Trạm cứu hộ chó, mèo lớn nhất Thủ đô

Trạm cứu hộ chó mèo là một tổ chức chuyên đi thu nhận chó, mèo bị bỏ rơi hoặc gặp nạn. Tổ chức này thành lập tháng 2/2012, do Nguyễn Lương Tuyết Nhung (SN 1990) khởi xướng. Đến nay, tổ chức này được đánh giá là nơi cứu hộ chó, mèo lớn và uy tín nhất ở Hà Nội.

Xuất phát từ một cá nhân, đến nay Trạm có khoảng 20 thành viên ban điều phối và hàng nghìn tình nguyện viên, rải rác khắp Hà Nội. Trong vòng 2 năm qua, tổ chức này đã cứu giúp thành công hàng vạn trường hợp chó mèo vô chủ.


Hiện nay, các thành viên chủ yếu làm việc qua facebook, mỗi tháng
các thành viên chính tổ chức offline 1 lần.

Theo Tuyết Nhung, việc thành lập Trạm này xuất phát từ ý tưởng cứu giúp những chú chó, mèo bị chủ bỏ rơi, không ai chăm sóc. Nhung cho biết, ban đầu cô chỉ thành lập một fanpage trên facebook, hễ ai gặp chó mèo bị bỏ rơi, chỉ cần đăng ảnh thông báo lên fanpage, cô sẽ lập tức có mặt, nhận chúng về nhà nuôi. Lâu dần, nhà của Nhung không khác gì một trang trại chuyên nuôi chó, mèo.

Vì số lượng chó, mèo quá nhiều, mình Nhung không thể tự cáng đáng được. Lúc này, những người bạn cùng tình yêu với Nhung tập trung lại giúp cô. Họ chia sẻ công việc, chi phí, thời gian, cùng động viên nhau cứu giúp chó, mèo.


Hình ảnh chú mèo mang tên Hồng Hà bị thương toàn thân, không ai chăm sóc.


... Và Hồng Hà sau khi được cứu hộ, có chủ nuôi mới.

Nhung chia sẻ: "Ban đầu khi bắt đầu công việc này, chúng mình không thực sự quyết tâm vì thực ra, chúng mình chỉ rất yêu chó, mèo và không thể ngoảnh đi trước những bé bị tàn tật, lang thang ngoài đường. Rồi dần dần công việc được định hình, quy mô ngày được mở rộng hơn".

Hiện nay, tổ chức này hoạt động chủ yếu trên Fanpage Facebook và số điện thoại đăng trên mạng xã hội, có người phụ trách trực 24/7. Khi nhận được thông báo của người dân về các trường hợp chó, mèo bị bỏ rơi, các thành viên trong Trạm sẽ phân công nhau đến đón. Nếu chó, mèo bị bệnh, họ sẽ chuyển chúng đến các phòng khám. Nếu chúng khỏe mạnh, họ sẽ tìm người nhận chăm sóc tạm thời hoặc đưa về ngôi nhà chung mà các thành viên thuê trên quận Tây Hồ. Sau một thời gian, khi sức khỏe của các chú chó, mèo này dần ổn định, Trạm sẽ đăng tin tìm chủ cho chúng.


Những trường hợp mèo gặp nạn, được thông báo qua facebook, lập tức các thành viên
 trong Trạm sẽ phân công nhau đến đón về và đưa đến bệnh viện khám chữa.

Phạm Khánh Quỳnh, (SN 1992), trưởng ban điều phối của Trạm, nói: "Bọn mình không đủ sức nuôi hết các trường hợp chó, mèo bị bỏ rơi nên phải tìm chủ tốt cho chúng. Việc tìm chủ là khâu quan trọng nhất vì nếu cứu được chó, mèo rồi mà lại giao chúng vào tay những người không biết chăm sóc hoặc muốn nuôi chúng vì động cơ xấu như giết thịt hay đấu chọi thì mọi cố gắng ban đầu chỉ là vô ích".

Quỳnh cho biết, ban đầu kinh phí để hoạt động hoàn toàn do các thành viên tự đóng góp. Sau này, vì số lượng chó, mèo cần cứu giúp quá nhiều nên họ kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm. Ngoài ra, các thành viên trong Trạm còn thường xuyên liên hệ, xin miễn giảm viện phí từ các phòng khám thú y trên địa bàn Hà Nội.


Một chú chó được Trạm đưa đến phòng khám thú y. Theo Quỳnh, chi phí chữa chạy
cho chúng thường rất tốn kém. Một ca mổ nhẹ có thể lên đến vài triệu đồng. Vì thế,
các thành viên thường xuyên phải liên lạc, kêu gọi tài trợ và tìm các phòng khám
hỗ trợ viện phí, thuốc thang.

"Mới đây vì có nhiều chú chó bị bệnh nặng, tốn kém nhiều chi phí chữa trị mà lại không kêu gọi được tài trợ nên những người chủ muốn nhận nuôi chúng phải bỏ ra một khoản chi phí bằng với tiền thuốc chữa chạy. Bọn mình làm việc hoàn toàn tự nguyện nhưng vì nguồn kinh phí eo hẹp nên ngày càng khó khăn hơn" – Quỳnh giải thích thêm.

