Hồi tháng 4 vừa qua, Liên đoàn bơi lội quốc tế thông báo trong số 23 VĐV Trung Quốc từng dính doping tại Thế vận hội Tokyo, sẽ có 11 người được sang Paris tham dự các cuộc tranh tài. Đây là tin rất vui với thể thao Trung Quốc nhưng nó đã làm dậy sóng tranh cãi.
Các đoàn khác rất không hài lòng với tuyên bố này vì nhiều VĐV trong số đó từng vô địch thế giới. Và một khi họ trở lại, cơ hội để đối thủ “hái vàng” sẽ bị triệt tiêu đi rất nhiều.
Phía Trung Quốc cho rằng những VĐV dính doping chỉ là nạn nhân, vì họ “vô tình ăn phải chất này từ thực phẩm bị nhiễm độc tại khách sạn”.
Nhưng lời giải thích không làm dịu đi tình hình. Đến khi đặt chân tới Paris tranh tài, tranh cãi đã nổ ra. Lần này, phía Trung Quốc là bên tỏ ra không hài lòng.
Trong bài đăng trên mạng Weibo, một thành viên đội tuyển bơi lội Trung Quốc tỏ rõ sự bức xúc vì họ bị kiểm tra quá gắt gao. “Chúng tôi bị kiểm tra doping tới 200 lần trong 10 ngày tại Paris”, bài đăng ghi rõ.
Đang xảy ra tranh cãi gay gắt trên đường đua xanh
Không lâu sau đó nó đã bị xóa. Song động thái trên vẫn gây nên những chia rẽ trong làng bơi thế giới. Một phần ủng hộ cách làm của ban tổ chức, phần khác lại kêu gọi có sự linh hoạt.
Peaty, người từng 2 lần đoạt HCV Olympic ở nội dung 100 mét bơi ếch, nêu quan điểm: “Chúng ta cần có một sân chơi bình đẳng. Nếu không công bằng, cuộc thi sẽ lấy đi niềm vui. Thật xấu hổ nếu các quốc gia khác không đáp ứng được tiêu chuẩn và điều đó phủ bóng đen lên Olympic”.
Freya Colbert, nhà vô địch thế giới ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân, cho biết thật khó chịu khi thấy các vận động viên bơi lội khác không được kiểm tra nghiêm ngặt.
“Tôi nghĩ nó làm suy yếu độ tin cậy của kết quả”, cô nói. “Vì nếu không kiểm tra kỹ thì chẳng ai tin vào cuộc thi nữa”.
Huyền thoại Michael Phelps cũng chia sẻ về vụ việc trong phiên điều trần quốc hội vào tháng trước. Phelps chỉ trích các biện pháp của Cơ quan chống doping quốc tế là chưa đủ.
Theo Tiền Phong