Trào lưu cover lên như diều gặp gió, từ TikToker đến Diva đều 'đâm đầu'

Điều làm nên sức hút của những giọng ca cover chính là giọng hát và cách hát. Còn thứ làm nên tên tuổi của ca sĩ lại là định hình được thương hiệu cá nhân với những màu sắc âm nhạc ổn định.

Trào lưu cover: cơn sốt tại thị trường âm nhạc Việt

Vài năm trở lại đây ở Việt Nam, phong trào cover phát triển rầm rộ. Nhiều người nhờ cover mà trở nên nổi tiếng, tìm thấy cơ hội lấn sân sang con đường ca hát chuyên nghiệp như Juky San, Quân A.P, Hoa Vinh, Hương Ly, Ngô Lan Hương, Minh Châu, Vicky Nhung… Theo đó, nhiều kênh YouTube chuyên đợi chờ ca sĩ ra nhạc để cover mọc lên như nấm.

Trào lưu cover lên như diều gặp gió, từ TikToker đến Diva đều đâm đầu-1
Một số "hiện tượng cover" nổi bật: Ngô Thành Dương, Trần Tuấn Đạt và Hương Ly

Điểm chung của những hiện tượng cover là họ có một giọng hát rất tốt, lối xử lý bài hát được lòng số đông nên thu hút một lượng người yêu thích. Điển hình như trường hợp Hương Ly, Tăng Phúc… đều rất nhiều lần đạt thứ hạng cao trên top trending, đánh bại loạt MV bom tấn nhờ những clip cover đơn giản.

Thậm chí, ca sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Đức Phúc, Erik hay Orange... cũng thường xuyên cover bài đồng nghiệp tặng khán giả như một cách duy trì sức nóng và nhấn mạnh đến công chúng khả năng hát vượt trội của mình. 

Trào lưu cover: con dao hai lưỡi 

Hiện nay, mặt trái của sự thật cover tràn lan chính là vấn đề bảo vệ bản quyền.

Cuối năm 2019, Hương Ly bị tố sử dụng ca khúc Bước Qua Đời Nhau mà không xin phép tác giả là ca sĩ Khắc Việt. Và VBiz có hàng trăm câu chuyện mang bài của người khác đi diễn tương tự như vậy, dẫn đến suốt một thời gian dài, những sự vụ cướp hit đấu tố lẫn nhau liên tục xảy ra. 

Trào lưu cover lên như diều gặp gió, từ TikToker đến Diva đều đâm đầu-2
Khắc Việt công khai cấm Hương Ly mang hit của anh vì chưa xin phép

Trào lưu cover lên như diều gặp gió, từ TikToker đến Diva đều đâm đầu-3

Theo Luật sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu tác phẩm có quyền độc quyền tác phẩm của mình, toàn quyền tự sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng. Một người cover tác phẩm của người khác và đưa lên mạng xã hội, dù người đó hát cho vui hay hát để thu tiền thì họ vẫn phải xin phép tác giả, và phải trả tiền bản quyền nếu tác giả yêu cầu. Bài hát là một loại tài sản dân sự, việc định giá tùy vào thỏa thuận dân sự của người bán, người mua, nhà nước không can thiệp.

Nhưng công bằng mà nói, trào lưu cover đã làm "sống dậy" biết bao nhiêu bài hát cũ và giúp cho những bài hát mới ra đời được phổ biến với khán giả hơn. Đó là lý do những năm qua, nhiều ca sĩ khi ra mắt ca khúc mới đều có kế hoạch truyền thông bằng cách mời các bên chuyên cover hát lại bài của mình.

Điển hình là bản cover Ngắm Hoa Lệ Rơi mà Hoa Vinh thể hiện bỗng nổi tới mức ca sĩ Châu Khải Phong lên tiếng khẳng định ca khúc này hot trở lại là nhờ Hoa Vinh. Thời điểm đó, Hoa Vinh cũng đem bài này đi khắp các sân khấu lớn bé để biểu diễn dù chưa bao giờ mở lời mua bài.

Thậm chí, khi phát hành bản audio chính thức, Hoa Vinh không chú thích "cover" như thể đây là ca khúc của mình dù chiếc beat sử dụng cũng của Châu Khải Phong, thậm chí còn dính cả tiếng bè.

Tóm lại, có không ít trường hợp tác phẩm cover nổi tiếng và được yêu thích hơn cả bản thu gốc. Tuy nhiên, điều làm nên sức hút của những giọng ca cover chính là giọng hát và cách hát. Còn thứ làm nên tên tuổi của ca sĩ lại là định hình được thương hiệu cá nhân với những màu sắc âm nhạc ổn định. 

Thu Hà (t/h)
Theo VietNamNet 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/loi-va-hai-cua-trao-luu-cover-trong-vpop-n-264428.html

Hoa Vinh Hương Ly cover

Tin tức mới nhất