22h ngày 17/9, chị Lan vẫn đứng trân trân trong con ngõ gần cổng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), ánh mắt còn chưa hết bàng hoàng hướng về phía đám khói đen bốc lên ngùn ngụt từ dãy trọ.
Đắn đo một lúc, chị bấm số gọi báo tin cho chồng đang ở quê.
- Cháy, cháy hết rồi anh ạ. Tiền bạc, giấy tờ, quần áo cháy hết rồi!
- Hai con có sao không? Đang ở đâu rồi?
- Hai con vẫn an toàn. Em đang gửi ở nhà tiêm chủng. Thôi nhé!
Sau cú điện thoại bất ngờ từ vợ, anh Bình trằn trọc. Anh bấm máy gọi lại hỏi vợ đêm nay 3 mẹ con có chỗ ngủ chưa, không quên dặn: "Từ nay đi đâu phải dẫn hai con theo, nhà mình đang số đen...".
Đêm đó, ngõ vào Bệnh viện Nhi Trung ương, xe cứu hỏa xếp hàng dài, hàng trăm cảnh sát vẫn miệt mài dập lửa, mùi khét sặc sụa tỏa khắp nơi. Chị Lan mất ngủ. Ở quê, anh Bình thương vợ, thương con, đến gần sáng mới chợp được mắt.
Tiền trị liệu cho con biến thành tro bụi
Giờ nghĩ lại, chị Lan thấy mình có chút may mắn khi hôm đó, mọi chuyện xảy ra khác hẳn với nhịp sống thường ngày của 3 mẹ con.
Vài năm nay, khi Tiến (con trai thứ của chị) đã biết đi, một mình chị có thể tự chăm cho hai đứa nhỏ để chồng ở quê kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Ngoài giờ trị liệu của con, chị và con chỉ loanh quanh trong căn phòng trọ. Đến giờ ăn tối, chị đành khóa cửa phòng, chuẩn bị ít đồ chơi cho hai anh em Tiến, Hoa rồi chạy vội ra ngoài mua cơm. Hôm nào có lịch tập ngoài cho Hoa, 18h, chị lại dẫn theo hai con đến phòng khám trên phố Chùa Láng.
Hôm 17/9, mới 15h30, chị đã dắt díu hai con rời phòng trọ. Chưa đầy hai tiếng sau đó, ngọn lửa khủng khiếp đã bao trùm toàn bộ khu xóm trọ.
"Nếu như hôm đó tôi không đưa hai đứa nhỏ ra ngoài từ sớm thì khi đám cháy xảy ra, tôi thật sự không biết làm cách nào để cứu con vì chúng không đủ nhận thức hiểu thế nào là nguy hiểm", chị Lan nói.
19h30, chị bồng bế hai con trở về bệnh viện, thấy khói nghi ngút mới biết xóm trọ gặp tai ương. Vội vàng gửi con tại khu khám và điều trị 24h, chị chạy về xem có thể cứu lại chút tài sản ít ỏi không.
Lửa bốc ngùn ngụt. Người mẹ nghèo chỉ biết đứng nhìn, khiếp đảm, tuyệt vọng. Mắt chị cay xè vì khói và vì những ngày tăm tối sắp tới.
Trận hỏa hoạn không chỉ cướp đi chốn dung thân của 3 mẹ con, mà còn thiêu rụi nốt số tiền ít ỏi do các nhà hảo tâm biếu tặng, cùng nỗ lực dành dụm của hai vợ chồng cho đợt trị liệu này.
Đã qua giờ ăn tối, nhìn con chịu đói, chị bất lực vì lúc đó trong người không còn một xu dính túi. Khi ấy, một người quen đã dúi cho chị chút tiền để mua cháo cho hai đứa nhỏ ăn tạm.
Chủ quán phở gần đó ngỏ lời mời chị Lan một bữa. Chị từ chối vì thực sự không nuốt nổi. Tâm trí chị rối bời vì không biết ba mẹ con nghỉ ngơi ở đâu và những ngày sắp tới sẽ ra sao. Cầm ít tiền do người dân tốt bụng đưa cho, chị tìm mua bỉm cho con.