Ngoài việc cứu hộ chó, mèo, các thành viên trong Trạm còn thường xuyên liên kết với các phòng khám thú y, tổ chức khám chữa bệnh, triệt sản miễn phí cho chó, mèo. Quỳnh hào hứng khoe: "Những lần tổ chức các hoạt động như thế thường có hàng nghìn người tham gia và giúp được rất nhiều chó, mèo bị bệnh".

Coi chó, mèo như những người bạn thật sự

Nói về chuyện cứu hộ chó, mèo, Quỳnh kể: "Vì mình thường xuyên mang mèo hoang về nuôi nên mẹ không thích lắm. Có lần chúng bậy ra nhà, mẹ cáu lắm". Nhưng vì quá yêu thương mèo nên Quỳnh vẫn muốn chăm sóc chúng, nhất là với những con bị chủ đánh đập, bỏ rơi. Hiện nay, ngoài việc đi làm, thời gian rỗi còn lại, Quỳnh đều đến ngôi nhà chung để chăm sóc chó, mèo.


Một chú mèo đang được nuôi nhốt ở khu nhà chung.

Quỳnh cho biết, không chỉ mình cô mà các thành viên trong Trạm đều coi chó mèo như những người bạn hết sức thân thiết của mình.

Phạm Nam Long, một thành viên của Trạm cho biết đã từng không quản nắng mưa, đường sá xa xôi mà chạy xe máy về tận Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng để cứu giúp các trường hợp chó, mèo gặp nạn. Chàng trai 9X chia sẻ: "Chỉ cần nghĩ đến việc sắp cứu sống được mấy sinh linh chó, mèo bé nhỏ là mình không thấy vất vả nữa. Với mình, việc tham gia làm công tác cứu hộ chó, mèo thực sự là một niềm hạnh phúc".


"Nhiều trường hợp, chủ nuôi cho mèo vào trong túi kín rồi vứt bỏ. Nếu không
phát hiện kịp thì chúng sẽ chết mà chẳng ai biết đến" – Quỳnh nói.

Còn đối với Quỳnh, cô cho biết, từ ngày tham gia tổ chức này, cô càng ngày càng thêm yêu quý động vật. Thậm chí, Quỳnh còn chuyển sang ăn chay trường để vận động người thân không giết hại động vật, nhất là các loài thú cưng.

Các thành viên trong Trạm cứu hộ chó, mèo cho biết, niềm vui lớn nhất của họ mỗi ngày là nhìn thấy những chú chó, mèo được cứu giúp ngày càng khỏe mạnh và tìm được người chủ mới tốt bụng.


Những chú chó, mèo bình yên ở ngôi nhà chung là niềm vui của các thành viên trong Trạm.

Nguyễn Khánh Vân, thành viên ban điều phối của Trạm chia sẻ: "Mình vẫn nhớ như in trường hợp của một chú mèo tam thể tên Hồng Hà. Nó bị bỏ rơi, người rách toác vì bị thương, một chân sau bị liệt hoàn toàn. Bọn mình đã đón và đưa đến bệnh viện. Lúc ấy, ngay cả bác sĩ cũng nghĩ nó không qua khỏi, vậy mà thật thần kỳ, nó vẫn sống và còn gặp được một người chủ nước ngoài rất tốt".

Tuy nhiên, theo Vân, công việc cứu hộ chó, mèo cũng nhiều vui, buồn lẫn lộn. Đã không ít trường hợp, các thành viên nhận được những chú mèo nằm thoi thóp chờ chết. Nhiều lần họ phát hiện ra hàng đàn mèo sữa còn đỏ hỏn bị chủ quăng quật, ném từ tầng 2 xuống mặt phố hoặc dìm vào nước cho chết.


Ngoài hoạt động cứu hộ, Trạm còn thường xuyên tổ chức các sự kiện truyền thông
 khác nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ động vật.

Vân cho biết, trước đây, Quỳnh từng cứu một chú chó đỏ hỏn bị bỏ rơi trong thùng rác, người lúc nhúc dòi bọ, chân tay bị hoại tử gần hết. Các thành viên đã mang nó tới bệnh viện thú y cứu chữa, chú chó đã dần hồi phục nhưng không may, sau này nó bị mắc bệnh truyền nhiễm nên không qua khỏi.


Danh sách chó, mèo cứu hộ được các thành viên lưu lại cẩn thận. họ vẫn giữ liên lạc
 và quan tâm đến chúng sau khi được chủ mới nhận nuôi.

"Lần ấy, Quỳnh buồn lắm, nó cứ khóc mãi vì không cứu được con chó đó. Sau này, các thành viên trong Trạm phải nêu cao tính cẩn thận, không nhốt chung quá nhiều chó, mèo ở một nơi để tránh lây bệnh. Con nào khỏe là phải tiêm vắc-xin ngay. Riêng với mèo thì bọn mình sẽ triệt sản 100% để tránh nó đi mất" – Vân nói thêm.

Nói về tương lai của tổ chức, các thành viên đều không mong muốn tổ chức này tiếp tục mở rộng mà họ hy vọng  người dân hãy tự quý trọng vật nuôi của mình, luôn chăm sóc tận tình và không bỏ rơi chúng. "Nếu ai cũng yêu quý động vật rồi thì tổ chức của mình khắc sẽ thất nghiệp, như thế mới tốt chứ" – Vân nói.
 
Theo Trí Thức Trẻ