Di chúc viết tay của người cha giàu có

Tháng 6/2024, một vụ tranh chấp tài sản đã được Tòa án Nhân dân quận Huệ Thành, Thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) xét xử. Nguyên nhân xuất phát từ ông Chu, một doanh nhân giàu có, qua đời vào tháng 6/2023.

Nguyên đơn là Chu Mậu Bác (con gái ngoài giá thú của ông Chu) và mẹ cô là bà Hoàng. Bị cáo là Chu Mậu Huệ (con gái trong giá thú của ông Chu).

Tại tòa, phía bà Hoàng đã xuất trình một bản di chúc viết tay của ông Chu vào năm 2021. Trong di chúc có ghi: “Sau khi tôi mất, toàn bộ tài sản của tôi sẽ do Hoàng Mỗ và con gái Chu Mậu Bác kế thừa”.

Bà Hoàng mong muốn tòa án phán quyết toàn bộ tài sản của ông Chu thuộc về mình. Trong khi đó, Chu Mậu Huệ cho rằng phần tài sản chung của cha mẹ cô, do mẹ cô mất trước nên cô được hưởng toàn bộ phần này. Phần tài sản còn lại, cô nên được thừa kế 80%, Chu Mậu Bác thừa kế 20%.

Cô cũng tiết lộ thêm cha đã ngoại tình trong thời gian còn chung sống hợp pháp với mẹ, và sinh ra Chu Mậu Bác vào năm 2004. Mẹ cô bị sốc dẫn đến bệnh tâm thần. Vài năm sau đó, cô đã đón mẹ về chăm sóc nhưng sau đó ông quay lại cưỡng ép đưa bà đi.

Cha cô đã đưa người vợ chính thức của mình đến ở trong một căn nhà thuê, có người giúp việc chăm sóc, còn ông ta thì sống cùng người tình và con gái ngoài giá thú trong một căn biệt thự.

Trước khi mất, bố viết di chúc cho nhân tình và con riêng tài sản, con gái đòi lại: Tiền là của mẹ tôi-1

Chu Mậu Huệ cho biết thêm sau khi mẹ cô qua đời, cô và cha đã xảy ra tranh chấp về tài sản thừa kế của mẹ. Cô đã khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản. Tòa án xác định tài sản của mẹ Chu Mậu Huệ do hai cha con cô thừa kế, cha cô được 60% và cô được 40%.

Ông Chu không đồng ý với phán quyết này và đã kháng cáo, nhưng trong quá trình xét xử, ông đã qua đời. Người kháng cáo được đổi thành Chu Mậu Bác (con gái ngoài giá thú). 

Tòa án bác bỏ tư cách thừa kế của người tình

Chu Mậu Huệ tố cáo cha cô bạo hành, ngược đãi mẹ cô. Ông cũng ngoại tình và có con riêng trong thời gian hôn nhân. Bản ảnh di chúc mà gái Chu Mậu Bác đưa ra là một tờ giấy cũ, viết tay. Trong đó, chữ “thừa kế” có dấu hiệu bị sửa. Dẫu vậy, tòa án xác định di chúc này thể hiện đúng ý nguyện của ông Chu. 

Về việc phân chia tài sản, tòa án lập luận, Bộ luật Dân sự quy định con ngoài giá thú được hưởng quyền bình đẳng với con trong giá thú. Theo ý nguyện trong di chúc của ông Chu, Chu Mậu Bác được chia 50% tài sản.

Tuy nhiên, “việc bà Hoàng trở thành người được hưởng di sản trong di chúc có liên quan mật thiết và không thể tách rời với Chu Mậu Bác (con gái ngoài giá thú), điều này vi phạm thuần phong mỹ tục”. Tòa án quyết định phần di sản này sẽ được phân chia theo luật định.

Căn cứ vào nghĩa vụ phụng dưỡng, Chu Mậu Bác được thừa kế 60% phần này, Chu Mậu Huệ được thừa kế 40%. Như vậy, Chu Mậu Bác được thừa kế 80% di sản của ông Chu, Chu Mậu Huệ chỉ được thừa kế 20%.

Cả hai bên đều không hài lòng với phán quyết này và đều kháng cáo. Trong bản án phúc thẩm, có thể thấy hai bên đã tranh luận rất nhiều về tính hợp lệ của di chúc.

Trước khi mất, bố viết di chúc cho nhân tình và con riêng tài sản, con gái đòi lại: Tiền là của mẹ tôi-2

"Tài sản của mẹ tôi lại rơi vào tay kẻ đã làm bà tổn thương"

Phía bà Hoàng cho rằng Bộ luật Dân sự phần thừa kế có quy định chi tiết về hiệu lực của di chúc tự viết. Vụ án này là tranh chấp thừa kế, không nên áp dụng nguyên tắc thuần phong mỹ tục trong các vụ án hôn nhân. Khi ông Chu viết di chúc, vợ ông đã mất, ông đang trong tình trạng độc thân, không có hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục.

Phía Chu Mậu Huệ cho rằng di chúc của ông Chu vi phạm nguyên tắc thuần phong mỹ tục, nên bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ. Việc ông Chu ngoại tình với bà Hoàng, sống chung hàng chục năm và có con gái là vi phạm các giá trị cơ bản của xã hội và quan niệm đạo đức, cần bị lên án. Chu Mậu Huệ cũng đề cập đến việc di chúc được viết trên giấy nháp, có nhiều lỗi và điểm bất thường, nên nghi ngờ tính xác thực.

Các chuyên gia trong ngành luật của Trung Quốc cũng cho rằng việc bảo vệ con ngoài giá thú phải dựa trên nguyên tắc “bình đẳng”. Bản án sơ thẩm có sự thiên vị đối với con gái ngoài giá thú, đi ngược lại mục đích lập pháp.

Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của cả hai bên, cho rằng tòa án sơ thẩm đã xác định đúng sự thật và xử lý đúng, giữ nguyên bản án.

Chu Mậu Huệ chia sẻ với báo chí khẳng định cô không thể chấp nhận kết quả phán quyết này. Hành vi sống chung với người khác khi chưa ly hôn của cha cô là sai trái, tòa án cũng thừa nhận lỗi của ông.

Nhưng kết quả phán quyết hiện tại khiến phần tài sản thuộc về mẹ cô lại rơi vào tay người phụ nữ khác. Chu Mậu Huệ cũng cho rằng việc cha cô ngoại tình đã khiến mẹ cô gặp vấn đề tâm lý, không có khả năng lập di chúc, quyền lợi của mẹ cô không được bảo vệ.

Theo Người đưa tin