Mọi thứ như mớ bòng bong. Đắn đo một lúc, chị bấm số gọi báo tin cho chồng đang ở quê. Ngắt điện thoại, chị Lan mượn tạm chiếu, quạt, dự định nghỉ tạm trên hành lang bệnh viện. Gặp bảo vệ đi kiểm tra, chị mới biết bệnh viện sắp xếp hỗ trợ họ một chỗ nghỉ ngơi sau hỏa hoạn.
"13 năm điều trị tại đây, con có biết nhà khách trông như thế nào đâu. Chú dẫn con đi với!", chị vội nói rồi bế hai con theo.
Sau một đêm biến cố, bà mẹ 41 tuổi gần như sụp đổ. Không kham nổi, chị đành gọi chồng lên hỗ trợ.
Ban ngày, 4 người chen chúc trên chiếc giường nhỏ. Tối về, họ xin phép trải 3 tấm chiếu trên hội trường tầng 7 làm chỗ ngả lưng.
Mỗi tiếng ê a của con cũng là niềm an ủi lớn
Cuộc sống tạm bợ nhưng chị Lan, anh Bình nhanh chóng thích ứng. Những năm qua, họ đã quá quen với cảnh sống tất bật lo toan.
20 năm trước, hai người về chung một nhà. Năm 2001, họ đón bé trai đầu lòng - Minh - khỏe mạnh và kháu khỉnh. 5 năm sau, Tiến chào đời.
Mãi đến khi em được 4 tháng tuổi, gia đình mới đưa con vào bệnh viện khám và phát hiện Tiến bị bại não.
Bất hạnh hơn, năm lên 7 tuổi, Minh mắc viêm não Nhật Bản. Tiếp đó, cuộc sống của em gắn liền chứng động kinh, bệnh viện và thuốc men.
Gánh nặng chồng chất hơn khi năm 2013, anh chị "nhỡ" có thêm bé Hoa. Những tưởng em bình thường, không ngờ căn bệnh quái ác vẫn không buông tha.
"Tôi có mong muốn gì nhiều đâu, chỉ trông chờ con bé lớn lên khỏe mạnh, sau này còn dắt anh đi chơi", chị Lan nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc tuyệt vọng khi bác sĩ thông báo Hoa cũng bại não.
Vợ chồng nghèo nai lưng làm đủ nghề, từ làm ruộng, cơ khí đến buôn đồng nát, phụ hồ, bán rau để lo cho Minh ăn học và chạy chữa cho Tiến, Hoa.
Họ hàng nghèo khó, không giúp đỡ được gì nhiều. Thấy họ quá vất vả, nhiều người khuyên buông bỏ vì chứng bại não điều trị đến đâu cũng không khỏi hẳn được.
Thế nhưng, hai vợ chồng không đành lòng bỏ mặc con. Gần 13 năm có Tiến là từng ấy thời gian chị Lan đưa con liên tục ra vào Bệnh viện Nhi. Tiến sắp tròn 13 nhưng chỉ nhỏ con bằng đứa bé 6-7 tuổi, hai chân teo nhỏ, yếu ớt.
Cơ thể bé nhỏ ấy bị giày vò bởi căn bệnh bại não bẩm sinh, tràn dịch tinh hoàn, dính lưỡi. Tiến đã trải qua hai cuộc phẫu thuật tách lưỡi và tràn dịch tinh hoàn.
Bệnh tình của Hoa còn nghiêm trọng hơn. 6 tháng tuổi, Hoa trải qua ca mổ tim. Mấy tháng sau, Hoa được mổ u nang thượng bì vùng trán đỉnh rồi phẫu thuật tách lưỡi. Đến giờ, vết sẹo dài vẫn lưu lại trên đầu em.
Vì thế, dù không khỏe mạnh, Minh là niềm hy vọng duy nhất của gia đình.
Họ những tưởng chỉ cần Tiến, Hoa biết đi lại, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Sau này, khi hai vợ chồng già yếu, Minh học nghề xong, kiếm được việc sẽ đỡ đần phần nào.
Nhưng cách đây vài tháng, niềm an ủi đó không còn. Minh đổ bệnh khi đang thực tập nghề. Em qua đời sau 5 ngày chạy chữa.
Đây cũng là mối bận lòng khi anh Bình rời nhà. Mấy ngày qua, đêm nào, anh Bình vẫn nghĩ con cả còn sống. Họ ở nhà, có cha, có con.
