Mỗi người đều có một cách sống riêng, nhưng đa phần là hướng tới tinh thần được thoải mái, vui vẻ. Giàu có về mặt vật chất - ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng làm được, còn giàu có về tinh thần - không cần phải nhiều tiền mới tự do.

1 năm trước, Lý Chí, 39 tuổi, người thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã "nghỉ hưu non" và kết thúc 15 năm làm việc vất vả.

Trước đó, anh làm kỹ sư trong một công ty ô tô ở Thượng Hải. Các đồng nghiệp đều cho rằng Lý Chí nhảy việc tới nơi khác tốt hơn. Chỉ có anh biết rằng kế hoạch ấp ủ bấy lâu nay cuối cùng đã thành hiện thực.

Gần đây, có rất nhiều người trẻ và trung niên ở nước tỷ dân chú ý đến việc lập kế hoạch dưỡng lão từ rất sớm. Theo Báo cáo Hưu trí Quốc gia do Đại học Thanh Hoa phát hành vào tháng 10/2020, hơn 70% thế hệ 9x đã bắt đầu xem xét việc lập kế hoạch nghỉ hưu.

Đối với thế hệ 8x, tỷ lệ thậm chí còn lên tới 80%.

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-1
Có rất nhiều người trẻ như Lý Chí nghĩ đến chuyện "nghỉ hưu non" (Ảnh minh họa)

Một nhóm trên Douban (trang web dịch vụ mạng xã hội Trung Quốc) có tên là "FIRE Life" được thành lập vào ngày 19/4/2020, và chỉ sau 1 năm đã có gần 100.000 thành viên.

Nhóm này chuyên thảo luận về lập kế hoạch công việc, chủ nghĩa tối giản liên quan đến nghỉ hưu sớm và tu dưỡng tâm hồn hậu nghỉ việc.

FIRE (viết tắt của Financial Independence, Retiring Early) có nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm. Những người ủng hộ tin rằng bằng cách giảm ham muốn vật chất và sống một cuộc sống tối giản, họ có thể tiết kiệm tới 25 lần chi phí sinh hoạt trong 1 năm, và chỉ sống bằng 4% thu nhập tài chính trong năm đó, cuối cùng chạm được thành công là nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30.

Tuy nhiên, trong số các thành viên ở nhóm Douban nói trên, rất ít người thực sự đạt được thành tích "nghỉ hưu non" như Lý Chí.

Muốn nghỉ sớm phải chuẩn bị từ tuổi 20

Năm 2004, Lý Chí tốt nghiệp đại học, vào làm việc tại một công ty vận chuyển nhà nước với mức lương tạm chấp nhận được. Nhưng giờ làm việc của Lý Chí lại vô cùng khắc nghiệt, chỉ cần hàng về là người phải có mặt, bận đến mức nhiều khi khiến anh "thở không ra hơi".

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-2
Nghỉ hưu sớm đã gieo mầm trong lòng nhiều người trẻ từ rất sớm (Ảnh minh họa)

Công việc của Lý Chí tương đối vất vả, làm việc quần quật từ thứ hai đến thứ bảy, nghỉ giao ca vào chủ nhật, trong đó việc tăng ca đến 9-10h tối không phải là chuyện hiếm.

Thời gian thấm thoắt qua đi 2 năm, vào một ngày tăng ca, Lý Chí như thường lệ gọi đồng nghiệp đi ăn tối, nhưng bước vào phòng làm việc gọi không thấy ai trả lời.

"Tôi chỉ nhìn anh ấy nằm đó, bất tỉnh nhân sự, có gọi thế nào cũng không chịu tỉnh" - Lý Chí nhớ lại tình hình ngày hôm ấy.

Sự việc đó đã giáng vào tâm lý của anh một đòn không hề nhẹ - một người đàn ông mới khoảng 40 tuổi, đột tử không một lời từ biệt.

Sự kiệt quệ về thể chất chưa thấm vào đâu so với việc tinh thần bị héo mòn từng ngày, bởi đi làm cũng không có ngày nào vui vẻ. Sau đó anh chuyển việc và làm cho tới khi "nghỉ hưu".

"Hôm nào cũng phải họp rồi bị ép công, nói khó nghe hơn thì là 'vắt kiệt' sức lao động. Từ đó tôi đã vạch ra kế hoạch nghỉ hưu sớm cho bản thân" - Lý Chí chia sẻ lý do muốn "nghỉ hưu non".

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-3
Muốn nghỉ hưu sớm phải có cơ sở vật chất nhất định (Ảnh minh họa)

"Chỉ cần tiết kiệm đủ tiền để trả sinh hoạt phí hàng ngày là được" - Anh nói.

Năm 2008, Lý Chí mua một căn hộ rộng hơn 100m2 ở Thượng Hải. Căn hộ riêng là bước khởi đầu để nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, anh còn để ý tới các loại cổ phiếu và đầu tư khác để tạo nguồn thu nhập thụ động.

