Nhà chồng tôi có 3 anh em. Chồng tôi là anh cả, dưới chồng là hai em gái. Cô lớn đã đi lấy chồng, cô út 16 tuổi bị bệnh từ lúc mới sinh, nay vẫn ở cùng bố mẹ và vợ chồng tôi. Tôi về làm dâu, tiếng là sống ở nhà chồng nhưng cuộc sống của tôi rất thoải mái. Bố mẹ chồng coi tôi như con, tôi cũng không để ai phải chê trách điều gì.

Sau khi mẹ chồng qua đời, bố tôi buồn bã giống như mất đi người tri kỉ, tâm lý cũng trở nên dễ cáu giận hơn. Trong bữa cơm, bố nói chuyện rằng ngôi nhà này bố sẽ sang tên cho vợ chồng tôi và ông muốn gửi gắm cô út cho chúng tôi nuôi dưỡng.

Việc chăm sóc cô út tất nhiên bố không nói chúng tôi cũng làm. Riêng nhà cửa, tiền nong, chúng tôi đề nghị ông đợi hôm nào cả nhà tề tựu đông đủ rồi bàn với tất cả các con, tránh để em gái nghĩ ngợi, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, bài học này đâu phải hiếm.

Nhưng khi nghe tôi nói vậy, bố nóng giận vỗ bàn: "Đây là nhà của bố mẹ. Bố mẹ cho ai không phải việc các con được quyền ý kiến".

Tôi sợ le lưỡi, im re. Ngay hôm sau, bố yêu cầu chồng tôi đưa ra văn phòng công chứng gần nhà để hỏi thủ tục phân chia tài sản. Tôi thấy chồng nói bố lập di chúc thể hiện ý nguyện riêng của bố, nhưng tôi không muốn hỏi quá nhiều về vấn đề này, tránh điều tiếng về sau.

Tôi nghẹn lời xúc động vì hành động của em gái chồng-1
Giữa các chị em trong nhà, tôi không muốn phải chịu điều tiếng về sau (Ảnh minh họa: KD).

Thực lòng, tôi muốn mọi người thừa nhận tôi ở góc độ yêu thương và sự hết lòng của tôi trong chuyện phụng dưỡng bố mẹ và chăm sóc cô em chồng bé bỏng bệnh tật, hơn là bàn luận đến khía cạnh vật chất của gia đình chồng. Chuyện chỉ có vậy, nhưng một thời gian sau, khi bố tôi qua đời, điều tôi ái ngại cũng đến.

Em gái lớn tỏ thái độ không hài lòng khi bố để lại ngôi nhà này cho vợ chồng tôi mà không nói tiếng nào với cô ấy. Chồng tôi lúc đó mang ra hai sổ tiết kiệm, di chúc, cùng giấy chứng nhận nhà đất cho mọi người xem.

Nội dung di chúc ghi rõ: "Sau khi bố mẹ qua đời, các con sẽ phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để sang tên ngôi nhà của bố mẹ cho vợ chồng con trai cả làm nơi ở, đồng thời là nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Hai sổ tiết kiệm có giá trị như nhau, một sổ cho con gái lớn, một sổ cho con út và chồng tôi sẽ là người giám hộ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho em".

Em gái đầu tỏ ra ấm ức, không ngừng chê trách bố tự ý quyết mọi việc mà không bàn bạc gì với các con. Chồng tôi cáu giận với phản ứng của em gái. Anh ấy nói: "Về mặt pháp luật, tài sản riêng của bố, bố được tự quyết theo ý chí không cần xin phép ai. Về mặt gia đình, anh không vui và cảm thấy xấu hổ khi bố vừa nằm xuống, anh chị em đã cãi vã nhau về chuyện tài sản".

Tôi ban đầu tránh không tham gia nhưng lại sợ chồng nóng giận, căng thẳng. Vả lại, tôi biết em chồng không phải người hẹp hòi, chuyện kinh tế cũng không thiếu thốn, chẳng qua bị đặt vào tình thế bất ngờ nên không vui, giống như chạm tự ái vì bố không tôn trọng nói qua với cô ấy.

Vì vậy, tôi góp lời rằng, vợ chồng tôi không được tham gia vào quyết định của bố. Tuy nhiên, chỉ cần gia đình vui vẻ, chuyện tiền nong tính thế nào cũng được. Hai sổ tiết tiệm đó em gái cứ giữ. Việc chăm lo cho cô út, vợ chồng tôi đương nhiên đảm nhiệm như xưa giờ vẫn thế.

Còn nữa, nếu cần thì ngôi nhà này có thể bán đi rồi chia phần cho em, vì vợ chồng tôi không đủ giàu có để đưa em ngay được. Tôi vừa dứt lời, em út bước ra cầm giấy chứng nhận nhà đất, ôm vào lòng rồi chạy lại phía tôi, ôm chặt lấy tôi. Chúng tôi ngồi đó đều bất ngờ và giật mình với hành động của cô út.

Xưa giờ trong mắt cả nhà, cô út lúc nào cũng như một đứa trẻ trí não non nớt, cơ thể bé xíu, hầu hết thời gian sống đều lặng lẽ. Nên mặc dù được cả nhà hết lòng chiều chuộng, cũng không ai nghĩ đến việc hỏi ý kiến của cô út. Hóa ra là dù trí não hạn chế, em vẫn rất hiểu chuyện.

Sau những phút đầu ngạc nhiên với hành vi bộc phát của cô út, tôi bật khóc. Thứ tôi cần có lẽ là điều này. Đây chính là sự thừa nhận và tin cậy rõ ràng nhất mà tôi nhận được sau những cố gắng trao đi yêu thương của tôi. Tôi vỗ về tấm lưng nhỏ xíu của cô út, tự dưng thấy không cần nói thêm gì nữa.

Những người còn lại cũng như tôi, sau phút giây ngỡ ngàng, cả nhà dường như lặng đi. Em gái chồng tôi rơm rớm nước mắt khi chứng kiến cảnh đó, nói với giọng vẫn còn xúc động: "Út làm em xấu hổ. Thực ra em đâu cần tiền, em chỉ không vui khi bố làm thế, giống như gạt em ra khỏi gia đình vậy.

Nhà này là của anh chị, tiền trong sổ tiết kiệm em cũng không cần đến, chị cứ giữ lo cho dì út. Giờ cả nhà mình chỉ có mỗi dì ấy làm trung tâm chứ ai".

Chúng tôi cùng cười vì câu nói của em gái, nhưng nhìn sang mắt ai cũng thấy rưng rưng. Cô em út ốm yếu này cuối cùng lại chính là nhân tố kéo mọi người lại với nhau. Cô ấy hồn nhiên, không toan tính và cô ấy đã dạy cho chúng tôi biết, điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin cùng sự yêu thương thơm thảo.

Theo Dân Trí