"Giờ nghĩ đi nghĩ lại, con chết rồi nhưng vẫn thương nó một mình ở nhà, không ai hương nến", giọt lệ rưng rưng trên khóe mắt người cha khắc khổ.
Dù vậy, để 3 mẹ con tự xoay xở trong những ngày này, anh không yên lòng. Cuộc sống dù trắc trở đến đâu, họ vẫn không được phép dừng lại vì phía trước, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.
Gác lại nỗi đau mất con, chị Lan dẫn hai đứa trẻ lên Hà Nội, tập đi, tập nói. Ít nhất bây giờ, những đợt trị liệu của hai con không còn bị cắt ngang bởi đủ thứ bệnh, từ viêm phế quản, viêm phổi đến nhiễm khuẩn như vài năm trước.
Họ đã trải qua chặng đường dài mà chỉ người trong cuộc mới hiểu hết nỗi đau và nước mắt đằng sau mỗi bước chân, cái nắm tay của con trẻ.
Gần một năm tuổi, Tiến mới biết lẫy và ngẩng cổ. Sau hai năm trị liệu, cậu bé biết ngồi dù chưa vững. Vài năm sau, Tiến bò và học đứng bám, đi men. Lên 8 tuổi, em bước những bước đầu tiên, ngã không biết bao nhiêu lần. Khi đã gần 13 tuổi, Tiến mới đi vững trên đường bằng và luyện tập lên xuống cầu thang.
Chặng đường học đi của Hoa cũng gian khó không kém. Đến nay, em mới đứng được 3-5 giây.
"Chờ con bé đứng niêng được 10 giây, bác sĩ sẽ cho tập đi", giọng chị Lan đầy hy vọng.
Mỗi tiến bộ nhỏ của hai con là niềm an ủi lớn. Hiện tại, dù Tiến chưa biết nói, em đã có phản ứng khi cha mẹ gọi tên, biết đòi ăn, đòi dẫn đi chơi.
Chị Lan vẫn kiên trì xoa bóp, tập luyện cho Hoa, trò chuyện, khích lệ con dù hai đứa gần như không hiểu gì và chỉ đáp lại bằng mấy tiếng ê a vô nghĩa.
13 năm, anh chị vẫn đều đặn đưa con lên trị liệu 4-5 đợt, mỗi lần khoảng 20 ngày. Họ dồn hết tiền bạc, chỉ mong mỏi nghe tiếng con gọi "cha, mẹ".
Ước được con một lần đòi đi chơi Trung thu
Lại một năm nữa, Tiến, Hoa đón Tết Trung thu trong bệnh viện. Hai em có biết Trung thu là gì đâu. Tiến vui hơn vì náo nhiệt, được đến chỗ đông người, nghe ca nhạc. Còn Hoa vẫn lặng lẽ nằm trên giường, khua chân múa tay.
Có chăng dịp này, hai đứa trẻ được nhận thêm chút quà. Bình thường, cuộc sống hai con gắn liền với tập đi, tập nói. Lúc không đến bệnh viện, anh chị vất vả kiếm tiền, không ngại làm đủ mọi nghề từ làm ruộng, buôn đồng nát. Không đủ trang trải, anh Bình làm phụ hồ, thổi kèn đám ma.
Toàn bộ thời gian cùng con chỉ là chăm lo miếng cơm, giấc ngủ. Còn lại, hai anh em thui thủi trong nhà.
Hoàn cảnh không cho phép anh chị cho con vui Tết Trung thu như bao bạn nhỏ khác. Thậm chí, vợ chồng nghèo chỉ mong ước được con một lần đòi quà, đòi dẫn đi chơi Trung thu.
Thấy trẻ em hồn nhiên vui đùa, náo nức mỗi dịp rằm tháng 8, vợ chồng chị Lan chạnh lòng lắm. Có lần, anh Bình dành dụm tiền dẫn con đi chơi nhưng Tiến có biết gì đâu.
Năm nay, anh em Tiến đón Trung thu trong bệnh viện trước hôm đám cháy xảy ra một ngày. Chị Lan đưa hai con đi xem từ sáng. Tiến cứ tới chỗ náo nhiệt là vui lắm, chân tay khua khoắng loạn xạ.
