó là cách tôi giúp đỡ anh chị và cũng giúp chính mình, sau này sẽ coi thằng bé là con tôi, nó sẽ chỉ báo hiếu tôi mà không cần có nghĩa vụ gì với bố mẹ hay anh em ruột nữa.

Lúc đó tôi từ chối, nhưng chị dâu trước khi về quê cứ năm lần bảy lượt bảo tôi hãy suy nghĩ thêm. Sau đó lại có thêm những cuộc gọi điện của họ hàng giúp chị thuyết phục. Nghe họ phân tích, tôi cũng có sự phân vân.

Quả thật, tuổi già nếu chỉ có tiền sẽ khá là hiu quạnh, còn gì bằng có đứa con phụng dưỡng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, nếu phải nuôi một đứa trẻ thì thà nuôi cháu mình, cho cháu cơ hội đổi đời với mức sống cao và tương lai sáng sủa hơn hiện tại.

Tuy nhiên, tôi cũng rất lo lắng chuyện lòng người đen bạc. Tôi biết có những người nhận nuôi cháu ruột, hết lòng vì nó, nhưng sau này nó vẫn chỉ coi bố mẹ ruột là nhất, thậm chí chỉ muốn chuyển tài sản của mẹ nuôi cho họ.

Mặt khác, dù cháu tôi đã 7 tuổi, không phải chăm sóc nhiều nhưng nếu nhận nó là con, tôi sẽ phải dốc nhiều sức lực, thời gian, tiền bạc để bồi dưỡng nó nên người, không thể thảnh thơi tận hưởng cuộc sống như hiện tại.

Nếu sau này nó cũng chỉ coi tôi như một bà cô, một nhà tài trợ, có lẽ những vất vả đó sẽ thành không đáng, tuổi già đã buồn lại càng buồn hơn.

Mấy hôm nay chị dâu và anh trai hay gọi điện hỏi thăm sức khỏe, chắc là sốt ruột chờ câu trả lời. Tôi nên làm gì, nói gì để không làm họ thất vọng và sứt mẻ tình cảm đây?

Theo VTC News