Trào lưu quay video “đóng giả làm nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust” trên nền tảng TikTok đang là chủ đề khiến cộng đồng mạng thế giới phẫn nộ, theo Insider.
Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở châu Âu, Bắc Phi trong Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra.
Dùng "nỗi đau nhân loại" để câu view
Trong video, người quay trang điểm mô phỏng các vết bỏng hoặc vết bầm tím, nói rằng họ chết trong những trại tập trung do Đức Quốc xã lập nên. Ở các clip khác, một số người giới thiệu với người xem họ là người Do Thái thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Ngoài ra, người quay còn đeo một ngôi sao màu vàng trước ngực, giống như người Do Thái từng bị ép buộc phải đeo, hoặc mặc áo sơ mi sọc, bắt chước trang phục tù nhân mặc trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Người quay cố tình trang điểm, bắt chước các vết bỏng, bầm tím và mặc trang phục giống những người đã khuất.
Một số còn sử dụng phông nền đằng sau là hình ảnh của trại tập trung Auschwitz. Trại tập trung Auschiwitz nằm tại Ba Lan, được biết đến là nơi đông người Do Thái bị tra tấn dã man và bỏ mạng nhiều nhất dưới bàn tay của Đức Quốc xã.
Các video được gắn hashtag #Holocaust nhận về hàng nghìn lượt xem trên ứng dụng TikTok. Trong video, người quay giả vờ đang ở trên thiên đường, trò chuyện với người xem và trả lời các câu hỏi như “Tại sao bạn qua đời?”, “Tại sao bạn lại bị thương tích nhiều như vậy?”.
Các clip này từ khi xuất hiện đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội.
“Tôi cảm thấy sốc khi những người quay video nghĩ họ có thể luyện tập khả năng trang điểm và diễn xuất bằng thứ nội dung này”, một bình luận phản đối trên Twitter viết.
“Chúng ta liệu có thể dừng việc lôi thảm họa Holocaust lên TikTok? Những clip đó không tôn trọng người đã khuất và lôi ký ức đau thương trong lịch sử loài người ra để câu view”, một ý kiến phản đối khác bày tỏ.
Trào lưu đóng giả nạn nhân của thảm họa diệt chủng khiến người quay TikTok bị "ném đá" nặng nề.
Trả lời Insider, một cô gái 17 tuổi giấu tên đến từ New Jersey (Mỹ), cho biết cô quay clip giả làm nạn nhân để “dạy mọi người biết về lịch sử” và “nâng cao nhận thức về tội ác diệt chủng”.
"Tôi nghĩ việc chia sẻ những câu chuyện quá khứ là điều quan trọng. Tôi luôn quan tâm đến lịch sử của tội ác đó và chỉ muốn làm một video về nó trên TikTok. Tôi không có ý định gây khó chịu cho bất kỳ ai", cô gái nói.
Do vấp phải phản đối, cô gái đã xóa video. Nhân vật trong video của cô được mô tả là một thiếu nữ cùng gia đình bị bắt giữ vào trại Auschwitz, nơi tất cả đều bỏ mạng trong phòng hơi ngạt.
Mặt khác, đa số đều chỉ trích trào lưu này động vào nỗi đau và dễ gây khó chịu cho những gia đình có thành viên đã bỏ mạng và cả người sống sót sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Briana, một cô gái 19 tuổi gốc Do Thái ở Los Angeles (Mỹ), nói với Wired: “Việc nhắc lại ký ức đau thương theo cách này rất có thể xoáy sâu vào tổn thương tâm lý của những người ở lại, dù sự việc đã xảy ra hàng thập kỷ trước”.
Người quay giả vờ mình đang trên thiên đường và trả lời câu hỏi "Tại sao bạn ra đi?", "Tại sao bạn lại bị nhiều thương tích vậy?" của người xem.
Diane Saltzman, giám đốc phụ trách các vấn đề về nạn nhân tại Bảo tàng Tội ác Holocaust (Mỹ), nói: "Bắt chước trải nghiệm của nạn nhân thảm họa diệt chủng là làm nhục ký ức về người đã khuất và làm tầm thường lịch sử”.
"Bảo tàng khuyến khích mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, tìm hiểu về Holocaust và hiểu những bài học mà nó mang lại, song không phải theo cách này”, cô nói thêm.
TikTok từ chối bình luận về trào lưu này khi được liên hệ.
Người quay tự đẩy mình vào nguy hiểm
Đây không phải lần đầu tiên các trào lưu trên TikTok hứng chịu “gạch đá” vì nội dung không phù hợp. Thậm chí, nhiều clip còn bị coi là tiềm ẩn nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người quay, theo CNN.
Cuối tháng 7, 3 học sinh cấp 2 tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ) nhập viện vì ngộ độc thuốc dị ứng. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng nhịp tim rối loạn, bất tỉnh.
Không ai có ý định tự tử hay rủ rê nhau làm điều dại dột nhưng tất cả nói rằng đã xem và học theo các video trên TikTok.
Không chỉ nhiều nội dung gây khó chịu, nguy hiểm rình rập chính cả những người quay TikTok.
"Các video nói rằng con người có thể cảm thấy hưng phấn và tạo ảo giác nếu uống khoảng 12 viên thuốc dị ứng trở lên. Phần lớn học sinh đều uống quá liều dẫn đến ngộ độc", cơ quan y tế ở Fort Worth thông tin.
Ke'Avion, một thiếu niên ở Arkansas (Mỹ), qua đời vào cuối tháng 3 do chấn thương sọ não vì Skull Breaker Challenge (tạm dịch: thử thách kẻ phá huỷ đầu lâu).
Xuất hiện đầu tiên trên TikTok, thử thách gồm 3 người tham gia, trong đó người ở giữa nhảy lên không trung rồi 2 thành viên còn lại hất chân của người đó khiến họ ngã ngửa ra phía sau.
Dù được cảnh báo nguy hiểm, Skull Breaker Challenge nhanh chóng trở thành trào lưu, thu hút hàng nghìn video chia sẻ trên TikTok vào đầu năm.
Trong trường hợp của Ke’Avion, cú tiếp đất bằng đầu đã khiến cậu nhập viện trong tình trạng nguy kịch và không qua khỏi.
Thử thách "ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân" thu hút nhiều người trẻ học theo cũng bị phê phán là sẽ gây nên chứng rối loạn ăn uống.
"Nhiều người khoe họ đang ăn kiêng, cổ súy giảm cân bằng uống giấm táo hay ăn cà rốt chấm mù tạt. Người theo dõi khác nhìn vào đó và nghĩ rằng: 'Chà, nếu ăn chính xác như thế, mình sẽ có vóc dáng đẹp như cô ấy'. Nhưng nếu làm vậy họ chỉ bị đói và gây nguy hại sức khỏe về lâu dài", chuyên gia dinh dưỡng Jenna Werner nói.
Nhà phân tích mạng xã hội Jo Phillips ở Lacombe (Canada) cho rằng hàng trăm trào lưu nguy hiểm khác vẫn đang tồn tại trên TikTok. Và điều đáng lưu tâm, lo ngại hơn cả là 60% người dùng của ứng dụng này đều là người trẻ, trong độ tuổi 16-24.
Theo Zing