Bạn mừng cưới 3 chỉ vàng 10 triệu, nên mừng lại 10 triệu hay 3 chỉ vàng?

Suốt một tuần nay, vợ chồng chị Nguyễn Thu Thúy (30 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) thấp thỏm hóng theo giá vàng. Cả hai không đầu tư, cũng chẳng có vàng đem bán.

Họ đang mong giá vàng xuống thấp để kịp chốt phương án mua quà cưới tặng bạn. Món quà cưới năm nào giờ vô tình trở thành gánh nặng khiến hai vợ chồng lục đục cả tuần liền.

Theo ghi nhận, những ngày qua, giá vàng liên tiếp xô đổ các kỷ lục khi cán mốc trên 80 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 20% - gấp 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Giá vàng nhẫn cũng lên đỉnh mới, được các đơn vị kinh doanh niêm yết giá 62,6-63,65 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Giá vàng nhảy múa từng giờ, khiến chị Thúy đứng ngồi không yên. Chị Thúy kể, chị và chồng kết hôn đầu năm 2019. Thời điểm đó, giá vàng (loại nhẫn tròn trơn) hay dùng làm quà tặng có giá khoảng 3,6 triệu đồng/chỉ.

Ngoài tiền mặt, vợ chồng chị Thúy được nhiều bạn bè, người thân tặng vàng loại 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ.

"Thay vì đóng phong bì 3 triệu hay 5-10 triệu đồng thì mừng 3 chỉ vàng vẫn sang hơn. Năm đó, tôi cũng mừng cưới vài người thân như thế", chị Thúy kể.

Tranh cãi trả nợ quà cưới 3 chỉ vàng hay 10 triệu khi giá vàng lập đỉnh-1
Nhiều gia đình có thói quen ghi lại các khoản mừng, giữ lại vàng mừng cưới để sau này tiện bề "đi lại" (Ảnh: Hồng Anh).

Sau cưới, vợ chồng chị Thúy định giữ số vàng không bán coi như một khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, do công việc làm ăn không thuận lợi, phải trả nợ tiền nhà, tiền xe nên chồng chị đã số vàng bạn bè, người thân tặng. Năm 2022, chị Thúy bị thất nghiệp do công ty cắt giảm nhân sự.

Công việc mới đem lại cho chị khoản thu nhập ít ỏi vừa đủ chi tiêu. Vậy nên, mùa cưới năm nay, khi 2 người bạn phát thiệp hồng, cả hai vợ chồng mừng cho bạn nhưng cũng lo nghĩ khoản quà cưới.

Chị Thúy đưa ra phương án bỏ phong bì 10 triệu đồng coi như vừa bằng 3 chỉ vàng trước đây. Bạn bè thân thiết biết hoàn cảnh của nhau nên chắc sẽ thông cảm.

Tuy nhiên, chồng gạt phắt đi, giữ quan điểm mua 3 chỉ vàng. "Giá 3 chỉ vàng bây giờ là hơn 19 triệu đồng, gần gấp đôi 3 chỉ vàng năm 2019. Hai người bạn cùng cưới, nếu mua vàng chúng tôi phải chi gần 40 triệu đồng. Tiền trong nhà không đủ, nếu mua chúng tôi buộc phải đi vay", chị Thúy nói.

Hai vợ chồng chị Thúy bàn tới bàn lui mà vẫn chưa thể chốt phương án nào.

Bà Vũ Thị Lý (65 tuổi, quê Nam Định) cho biết, vợ chồng bà cũng đang lo sốt vó khi đám cưới của con gái em trai sắp đến. Bà Lý kể, năm 2018, khi con gái bà cưới, vợ chồng người em đã tặng cho cháu 5 chỉ vàng làm của hồi môn.

"Năm nay con gái của em tôi cưới, mình là chị, không tặng được hơn thì cũng phải tặng bằng. Năm chỉ vàng thời điểm trước mua chỉ khoảng 18 triệu đồng, nay tôi cần phải chi trên 32 triệu đồng mới mua được", bà Lý nói.

Giữa cơn sốt giá vàng, nhiều cuộc tranh luận quanh chuyện mừng cưới cũng nổ ra. Có người cho rằng, nếu vàng thời điểm này có giá cao gấp đôi so với thời điểm các cá nhân nhận quà mừng thì có thể tính toán phương án mừng lại số tiền tương đương.

Song cũng có ý kiến cho rằng, mừng vàng trả vàng, mừng tiền trả tiền. "Giá cả hàng ngày còn tăng chứ nói gì đến vàng. Tôi nghĩ, nhận quà thế nào thì nên mừng lại tương đương hoặc hơn thế.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, không nên mừng cưới quá nhiều để tự tạo áp lực cho mình", anh Đỗ Văn Đoan (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.

