Sau khi Monster Hunter bị cấm chiếu tại các rạp chiếu Trung Quốc vì trò đùa phân biệt chủng tộc, con đường tấn công thị trường tỷ dân của các nhà làm phim vốn đã khó nay càng gắt gao hơn.

Nguồn tin từ The Hollywood Reporter cho biết Cục Quản lý Điện ảnh Trung Quốc ngày càng thắt chặt quy trình kiểm duyệt. Họ cho rà soát, xem lại các bộ phim ngoại đã phê duyệt trước đó để không có bất cứ sai lầm nào xảy ra như trường hợp của Monster Hunter.

Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt sau vụ xúc phạm ở Thợ săn quái vật-1
Monster Hunter để lại nhiều hệ lụy cho việc nhập khẩu phim nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Sony Pictures.

Khâu kiểm duyệt phim của Trung Quốc ngày càng gắt gao

Khán giả Trung Quốc thường không mấy quan tâm về hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của nước này. Tuy nhiên, trường hợp của Monster Hunter đã khiến không ít người xem phim nổi giận, lên tiếng. Nhiều người thậm chí lên tiếng chỉ trích chính phủ làm việc hời hợt ở khâu kiểm duyệt.

Tuy đã cắt bỏ phân đoạn “trò đùa đầu gối dơ bẩn”, số phận của bom tấn được đầu tư 60 triệu USD tại thị trường tỷ dân vẫn còn lênh đênh.

The Hollywood Reporter cho biết nhiều bình luận trên Internet nhắm thẳng vào các nhà kiểm duyệt ở Bắc Kinh vì không nhìn thấy đoạn hội thoại phân biệt. Điều này đánh vào tâm lý của cơ quan chức năng. Họ phải gắt gao hơn trong việc kiểm duyệt, điều này đồng nghĩa với việc phim ngoại nhập khó có đất sống ở thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt sau vụ xúc phạm ở Thợ săn quái vật-2
Con đường tiến vào thị trường tỷ dân vốn đã khó nay càng gay gắt hơn. Ảnh: Sony Pictures.

Trước khi Monster Hunter ra mắt, việc kiểm duyệt phim ở Trung Quốc vốn đã rất gắt gao. Bộ phim Hollywood dường như chỉ làm trầm trọng thêm xu hướng “chèn ép” phim ngoại nhập ở thị trường này.

Các nhà làm phim hàng đầu Trung Quốc như Trương Nghệ Mưu, Quản Hổ và Tăng Quốc Cường… cũng phải tuân theo quy định gắt gao của bộ phận kiểm duyệt để có cơ hội tồn tại.

Phim hoạt hình Nhật Bản được xem là “món mồi ngon” và sẽ có được doanh thu khổng lồ tại Trung Quốc. Trước đó, Your Name của Makoto Shinkai đã kiếm được 84 triệu USD hồi năm 2016. Bộ phim Spirited Away (2018) cũng mang về 70 triệu USD.

Biết được điều đó, Bilibili - trang web chuyên về hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản - đã mua phần lớn bản quyền phát sóng. Công ty đã mua lại Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba - loạt phim truyền hình anime nổi tiếng của Nhật Bản, trước khi nó được chuyển thể thành phim bom tấn.

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt ở Trung Quốc trở thành nỗi lo chung của Bilibili và các nhà phân phối phim nhập khẩu.

Hệ lụy từ trò đùa phân biệt chủng tộc của Monster Hunter

Bom tấn hoạt hình Nhật Bản Demon Slayer là bộ phim "đứng mũi chịu sào" nhiều nhất. Phim vừa thu về 300 triệu USD toàn cầu. Vì vậy, nhà phân phối mong đợi rất nhiều ở thị trường Trung Quốc.

Bom tấn Nhật Bản được công ty giải trí Trung Quốc Bilibili mua lại. Họ dự định cho ra rạp bộ phim vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phá sản khi tình trạng kiểm duyệt của Trung Quốc ngày càng gắt gao. Cơ quan chức năng khăng khăng yêu cầu xem xét lại bộ phim lần thứ hai.

Phim hoạt hình Fate/stay night: Heaven's Feel III. spring song đến từ Nhật Bản cũng chịu chung số phận hẩm hiu ở thị trường tỷ dân. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, bộ phim của đạo diễn Tomonori Sudou kiếm được 19,2 triệu USD ở Nhật Bản dù các rạp chiếu phim một thời gian dài dừng hoạt động.

Tuy hai bộ phim của Nhật Bản không gặp khó khăn khi vượt qua kiểm duyệt lần hai, nhưng quá trình phê duyệt kéo dài có thể khiến phim vụt mất cơ hội ra rạp, hoàn thành mục tiêu cuối năm.

Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt sau vụ xúc phạm ở Thợ săn quái vật-3
Nhiều nhà phân phối thấp thỏm vì bom tấn Demon Slayer có thể lỡ hẹn khán giả Trung Quốc dịp cuối năm. Ảnh: Ufotable.

Bởi, cơ quan quản lý của Trung Quốc không cho phép các bộ phim nước ngoài khởi chiếu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 11-26/2/2021). Monster Hunter và Fate/stay night: Heaven's Feel III. spring song có thể phải đợi đến cuối tháng 2 hoặc tháng 3 mới được phát hành tại Trung Quốc.

Giữa lúc nhà phân phối đang bế tắc chuyện ra rạp, họ càng lo lắng thêm chuyện Demon Slayer bị phát tán trên mạng, vì bản DVD và Blu-ray sẽ phát hành ở Nhật Bản vào cuối tháng 1. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của bom tấn tại Trung Quốc.

Việc Demon Slayer phải dời lịch chiếu sang năm sau là sự thất vọng lớn đối với các nhà phân phối ở Trung Quốc, điển hình là Bilibili. Rạp chiếu cuối năm của Trung Quốc hẩm hiu hơn hẳn sau khi Wonder Woman 1984 của Warner Bros. và The Rescue của đạo diễn Lâm Siêu Hiền đều ra rạp vào ngày 18/12.

Nhiều người trong ngành công nghiệp Trung Quốc mong Demon Slayer sẽ là cú hích mang lại doanh thu cao trước khi bước sang năm mới. Tuy nhiên, hệ lụy từ Monster Hunter đã đập tan hy vọng này.

Theo Zing