Sự việc nói trên xảy ra tại Trường THCS Cát Tài (xã Cát Tài, Phù Cát, Bình Định), và người ra tay là thầy giáo Nguyễn Minh Đề.
Bà có nhận xét gì về cách cư xử đối với học sinh của thầy giáo Đề?
- Đương nhiên, điều này là không thể chấp nhận được. Trước đây, xã hội vẫn quen với hình ảnh các ông đồ phạt học trò nằm dài rồi vụt vào mông khi mắc lỗi, nhưng bây giờ làm như thế là vi phạm nhân quyền, quyền trẻ em. Các luật này đã ghi rất rõ, không được xâm phạm thân thể và danh dự của trẻ.
Các thầy cô tương lai được học rất nhiều tiết về tâm lý trẻ em và các phương pháp giáo dục khoa học. Ảnh minh họa: Trong một lớp học tại Trường ĐH FPT Hà Nội. Ảnh: ĐÀM DUY
Đó là về luật, còn về hiệu quả giáo dục, những hình phạt này là hoàn toàn phản khoa học. Cái mà các thầy cô nhìn thấy sau khi đánh học trò là học trò nghe lời hơn, im lặng trước yêu cầu của thầy và phục tùng không phải là hình ảnh một đứa trẻ ngoan. Đó là đứa trẻ chịu nhún nhường trước một sức mạnh lớn hơn chúng, chúng không thể chống lại sức mạnh đó và buộc phải nghe theo chứ không… tâm phục khẩu phục.
Những hình phạt này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của học sinh ra sao, thưa bà?
- Những đứa trẻ phải chịu các hình phạt này sẽ có tâm lý sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu lòng tin với người lớn và cảm thấy mình bơ vơ. Khi ấy, hình ảnh thầy cô trong chúng không còn gần gũi thân thiết nữa mà trở thành những… quản ngục. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy rất to lớn. Chỉ xét 1 khía cạnh thôi, khi đứa trẻ gặp những chuyện buồn trong cuộc sống nó sẽ không tìm đến thầy cô để chia sẻ, nhận lời khuyên từ thầy cô (một kênh chia sẻ rất tốt ngoài cha mẹ). Chúng sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, bí bức, cô độc và có những hành động dại dột khi không giải quyết được vấn đề, ví dụ như tự tử.
Vậy, đối với những học sinh cứng đầu, học sinh chưa ngoan, các thầy cô cần có phương pháp gì để “cảm hóa”?
- Như tôi đã nói roi vọt chưa bao giờ là cách giáo dục hiệu quả. Chúng ta có rất nhiều cách. Ví dụ, đầu năm học thầy cô hãy cho học sinh đưa ra yêu cầu và mong muốn có từ thầy cô, sau đó thầy cô cũng đưa ra các yêu cầu đối với học sinh.
Cùng ký cam kết và cùng nhau thực hiện những yêu cầu đó. Những ai không thực hiện sẽ phải có những hình phạt như thế này, thế kia (ví dụ chép phạt, lau bàn ghế, trực vệ sinh). Đứa trẻ khi ấy sẽ thấy mình được tôn trọng và được xây dựng... luật, nó sẽ tuân thủ theo.
Đối với học sinh cấp 2, cấp 3, trong trường hợp thầy cô giáo không thể giao tiếp với học sinh thì có thể chuyển sang viết thư. Cách này sẽ làm cho đứa trẻ thấy được tình cảm của thầy cô, việc bày tỏ quan điểm cũng dễ hơn. Tất cả mọi cách làm đều phải trên nguyên tắc: Tôn trọng trẻ.
Phải chăng các trường sư phạm đang coi nhẹ giáo dục đạo đức, kỹ năng cho thầy cô?
- Chúng tôi luôn dạy sinh viên phải giải quyết tất cả các vấn đề bằng tâm lý. Các chương trình tâm lý trẻ, tâm lý học sinh... được dạy rất nhiều và sinh viên cũng liên tục được nhắc rằng việc đánh học sinh là vi phạm nhân quyền, quyền trẻ em. Tuy nhiên, nhiều thầy cô ra trường không lấy những bài học đó để ứng dụng vào việc giảng dạy mà chỉ làm theo phong trào, phong cách chung ở địa phương ấy, trường ấy.
Nếu giáo viên thấy tại trường mình dạy, đồng nghiệp đánh học trò là chuyện bình thường thì các thầy cô sẽ sử dụng biện pháp này và không cảm thấy nó bất thường. Ngoài ra, điều kiện thực hành của các cơ sở đào tạo sư phạm cũng không đồng đều. Có những nơi sinh viên sư phạm chưa được thực hành đến nơi đến chốn nên họ chỉ có lý thuyết và lúng túng khi gặp tình huống cụ thể.
Xin cảm ơn bà!
GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Hình phạt kỳ cục, phản giáo dục
Không thể tưởng tượng được ông thầy này lại nghĩ ra được một hình phạt kỳ cục đến như vậy. Những hình phạt như thế này phải bị loại trừ ngay lập tức khỏi môi trường giáo dục, nó phản khoa học và vi phạm quyền trẻ em một cách nghiêm trọng. Phụ huynh đưa con đến trường, giao phó cho thầy cô là mong muốn con mình được dạy những điều hay lẽ phải chứ không phải bị hành hạ sức khỏe và tinh thần như vậy. Những trường hợp như thế này cần phải thẳng tay trừng phạt chứ không thể chỉ nhắc nhở răn đe. Hình ảnh người thầy là hình ảnh của một nền giáo dục, không thể vì “những con sâu làm rầu nồi canh” như này mà ảnh hưởng được.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Người thầy thất bại
Người thầy đã dùng đến vũ lực để giáo dục là một người thầy thất bại ở mọi phương diện. Điều quan trọng ở tất cả phương pháp giáo dục là không bao giờ được coi thường học sinh mà phải tôn trọng. Từ trước đến nay, chúng ta hay đặt cho những học sinh không tuân thủ “luật” của thầy cô là học sinh hư, cá biệt. Tôi cho rằng chỉ có học sinh chưa hoàn thiện về mặt này hay mặt khác chứ không có học sinh nào là hư hỏng cả. Điều quan trọng của người thầy là tìm cách để các em ấy phát huy được lợi thế và sửa được cái khuyết thiếu chứ không phải dùng vũ lực để trấn áp. Một lớp học im phăng phắc với những học sinh 1 dạ 2 vâng đã không còn là mô hình mẫu trong thời đại ngày nay nữa.
Theo Dân Việt