Cũng theo anh Đoan, khi kết hôn, vợ chồng anh chị nhận được không ít quà mừng cưới là vàng. Tuy nhiên, cả hai không đem bán mà để đó, chờ khi người tặng có việc, bạn bè tổ chức cưới thì đem trả lại. Nhờ vậy, họ không bị lao đao mỗi lần giá vàng tăng.

Khi quà mừng cưới vô tình trở thành gánh nặng

Tặng vàng trong hôn lễ trở thành một trong những nghi thức khá phổ biến trong nhiều đám cưới ngày nay.

Trước mặt quan viên hai họ, người dẫn chương trình sẽ lần lượt xướng tên cha mẹ, anh em, họ hàng tặng vàng cho cô dâu, chú rể. Khách mời tham dự thường không khỏi xuýt xoa trước cảnh cô dâu đeo vàng trĩu cổ hay ngón tay kín mít nhẫn tròn.

Nhiều người coi vàng là món quà thể hiện tình cảm, thay lời chúc phúc tới vợ chồng mới cưới. Vàng còn được xem là của hồi môn được ba mẹ, anh chị, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết sử dụng để làm quà tặng cho cặp uyên ương.

Tranh cãi trả nợ quà cưới 3 chỉ vàng hay 10 triệu khi giá vàng lập đỉnh-2
Tặng vàng là một nghi thức phổ biến trong nhiều đám cưới ngày nay (Ảnh minh họa: NVCC).

Tuy nhiên, giữa cơn sốt giá vàng, không ít người lại lo lắng việc "trả nợ" quà cưới do ảnh hưởng của tâm lý "có đi có lại mới toại lòng nhau".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, quà mừng cưới ngày càng có giá trị do đời sống, xã hội ngày một phát triển.

Quà mừng cưới vốn có ý nghĩa tốt đẹp nhằm thể hiện sự chia sẻ niềm vui, sự tri ân. Tuy nhiên, do kinh tế ngày một đi lên, giá trị quà cưới vì thế cũng tăng theo. Nhiều người coi quà cưới là chuyện "có đi có lại", là "món nợ" phải trả.

Có người mừng người khác xong, nhưng khi có hỷ sự cũng muốn nhận lại món quà tương tương. Vì vậy, quà tặng càng giá trị đôi khi sẽ tạo ra áp lực lớn cho người được nhận.

Trong bối cảnh giá vàng nhảy múa theo từng giờ, vị chuyên gia này cho rằng, các cá nhân nên tùy từng trường hợp để có ứng xử phù hợp.

Với những mối quan hệ thân thiết, có thể nói rõ hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của mình để bạn bè, người thân thông cảm chứ không nhất thiết phải vay mượn, tìm mọi cách mua vàng đem trả khi vàng đang đắt đỏ.

Từ câu chuyện trên, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, mỗi người nên đề cao sự giản tiện trong cưới hỏi, không nên biến món quà mừng cưới thành món nợ triền miên kéo dài từ ngày này qua tháng khác để cô dâu, chú rể một ngày nào đó phải đối diện với việc "trả" một số tiền quá lớn.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Ánh Hồng cho hay, mừng cưới là một hành động bày tỏ sự chúc phúc tới cô dâu, chú rể và gia đình của họ.

Thời bao cấp, người Việt thường mừng cưới bằng hiện vật chứ không phải bằng tiền, vàng. Cô dâu, chú rể sẽ được nhận đồ lưu niệm hoặc những vật dụng thiết thực để chuẩn bị cho một tổ ấm hạnh phúc mới như chiếc khăn mùi xoa, bộ cốc chén, chiếc nồi nhôm…

Sau này, khi kinh tế phát triển, nhu cầu của con người càng ngày càng cao hơn, nhiều người đã quy quà mừng thành phong bì hay vàng. Ngày càng nhiều người khi tổ chức đám cưới nảy sinh tâm lý tính toán, so đo.

Nhiều người cảm thấy không vui khi nhận về khoản tiền mừng cưới đúng bằng số tiền cách đây nhiều năm mình đã mừng khách.

Theo nhà nghiên cứu này, nên đề cao yếu tố tinh thần của món quà cưới, không nên đặt nặng vật chất, không nên xem tiền mừng là một thước đo để đánh giá mối quan hệ xem ai hơn ai thiệt.

"Ngày trước có thể họ mừng bạn 500.000 đồng, nhưng giờ nếu họ mừng lại mình 100.000 đồng thì mình vẫn nên hoan hỉ đón nhận", vị tiến sĩ này nói.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Theo Dân Trí