Tay bế Hoa, tay giữ Tiến được một lúc, chị thấm mệt, không chịu được âm thanh náo nhiệt đành dẫn con ra về. Tối đến, chị gắng uống viên thuốc đau đầu, dẫn hai con ra chơi, đỡ phải thui thủi trong phòng dịp Trung thu.
Sau đám cháy, nghĩ đến cảnh chưa biết về đâu khi hết hạn 10 ngày ở miễn phí, chị Lan chẳng nghĩ gì đến chuyện tổ chức Trung thu cho con.
Bệnh tật đeo đẳng con thơ, lại thêm nỗi lo chỗ ăn nghỉ, những bậc cha mẹ sống cùng phòng cũng không đủ tâm trí cho ngày lễ này.
Trong khi đó, như bao bạn nhỏ khác, Tiến và Hoa không biết gì về đám cháy hay nỗi lo của người lớn về những chật vật sắp tới.
Vì đám cháy, anh Bình mới lên, Tiến có người chơi cùng. Bình thường, vì Hoa chưa biết đi, chị Lan phải để ý nhiều hơn. Tiến loanh quanh trong phòng hoặc ngồi ủ rũ. Điểm vui nhất trong ngày là lúc cha gọi điện. Em không hiểu nhưng nghe tiếng cha huýt sáo là cười khanh khách.
Tiến thích đi chơi. Mấy ngày qua, có cha ở bên, em vui hẳn, thường kéo tay cha, ý bảo dẫn đi chơi.
"Thằng bé ngoan lắm, không bao giờ đòi mẹ dẫn đi. Nó thích náo nhiệt, cứ mong tôi dẫn ra ngoài nhưng hễ tôi nằm xuống là thôi, không còn lay tay nữa", anh Bình rơm rớm.
Chồng ở bên, chị Lan bớt vất vả hơn. Đến giờ ăn, chị đút cơm cho con, anh chơi cùng đứa còn lại. Luân phiên như thế, mỗi bữa kéo dài từ một tiếng đến một tiếng rưỡi.
Với Hoa, người mẹ kiên nhẫn nhá từng miếng cơm đút cho em. Cô bé 7 tuổi chỉ biết đạp chân xuống giường đòi ăn khi mẹ không đút kịp.
Tiến khá hơn khi đã biết ăn cơm hột mẹ đút. Cho hai con ăn no, hai vợ chồng chị Lan mới mang hộp cơm còn lại ra ăn.
Từ hôm đến ở nhà khách, gia đình chị Lan được phát 14 phiếu ăn cơm miễn phí ở căng tin bệnh viện. Cứ trưa và tối hàng ngày, chị lại mang phiếu đi lấy cơm cho cả nhà. Bình thường, chị lấy hai suất cho 4 người ăn, hôm nào đói quá mới lấy 3 suất.
Trước mắt, họ vẫn ở tạm trong nhà lưu trú của bệnh viện rồi tính tiếp. Đợt trị liệu cũng gần kết thúc.
Chị Lan nói thêm ngày 17/10 tới là 100 ngày của Minh. Anh chị cố gắng làm bữa cơm mời anh em họ hàng, dẫu sao cũng là một kiếp người.
Nghĩ về tương lai, anh Bình trầm ngâm, có lẽ sang đợt mới, vợ chồng anh sẽ tìm thuê một nhà trọ gần bệnh viện với tiền thuê vừa phải, vì tình trạng của hai đứa con không thích hợp để ở tập thể trong nhà lưu trú.
Anh lại ở quê làm lụng, kiếm tiền cáng đáng gia đình. Người cha nghèo không nghĩ đến chuyện rời quê lên thành phố. Anh nghĩ nếu cả gia đình rời nhà, lang thang, tồn tại, họ đâu còn chốn mong mỏi trở về sau mỗi lần trị liệu. Anh ở lại, ít nhất căn nhà còn chút hơi người.
"Trước mắt, tôi chưa nhìn thấy điểm sáng. Tiến với Hoa chỉ được đánh giá ở mức 30-40%. Tôi chỉ cầu mong cho con cái đi tập luyện cố gắng, khôn ngoan hơn. Sau này, cũng chẳng được nhờ các bạn ấy đâu nhưng cứ cố gắng, có điểm tựa cho gia đình đỡ buồn", anh Bình nói về những ngày sắp tới.
Theo Zing