Trong câu chuyện đăng tải, nữ khách hàng ở Gia Lâm kể mình đặt đồ ăn qua mạng và nhờ người nhà xuống nhận hàng. Số tiền trên app (ứng dụng) báo cần thanh toán là 139 nghìn đồng.

Tuy nhiên, khi người thân của chị nhận hàng, nam shipper báo hóa đơn hết 140 nghìn đồng và thu của khách số tiền tròn này.

Khi biết người thân của mình trả 140 nghìn đồng, nữ khách hàng đã liên hệ với nam shipper để thắc mắc và khẳng định bản thân không tiếc 1 nghìn đồng nhưng yêu cầu người giao hàng phải báo đúng giá như trên ứng dụng.

Tranh cãi chuyện shipper mất việc vì khách tố tự ý làm tròn thêm 1 nghìn-1
Có không ít câu chuyện tranh cãi liên quan đến nhân viên giao hàng và khách (Ảnh minh họa: Thùy Linh).

Chị này cũng cho rằng, hành động của shipper như vậy là không thành thật bởi tip (tiền thưởng thêm) bao nhiêu là quyền của khách hàng. Đôi bên đã có tranh cãi qua lại.

Nữ khách hàng sau đó đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội và phản hồi tới ứng dụng giao hàng khiến anh này bị khóa tài khoản.

Theo tìm hiểu, nhân viên giao hàng chia sẻ, do thời tiết oi bức, nắng nóng, phải leo lên tầng giao đồ ăn nên bản thân cũng có chút thiếu bình tĩnh với khách hàng.

Anh thừa nhận mình sai khi đã lấy 140.000 đồng vì bản thân không có tiền lẻ trả lại.

Sáng 18/5, anh Đ. H, nam shipper trong câu chuyện cho Dân trí biết, sự việc xảy ra vào tối 14/5. Tuy nhiên, sự việc đã qua nên anh không muốn nhắc lại và cũng tự rút kinh nghiệm để không gặp những tình huống nhạy cảm tương tự.

Câu chuyện trên thu hút hàng nghìn lượt bình luận trên các diễn đàn. Cộng đồng mạng đưa ra không ít ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng, shipper không chuyên nghiệp vì khi giao hàng dù là 1 nghìn hay 500 đồng cũng phải báo cho khách. Khi giao hàng có thể nói không có tiền lẻ trả cho khách và tình hình thế nào do khách quyết định.  

"Việc của shipper là giao hàng đúng địa chỉ, giao đúng người, nhận đúng tiền, còn việc có bồi dưỡng thêm hay không là ở khách. Shipper không nên tự ý làm tròn tiền vì dễ gây hiểu nhầm là có tính cách gian dối", tài khoản Linh Linh viết.

Tranh cãi chuyện shipper mất việc vì khách tố tự ý làm tròn thêm 1 nghìn-2
Nhiều người tỏ ra thông cảm khi thấy shipper vất vả mua hàng, giao đồ ăn... (Ảnh minh họa: Thùy Linh).

Chị Vũ Thúy Vân (Hà Nội) cho hay, bản thân cũng từng gặp trường hợp tương tự. Dù có đôi chút khó chịu nhưng chị vẫn bỏ qua vì 1 nghìn đồng không đáng bao nhiêu.

Ngoài ra, chị nghĩ bản thân ở nhà nhận đồ còn nhân viên giao hàng cả ngày đứng chờ nắng nóng nên mất thêm một vài nghìn cũng không sao. "Bạn shipper không đúng nhưng mà vì 1 nghìn mà khiến người ta bị khóa tài khoản làm ăn thì cũng không nên", chị Thúy Vân chia sẻ suy nghĩ về câu chuyện đang gây tranh cãi.

Tài khoản Đỗ Hoàng Long cũng bình luận: "Mình thường bo cho shipper 5-10k (nghìn đồng - PV) nếu họ phải giao đồ ăn, coi như mời người ta cái bánh, ly trà. Có 1k mà làm người ta mất việc?". 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, giao hàng đã trở thành công việc khá phổ biến tại Việt Nam.

Trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper ngày nào cũng bày đơn hàng như "sạp tạp hóa" dưới chân khu chung cư hay tòa văn phòng để tiện giao cho khách hàng.

Theo báo cáo năm ngoái của sàn giao dịch Việc Làm Tốt, tài xế và shipper là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất và tăng mạnh nhất (mức tăng 11,2%) trong 6 tháng đầu năm 2022.

Thống kê cho thấy mức lương trung bình của tài xế và shipper tại TPHCM trong giai đoạn trên dao động ở mức 9,5 triệu đồng/tháng. Con số này ở Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 10 triệu đồng/tháng và 10,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, nhiều người cho biết, công việc này cũng không phải dễ dàng bởi đòi hỏi sức khỏe và sự nhanh nhạy.

Các shipper phải giao hàng bất kể nắng mưa, kiên trì, giao đi giao lại nhiều lần có khi mới hoàn thành một đơn hàng. Có không ít tình huống, shipper bị khách bỏ bom, bùng tiền hàng nên ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế…

Để phục vụ khách hàng tốt hơn, các sàn thương mại, app giao đồ ăn… đã trang bị tính năng đánh giá dịch vụ, số điện thoại đường dây nóng.

Từ đây xảy ra không ít câu chuyện tranh cãi liên quan đến vấn đề giao hàng, phục vụ vận chuyển mà câu chuyện của nữ khách hàng trên là một trong số đó.

Theo Dân trí