Đưa hình ảnh của trẻ lên mạng có thể bị kiện ra tòa

Bắt đầu từ hôm nay (1/6), việc tiết lộ thông tin cá nhân trẻ em như: tung clip, hình ảnh, kết quả học tập của trẻ em lên mạng xã hội... đều là những hành vi pháp luật nghiêm cấm. Điều này căn cứ vào Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc hội.

Theo đó, những cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ có thể bị khởi kiện.
 


Đăng ảnh trẻ lên mạng cần có sự cho phép của bố mẹ hoặc người giám hộ.
 

Các chuyên gia về bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, việc tự ý chụp ảnh, hay quay clip trẻ em đăng lên mạng xã hội có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được.

Khi đăng tải hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội cần tính tới nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại, bị bắt cóc, bị xâm hại quyền riêng tư.

Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ.

Cũng bắt đầu từ tháng 6, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông phòng ngừa, xử lý những hành vi đưa sai sự thật, những hành vi xâm phạm đời tư, những thông tin nói xấu... xâm hại trẻ em trên môi trường internet.
 


Chính sách liên quan đến trẻ em có hiệu lực từ tháng 6.

 

Nghiêm cấm bán rượu, bia; cho trẻ sử dụng các chất kích thích

Một trong những chính sách quan trọng khác có hiệu lực từ 1/6 là nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác,...

Theo đó, trẻ em có các quyền được pháp luật bảo đảm và bảo vệ như: quyền sống; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục,....
 


Việc bán rượu, bia và các chất kích thích cho trẻ là việc làm vi phạm pháp luật.
 

Ngoài ra, việc đánh tráo, tước đoạt quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; bóc lột sức lao động của trẻ em,... cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh giá viện phí với các trường hợp không có bảo hiểm y tế

Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 1/6/2017 quy định 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.



Giá viện phí mới được điều chỉnh ở khung tối đa với một số dịch vụ.
 

Giá tối đa dịch vụ khám bệnh (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. 

Hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp tăng nhiều lần so với quy định tại Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC.

Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô, xe máy

Chính sách quan trọng khác có hiệu lực từ ngày 5/6 là việc Chính phủ chính thức bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy, môtô.



Từ 5/6, xe máy và mô tô sẽ không bị thu phí sử dụng đường bộ
 

Theo đó, phí sử dụng đường bộ sẽ chỉ còn được thu hàng năm trên các đầu phương tiện: ôtô, máy kéo; rơ-moóc, sơmi-rơmoóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với ôtô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
 


Tuyết Hoàng (tổng hợp) - Clip: Luyên
Theo Vietnamnet