Văn hóa uống cà phê không còn xa lạ đối với người dân Hàn Quốc. Quán cà phê xuất hiện ở khắp mọi ngõ ngách tại xứ sở kimchi, bên trong là những khách hàng trẻ tuổi, đeo tai nghe và tay gõ máy tính.
Những người này được gọi là "cagongjok" - sự kết hợp của các từ "cafe" (cà phê), "gongbu" (học tập) và "jok" (câu lạc bộ). Thuật ngữ này chỉ bộ phận người thường xuyên đến quán cà phê để học tập và làm việc.
Việc "cắm rễ" tại quán cà phê luôn là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Mới đây, câu chuyện chủ quán cà phê phàn nàn về việc khách hàng mang cả máy tính xách tay và máy in đến quán thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Không gian lý tưởng cho người sống một mình
Choi - một người sống trong căn hộ studio (căn phòng nhỏ với đầy đủ tiện nghi, thường dành cho một người sống) - cho biết, bản thân luôn muốn tách biệt giữa không gian sống và làm việc.
"Mỗi khi tan làm trở về nhà, tôi thường trở nên lười biếng", anh chia sẻ với The Korea Herald. Choi cho rằng, làm việc ở quán cà phê giúp anh tập trung hơn và không bị phân tâm như ở nhà.
Kim - nhân viên văn phòng 20 tuổi - cho rằng, căn hộ studio anh đang ở quá chật chội và bí bách, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc.
"Tôi thích làm việc ở quán cà phê bởi nó vừa rộng rãi, vừa giúp tôi tập trung cao độ. Xung quanh đều là những người đang học bài và làm việc nên tôi không bị phân tâm", Kim nói.
Câu chuyện khách hàng mang máy tính và máy in đến quán cà phê làm việc thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dân mạng Hàn Quốc (Ảnh: Naver).
Lee Eun Hee - giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, Hàn Quốc - nhấn mạnh về xu hướng học tập và làm việc tại quán cà phê của giới trẻ ngày nay.
Theo bà, quán cà phê cung cấp cho người trẻ không gian xã hội, nhất là những cá nhân sống một mình, bù đắp sự thiếu hụt của tương tác trực tiếp.
Việc đắm chìm trong môi trường xã hội có thể giúp họ cảm thấy bớt cô đơn khi làm việc và học tập, đồng thời tạo ra không gian và tâm lý để tập trung vào công việc của mình.
Nghiên cứu của nền tảng tìm kiếm việc làm Job Korea cho thấy, cứ 5 người trẻ có 3 người đến quán cà phê học tập và làm việc.
Trong 182 người thuộc thế hệ MZ (những người sinh năm 1981-2005) tham gia khảo sát, hơn 37% người sử dụng quán cà phê để học ngoại ngữ, 32% tập trung vào việc đạt được chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể và 31% ôn tập nhằm đạt được chứng chỉ nghề nghiệp.
Ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh
"Cagongjok" xuất hiện bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là sự phổ biến của các quán cà phê tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ý tưởng này. Xu hướng "cắm rễ" tại quán cà phê gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Hàn Quốc.
Trong khảo sát do Hankook Research tiến hành vào năm 2021, khoảng 500 người cho biết, quán cà phê là lựa chọn lý tưởng để làm việc, nhờ không gian thoải mái, có sẵn đồ ăn nhẹ và đồ uống.
Yoo (28 tuổi) thường xuyên đến quán cà phê, gọi đồ uống trị giá 4.500 won (khoảng 81.000 đồng) và dành 3 tiếng để học bài ở quán. "Làm việc ở quán cà phê giúp tôi tập trung hơn hẳn. Thêm nữa, cà phê có thể đánh thức trí não và tăng cường năng suất làm việc", Yoo chia sẻ.
Việc khách hàng gọi đồ uống rẻ nhất, ngồi làm việc và cắm sạc hàng giờ đồng hồ khiến nhiều chủ quán khó xử (Ảnh: The Korea Herald).
Đối mặt với tình trạng này, nhiều chủ quán đối mặt với lo ngại về chi phí tiện ích tăng cao, trong khi lượng khách "cắm rễ" và ngồi làm việc không hề giảm đi.
Park hiện là chủ một quán cà phê. Đồ uống rẻ nhất tại quán có giá 1.900 won (34.000 đồng).
Park nhấn mạnh, nếu cần thiết, anh sẽ áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tổn thất tài chính, chẳng hạn như đăng thông báo yêu cầu khách hàng mua đồ uống đi kèm đồ ăn nhẹ.
Trước tình trạng này, giáo sư Lee cho rằng, nhóm khách hàng "cagongjok" cần cân bằng giữa thời gian ngồi tại quán và số tiền chi trả cho dịch vụ. Bởi xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều hộ kinh doanh.
Theo Dân Trí