Đến nơi tự sát lớn nhất thế giới để du lịch

AP đưa tin, một công ty lữ hành được chính phủ Guyana hậu thuẫn chuẩn bị biến khu trại tập trung Jonestown của tổ chức Peoples Temple (Đền Hội Chúng) - nơi đang bị cây dại bao phủ - thành địa điểm du lịch nổi tiếng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc này sẽ khơi lại quá khứ đen tối và nỗi đau của thân nhân gần 1.000 người từng bỏ mạng oan uổng ở đây.

Tờ Washington Times cho biết, năm 1956, Jim Jones thành lập ra Đền Hội Chúng tại bang Indiana (Mỹ), rao giảng những ý tưởng về bình đẳng xã hội và chủng tộc, hứa sẽ giúp đỡ mọi giáo dân của mình.

Trong tổ chức này, Jim Jones thu nhận những người nghiện rượu, nghiện ma túy, vô gia cư, cũng như gặp vấn đề trong gia đình hoặc đơn giản là thất vọng về thế giới xung quanh.

Sau nhiều lần chuyển địa điểm, năm 1973, Jones tìm thấy một khu vực hoang vu ở phía Tây Bắc Guyana và thuê một phần đất rộng khoảng 1.200 ha từ chính phủ Guyana.

Sau đó Jones cho xây dựng một khu trại tập trung và đưa hàng trăm tín đồ Đền Hội Chúng tới đây. Jones gọi nơi này là “Jonestown”.

Tranh cãi tour du lịch ‘địa ngục’ tự sát-1
Quang cảnh tại Jonestown vào tháng 11/1978 khi gần 1.000 người từng tự sát. Ảnh: AP.

Tháng 11/1978, khi nghe tin nghị sĩ Mỹ là Leo Ryan sẽ đến kiểm tra hoạt động của Đền Hội Chúng, Jones lo sợ vị chính trị gia sẽ báo cáo tiêu cực về cộng đồng và phái chính phủ Mỹ đến can thiệp nên đã sai người đến tấn công đoàn người của nghị sĩ, khiến ông Ryan và 4 người khác thiệt mạng.

Sau đó, Jones kêu gọi 912 tín đồ sống tại khu định cư uống nước nho pha xyanua và khiến họ tử vong. Mặc dù ban đầu giới chức Mỹ coi đây là tự sát hàng loạt, nhưng những người sống sót cho biết một số tín đồ bị lính canh bắn, tiêm thuốc độc hoặc ép uống nước.

Theo AP, chuyến tham quan sẽ đưa du khách đến ngôi làng xa xôi Port Kaituma, nằm giữa những khu rừng rậm rạp ở phía bắc Guyana.

Đây là chuyến đi chỉ có thể thực hiện bằng thuyền, trực thăng hoặc máy bay. Sau đó, du khách phải đi thêm sáu dặm nữa qua một con đường đất gồ ghề và rậm rạp để đến khu trại tập trung Jonestown bị bỏ hoang.

Tất cả những gì còn lại ở Jonestown là "xác" một nhà máy sắn, một phần của gian nhà chính, và một chiếc máy kéo rỉ sét từng kéo một chiếc rơ-moóc sàn phẳng để chở các thành viên của hội kín đến sân bay Port Kaituma.

Cho đến nay, phần lớn du khách đến Jonestown đều là phóng viên và người thân của những người đã thiệt mạng.

Bởi việc tự mình tổ chức một chuyến thám hiểm là điều khó khăn, do khu vực này cách xa thủ đô và khó tiếp cận, một số người còn cho rằng khu định cư có người ở gần nhất cũng rất nguy hiểm.

Nhiều tranh cãi về tour ''du lịch đen''

Fielding McGehee, đồng giám đốc của Viện Jonestown - một tổ chức phi lợi nhuận - cho rằng ông không nghĩ việc đưa du khách đến Jonestown là một dự án tiềm năng về mặt kinh tế, vì cần rất nhiều tiền để biến nơi này thành một địa điểm tham quan khả thi.

Neville Bissember - giáo sư luật tại Đại học Guyana - gọi chuyến tham quan trên là một ý tưởng "ma quái và kỳ quái".

Vị giáo sư cho rằng, văn hóa du lịch của Guyana sẽ không thể hiện ở một nơi xảy ra hàng loạt cái chết do tự tử, điều này tàn bạo và vi phạm nhân quyền, nhất là khi nó xảy ra với những công dân Mỹ vốn không liên quan gì đến Guyana, hay người Guyana.

Bất chấp những lời chỉ trích, chuyến tham quan vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan du lịch của chính phủ Guyana cùng Hiệp hội Du lịch và khách sạn Guyana.

Tranh cãi tour du lịch ‘địa ngục’ tự sát-2
Hình ảnh khu định cư Jonestown sau khi gần 1.000 thi thể được đưa đi năm 1978. Ảnh: AP.

Bộ trưởng Du lịch Guyana - Oneidge Walrond - nói với AP rằng chính phủ nước này ủng hộ nỗ lực tại Jonestown, đang giúp dọn dẹp khu vực này để đảm bảo có thể tiếp thị sản phẩm du lịch tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyến tham quan có thể vẫn cần được nội các Guyana chấp thuận.

Bà Rose Sewcharran - giám đốc của Wonderlust Adventures, công ty lữ hành tư nhân có kế hoạch đưa du khách đến Jonestown - cho biết rất vui mừng trước sự ủng hộ của Chính phủ Guyana, công ty đang nỗ lực để triển khai tour “du lịch đen” này sớm nhất có thể.

"Đã có nhiều tour du lịch đen và lạ lùng được tổ chức trên khắp thế giới, ví dụ như đến thăm 'địa ngục Auschwitz' (Ba Lan), và bảo tàng Holocaust - nơi gợi nhắc về thảm họa diệt chủng, tại Berlin (Đức), do đó tour đến Jonestown đã đến lúc được triển khai ”, Sewcharran nói.

ABC News cho biết, thảm họa tự sát hàng loạt vào tháng 11/1978 đã gắn liền với hình ảnh của Guyana trong nhiều thập kỷ, đất nước này rất hiếm khi có khách du lịch.

Do đó, cùng với việc mở tour “du lịch đen” đến Jonestown, những con đường, trường học và khách sạn mới đang được xây dựng trên khắp thủ đô Georgetown, với hi vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch cho quốc gia này.

Theo Tiền Phong