Trao đổi với báo chí chiều 16/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16, thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.

Ông Mãi cho biết thành phố có các kịch bản cụ thể cho 3 tình huống sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16: Kiểm soát được dịch; dịch chưa được kiểm soát; và mất kiểm soát.

3 kịch bản cho 3 tình huống dịch

Theo Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, thành phố xác định tình huống thứ nhất là số ca mắc trong cộng đồng phải giảm xuống. "Không nói số tuyệt đối nhưng từng ngày có biểu hiện giảm xuống, khu vực nguy cơ cao thu hẹp lại, khu vực an toàn được mở rộng ra", ông Mãi nói.

Tình huống thứ hai, tỷ lệ mắc tăng dần và không tăng quá nhiều hay tăng đột biến. Khu vực nguy cơ cao, nguy cơ vẫn chiếm phần lớn.

Tình huống thứ ba, số ca nhiễm tăng đột biến, nhiều địa bàn nguy cơ rất cao và có khả năng lây lan mạnh, không kiểm soát được sự lây lan.

TP.HCM tính đến kịch bản 60.000 ca nhiễm nCoV, điều trị F0 tại nhà-1
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thu Hằng.

Về kịch bản cho từng tình huống, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã xây dựng, chuẩn bị kế hoạch cho 3 tình huống trên 5 trụ cột. Với từng tình huống thì giãn cách, điều trị, cách ly, xét nghiệm, và tiêm vaccine thế nào.

Ví dụ, ở tình huống thứ 3 thì phương án giãn cách xã hội phải nâng lên mức phong tỏa ở rất nhiều địa bàn. Công tác xét nghiệm, tầm soát F0 sẽ tập trung về nguồn lực, lấy mẫu ở địa bàn trọng điểm.

Riêng về điều trị, khi tình huống xấu hơn như kịch bản 2, 3, thành phố sẽ tập trung rất cao cho năng lực điều trị vì số ca nặng nhiều hơn. Đặc biệt, số ca phải điều trị hồi sức để ngăn chặn tử vong.

Phó bí thư cho biết thành phố đã chuẩn bị cơ sở cho mức 1.000 ca nặng và dần nâng lên kịch bản 1.200; 1.500 và 2.000 ca bệnh nặng, phải hồi sức.

"Ba tình huống đặt ra thì Ban chỉ đạo rất mong muốn đạt được tình huống thứ nhất để sau đó có thể quay trở lại thực hiện Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 10 của thành phố. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến khá phức tạp, ta phải lường tới khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa", Phó bí thư cho hay.

Tính đến phương án 60.000 ca nhiễm

Về giám sát F0 tại nhà, ông Mãi cho biết mới đây, ông đã họp với bộ phận hậu cần và ngành y tế để chuẩn bị kế hoạch cách ly F1. Trong thời gian tới, chỉ có F1 gần được cách ly, giám sát bằng phần mềm quản lý và tổ Covid cộng đồng.

"Với F0, chúng tôi sẽ hình thành quy chế phối hợp, theo đó, hầu hết F0 không có triệu chứng sẽ được giám sát bằng công nghệ, và có thể được điều trị tại cộng đồng. Chỉ F0 có triệu chứng và bệnh nền mới được chuyển đến cơ sở điều trị tuyến trên", ông Mãi cho hay.

TP.HCM tính đến kịch bản 60.000 ca nhiễm nCoV, điều trị F0 tại nhà-2
TP.HCM tính đến phương án điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó bí thư cho biết ngành y tế sẽ thực hiện điều trị theo mô hình tháp 4 tầng, có quy trình cụ thể, phản ứng kịp thời để đảm bảo F0 được thu dung, giám sát tại cộng đồng và khi sức khỏe chuyển biến xấu thì được điều trị hồi sức.

Ông Mãi nhấn mạnh để cách ly F0 tại nhà, cơ chế phản ứng nhanh là yếu tố quyết định. Ví dụ, khi có tình huống thì cơ quan y tế phải đến ngay lập tức, tùy theo mức độ của bệnh nhân sẽ chuyển đến cơ sở điều trị phù hợp.

Thành phố sẽ hình thành Trung tâm giám sát và điều trị Covid-19 thời gian tới, phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tăng lên. Mục tiêu là giảm tối đa trường hợp tử vong do dịch Covid-19.

Về kịch bản điều trị cho số ca mắc Covid-19, ông Mãi cho biết trước khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã chuẩn bị cho 20.000 ca mắc Covid-19. Sau đó, ngành y tế đã chuẩn bị cho 40.000 ca bệnh và có tư thế chuẩn bị đến 50.000-60.000 ca mắc Covid-19.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ 9/7 đến 6h ngày 15/7, TP.HCM có 9.454 ca nhiễm, 142 ca tử vong. Từ 9/7 đến nay, mỗi ngày ghi nhận 1.305 ca nhiễm.

Hiện, thành phố đang điều trị 20.411 ca dương tính mới, 246 ca thở máy và 7 trường hợp cần can thiệp ECMO.TP đang cách ly tập trung 14.968 người và cách ly tại nhà 37.400 trường hợp.

Theo Zing