Sau 1 năm nghỉ hưu, thu hoạch lớn nhất của Lý Chí là "không cần phải giả vờ". Không cần phải nhìn sắc mặt của lãnh đạo hay đồng nghiệp, việc thích hay không thích là hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của Lý Chí.

Giữ mọi thứ đơn giản

Lê Sưởng, 32 tuổi, người Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, cô và chồng đã chọn ở Bắc Kinh phát triển. Chồng cô là người ngoại tỉnh, nhà có nợ nên hai vợ chồng chỉ biết chăm chỉ làm ăn, xoay xở đầu tư tài chính.

Năm 2014, chồng Lê Sưởng khởi nghiệp và làm ăn "vào cầu" nên phất lên nhanh chóng. Sau đó nửa năm, cô chính thức nghỉ hưu ở nhà. Quãng thời gian đầu không đi làm, Lê Sưởng dùng từ "biến chất" để miêu tả bản thân.

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-4
Ảnh minh họa

"Tôi tỉnh dậy vào 5h sáng, nằm trên giường xem tin tức, đói thì gọi đồ ăn về nhà, sau đó dắt chó đi dạo" - cô nói.

Sau nửa năm sống buông thả, cô đã điều chỉnh trở lại nhịp sống bình thường và hướng tới lối sống đơn giản. Hiện tại cô không còn mua quần áo, giày dép, sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, cũng không thích đi du lịch, đồng thời tìm một công việc dạy học bán thời gian tại nhà.

"Tôi hiện giờ không cần đi làm, điều kiện gia đình khá dư giả. Nhưng tôi nhận ra không lao động thật sự rất nhàm chán" - Lê Sưởng tâm sự.

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-5
Ảnh minh họa

Đối với cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thì Lâm Quý lại có lối sống khác.

Lâm Quý, sinh năm 1982, gốc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mong muốn thay đổi tình hình tài chính của gia đình. Sau khi tốt nghiệp năm 2005, cô trở thành một huấn luyện viên yoga và làm thêm 3 công việc trong thời gian rảnh.

"Chỉ cần có thể kiếm tiền, tôi có thể từ bỏ sinh mạng của mình" - Lâm Quý mô tả về bản thân vào thời điểm đó.

Nhưng làm việc quá tải và căng thẳng trong thời gian dài khiến Lâm Quý kiệt sức. Đã có nhiều lần cô thầm thương lấy thân và than thở rằng tại sao lại phải sinh ra để chịu khổ. Nhưng rồi Lâm Quý chợt nhận ra đây không phải là cuộc sống mà cô mong muốn.

Lâm Quý cũng bày tỏ rằng mình sẽ "nghỉ hưu non", và hiện tại đã chuyển sang làm nghề tự do. Cô dựa vào thu nhập từ việc làm trang web và dạy các lớp yoga để trang trải chi phí sinh hoạt.

Từ bỏ hôn nhân gia đình

Trào lưu làm quần quật rồi nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc-6
Nghỉ hưu sớm là một lựa chọn thích hợp với tiền đề chưa lập gia đình hoặc chưa có con cái

Lý Chí ngay từ đầu đã hiểu rằng quyết định nghỉ hưu sớm đồng nghĩa với việc từ bỏ hôn nhân và sinh con.

Còn Lâm Quý không được tự do như Lý Chí, cô buộc phải kết hôn do mẹ ép. Nhưng hai vợ chồng có quan niệm sống hoàn toàn khác nhau nên đã ly hôn và cô con gái hiện đang ở với chồng cũ của Lâm Quý.

"Tôi không muốn sinh con, nhưng anh ấy nói rằng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi đứa bé ra đời. Giờ là lúc anh ấy thực hiện lời hứa của mình" - Lâm Quý đáp.

Tuy nhiên sau đó, mẹ Lâm Quý lại một lần nữa "dằn mặt" con gái. Bà cho rằng phụ nữ phải có chồng mới yên ổn và ép cô tái hôn. Nhưng lần này cô không chọn thỏa hiệp mà sống với đúng mong ước của bản thân.

Giờ đây, 2 mẹ con cô sống cùng nhau nhưng rất ít khi nói chuyện, trở thành những người thân xa lạ cùng chung sống trong một mái nhà.

Vợ chồng Lê Sưởng lại cùng chung lý tưởng khi cả hai đều không muốn có con, và đương nhiên trường hợp giống họ rất ít. Mới đây Lê Sưởng dự định xây dựng một viện dưỡng lão cho những người có cùng lối sống nghỉ hưu sớm giống mình.

Vậy nên, không phải ai chọn lối sống "nghỉ hưu non" cũng suôn sẻ, vẫn cần dựa vào thực tế và cần kinh tế để trang trải cuộc sống.

Không ai có thể hiểu bản thân bằng chính mình, vì thế lựa chọn lối sống nào là tùy ở họ. Nhưng những người đã nghỉ hưu sớm có kinh nghiệm vẫn khuyên những ai muốn hưởng thụ sớm nên có kế hoạch cụ thể, đừng để lười lao động chi phối và làm cái cớ khiến bản thân giậm chân tại chỗ.

Theo Trí Thức Trẻ