Khoảng hơn 10 năm trước, vì sức ảnh hưởng của các bộ phim Trung Quốc nên thị trường nhạc Việt gần như "bội thực" với các sản phẩm âm nhạc xây dựng theo phong cách liêu trai, kiếm hiệp mà tiêu biểu là Đan Trường, Cẩm Ly.

Hầu hết các MV giai đoạn này đều lấy cốt truyện, bối cảnh thậm chí là bê nguyên nhân vật trong các tiểu thuyết cổ trang kinh điển như Anh hùng xạ điêu, Hoàn Châu cách cách. Quần áo, tóc tai của ca sĩ cũng vì thế mà y hệt như đang đóng phim chứ không phải clip ca nhạc vậy.


Đi đầu xu hướng là "anh Bo" Đan Trường. Anh còn có cả một VCD tuyển tập nhưng MV cổ trang, mà đa phần trong số đó là sự kết hợp với Cẩm Ly với hàng loạt MV như "Trở lại phố cũ", "Ảo mộng tình yêu", "Tình hồng như mơ", "Khi có em trong đời"… Tạo hình của Đan Trường rất đa dạng: vua chúa, lãng tử, đại hiệp... đều có cả. MV "Phong ba tình đời" và nhiều video được anh Bo đầu tư quay hẳn trong phim trường hoành tráng chứ không chỉ mặc đồ ra ngoại cảnh hát như nhiều ca sĩ sau này.


Cũng không ngoài xu hướng thời đó, "anh Hai" Lam Trường trong MV "Tình Đơn Phương 2" có vẻ đi mượn luôn trang phục hóa trang của "Thần điêu đại hiệp" để đóng MV thì phải. Một đại hiệp Trung Quốc lại muốn "tán" cô gái Nhật Bản thì phải làm sao nhỉ? Ngang trái thật.


Khi cổ trang tưởng như hết thời thì MV "Mộng liêu trai" của Lâm Khánh Chi và Địa Hải không khác gì quả bom nổ để cổ trang chết hẳn trong ý tưởng của các đạo diễn. Quần áo sến sẩm, tạo hình quê mùa là những cụm từ dành cho trang phục của MV này.


Bẵng đi một thời gian, nhạc Hoa lời Việt thoái trào thì sự xuất hiện của phim "Mỹ nhân kế" và bản nhạc phim "Chờ người nơi ấy" của Uyên Linh khiến cho nhiều khán giả chợt nhận ra: "Ơn giời, thì ra MV cổ trang Việt Nam cũng có thể dựa trên những chất liệu rất Việt Nam". NTK Công Trí đã rất thành công khi thổi "hồn Việt" vào từng bộ trang phục như yếm đào, khăn xếp... Cũng vì là bài hát nhạc phim nên đương nhiên Uyên Linh có thể tận dụng luôn cả phim trường và phục trang của "Mỹ Nhân Kế".


MV cổ trang chỉ thực sự thành làn sóng khi Bảo Anh tung "Sống xa anh chẳng dễ dàng" và Sơn Tùng có MV "Lạc trôi" với phong cách rất hiện đại. MV "Lạc Trôi" của Sơn Tùng khiến giới mộ điệu thời trang ngã ngửa trước hình ảnh một thư sinh nho nhã thời phong kiến nhưng lại đi hẳn đôi sneaker vô cùng hiện đại. Trong một cảnh khác, Sơn Tùng vuốt ve đôi chân bằng đôi sục đính lông Gucci hẳn 25 triệu. 


Trang phục trong MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh được đánh giá cao, vẫn mang đậm màu sắc cổ trang nhưng không bị sến sẩm, ngược lại còn tạo hiệu ứng khá tốt với phần váy bồng bềnh, thướt tha khi chạy hoặc quay cảnh dưới nước. Không quá khoe thân, chỉ cần hở bờ vai thon gọn thế này, nữ ca sĩ cũng đủ làm cánh mày râu điêu đứng. Biến hóa theo phong cách ma mị và lôi cuốn hơn nhờ cách make up đậm, tóc buông xõa, song về trang phục Bảo Anh vẫn lựa chọn sự “kín đáo”. Có thể thấy, ngoài giọng ca ngọt ngào thì nội dung ý nghĩa, thú vị cũng như tạo hình mới của Bảo Anh đã làm nên sự thành công cho MV.


Tạo hình của Ngô Kiến Huy được nhiều người nhận xét giống Sơn Tùng trong "Lạc trôi" nhưng theo chàng Bắp, tạo hình của mình là kiếm hiệp phong lưu, còn Sơn Tùng vào vai vua chúa sẽ khác nhau. Riêng bộ tóc giả Ngô Kiến Huy đặt làm từ nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng với giá gần 20 triệu đồng, trang phục cổ trang của anh và nữ chính cũng được đặt may riêng “không đụng hàng” và mất gần 1 tháng thực hiện.


Nhân vật quay trở lại với xu hướng MV cổ trang hiện đại đây rồi. Ngoài gương mặt gần như không già đi, sau 10 năm Đan Trường vẫn trung thành với phong cách "thà thừa còn hơn thiếu", cứ phải đủ từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. MV "Thiên Tử" được ê-kíp đầu tư kiếm, giáp, mão từ chất liệu foam hiện đại.


Ca sĩ tiếp theo cũng bị mê hoặc bởi ý tưởng cổ trang là Trương Quỳnh Anh. Cô khai thác lợi thế vòng 1 khi hóa thân thành nàng tiên bướm xinh đẹp, quyến rũ trong chiếc váy màu đỏ nổi bật, khi lại vô cùng nữ tính và kín đáo với trang phục lấy màu trắng làm chủ đạo. Đôi khi đừng cầu kỳ lại thành đẹp, không lo lạc quẻ.


Hương Tràm cũng vừa tung MV "Duyên mình lỡ" với một phân cảnh cổ trang cực kỳ thú vị. Tuy cả MV không phải là câu chuyện kiếm hiệp, xuyên không hay lịch sử mà chỉ có cảnh các diễn viên đóng trong bộ phim cổ trang nhưng phục trang và sự đầu tư cũng vẫn được làm như thật. Có nhiều ý kiến cho rằng Hương Tràm mặc bộ váy giống trong phim "Võ Tắc Thiên truyền kỳ" của Phạm Băng Băng, nhưng ai cũng phải công nhận nữ ca sĩ rất hợp với trang phục này.


Ra mắt cùng ngày với MV "Duyên mình lỡ" của Hương Tràm nhưng lại làm toàn bộ MV theo kiểu cổ trang, Nam Em tiết lộ rằng đã đầu tư 3 MV trong đó có "Nỗi nhớ hóa băng" đến hơn 1,5 tỷ đồng. Số tiền không nhỏ được đầu tư đã phô trương rõ nét qua cách trang điểm, làm tóc, phụ kiện và váy áo của cô ca sĩ thị phi này. Tạm thời bỏ qua điểm yếu về giọng hát, rất nhiều người xem vẫn đánh giá cao thần thái, thậm chí so sánh Nam Em với phiên bản Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng.

 


Một vài gương mặt cũng đu theo trào lưu cổ trang nhưng làm chưa tới vì hời hợt và không đầu tư là Akira Phan và Hồ Quang Hiếu. Bài hát thì nhạc dance nhưng MV làm cổ trang như "Giờ em đã yêu anh chưa" hay "Chỉ là anh đang mơ" không có cốt truyện đàng hoàng, đầu tóc và trang phục hời hợt như cho có thì còn chẳng được như các MV ngày xưa.
 

Buu
Theo Vietnamnet