Tử Cấm Thành có 70 giếng nước nhưng không ai dám uống

Những chiếc giếng ở Tử Cấm Thành ban đầu được đào để cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt nhưng sau đó nhanh chóng bị "thất sủng".

Tử Cấm Thành hay còn được gọi là Cố Cung, là hoàng cung vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Đây là nơi ở của vua, dàn hậu cung cùng các cung nữ, thái giám. Trải qua sự cai trị của 24 vị hoàng đế, Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước, phân bố chủ yếu tại các đại điện và hai phía Đông, Tây trong và ngoài hoàng cung.

Thế nhưng, kỳ lạ ở chỗ, những chiếc giếng này chỉ thực sự được sử dụng vào thời gian đầu cung điện đi vào hoạt động. Khoảng 500 năm cuối cùng của thời đại phong kiến, các chuyên gia sử học đều cho rằng người trong cung tuyệt nhiên không còn dám dùng nước giếng Tử Cấm Thành nữa.

Tử Cấm Thành có 70 giếng nước nhưng không ai dám uống-1
Hình ảnh giếng nước ở Tử Cấm Thành xuất hiện nhiều trong các bộ phim cổ trang.

Theo sử sách ghi chép, nước giếng không được sử dụng để uống vì lý do an toàn tính mạng. Nếu có người ác ý hạ độc vào một miệng giếng này thì rất có thể cả hệ thống cũng bị nhiễm độc bởi vì chúng được nối thông nhau. Các giếng này cũng nối thông với sông Ngự bên ngoài thành.

Ở thời phong kiến, các phi tần, mỹ nữ dùng mọi thủ đoạn để tranh sủng. Bộ phim Long Môn Phi Pháp cũng có phân cảnh đề cập đến vấn đề này. Theo đó, Trương Hinh Dư thủ vai Vạn Quý phi - sủng phi của Minh Hiển Tông đã hạ độc xuống giếng để bảo toàn địa vị của mình trong cung. Những vị phi tần trong hậu cung đã uống phải nước giếng, sau đó người thì vô sinh, người đang mang thai bỗng nhiên bị sảy.

Tử Cấm Thành có 70 giếng nước nhưng không ai dám uống-2
Nhân vật Vạn quý phi trong Long Môn Phi Pháp do Trương Hinh Dư thủ vai.

Bên cạnh đó, theo hồi tưởng của một thái giám cuối thời nhà Thanh, miệng giếng trong cung từng là nơi kết thúc sinh mệnh của vô số cung nữ.

Nếu sở hữu vóc dáng đẹp, dung nhan thanh tú và may mắn, một vài cung nữ có thể được hoàng đế ân sủng, thậm chí còn đổi đời nếu mang thai. Tuy nhiên, cơ hội ấy quả thực quá đỗi mong manh.

Do đó, đại đa số các cung nữ đều làm công việc tạp dịch vất vả, thường xuyên bị tần phi trách mắng, bị nữ quan chèn ép. Có không ít người vì không chịu nổi đã tìm cách trốn ra ngoài, một số khác thì quá bế tắc mà nhảy giếng tự vẫn.

Các miệng giếng trong hoàng cung không chỉ là nơi kết liễu sinh mạng của cung nữ, mà còn là chốn cho các phi tần bị thất sủng gieo mình xuống để chấm dứt một phận đời bạc bẽo.

Hình ảnh giếng nước trong Tử Cấm Thành xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Nguyên nhân giếng nước không được dùng cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trong cung cũng phần nào được lý giải qua một số tình tiết trên phim.

Phim Diên Hy Công Lược dù có nhiều điểm mới mẻ nhưng vẫn không quên kèm theo những chi tiết "kinh điển" của dòng phim cung đấu, như phi tần bức hại lẫn nhau, lãnh cung cô quạnh cho kẻ bị thất sủng.

Trong đó, một hình ảnh chỉ thoáng qua nhưng khơi gợi cho khán giả nhiều liên tưởng - chính là những miệng giếng trong Tử Cấm Thành. Trên thực tế, đây cũng là nơi các phi tần, cung nữ bất hạnh phải "nằm xuống" mãi mãi.

Một giả thuyết khác về việc nhiều người sợ uống nước trong các giếng ở Tử Cấm Thành liên quan đến câu chuyện "giếng Trân Phi".

Theo sử sách, giếng Trân phi ấy chính là nơi mà sủng phi của vua Quang Tự bị Từ Hy Thái hậu hại chết. Cái chết của bà không chỉ gây tranh cãi rất lớn trong giới sử gia, mà còn làm chấn động cả triều đình nhà Thanh khi đó.

Chính vì vậy mà khi xác Trân phi được vớt lên sau 1 năm bị sát hại, người ta đã lấy tên bà để đặt cho cái giếng này, như một bằng chứng về sự độc ác của Từ Hy cùng sự nhục nhã của nhà Thanh khi bị người nước ngoài tấn công đến tận kinh thành và phải tháo chạy.

Bộ phim Thần Y Hỷ Lai Lạc Truyền Kỳ cũng đề cập đến bi kịch tình yêu giữa hoàng đế Quang Tự và Trân phi dưới triều Mãn Thanh. Phân cảnh từ tập đầu bộ phim diễn ra cuộc tranh cãi giữa Từ Hy thái hậu và Trân phi.

Theo đó, Từ Hy muốn sủng phi của vua Quang Tự nhảy xuống giếng nhưng nàng kiên quyết không chịu. Cuối cùng, thái hậu Từ Hy sai thái giám nhấc nàng thả xuống giếng.

Trước khi Trân phi bị sát hại vẫn cãi lý với Từ Hy, nói rằng mình không đáng phải chết, chỉ có hoàng đế mới có quyền xử phạt nàng. Kết quả càng khiến Từ Hy giận dữ và quyết tâm phải loại bỏ người con gái ngang ngược này.

Tử Cấm Thành có 70 giếng nước nhưng không ai dám uống-3
Nước giếng trong Tử Cấm Thành được sử dụng để chữa cháy.

Mặc dù không dùng làm nước uống nhưng 70 chiếc giếng trong Tử Cấm Thành vẫn rất hữu ích trong việc chữa cháy. Thời bấy giờ, các cung điện được xây dựng bằng gỗ quý rất nhiều.

Vậy nên mỗi khi bị sét đánh hoặc có bất cẩn nhỏ, hỏa hoạn rất dễ xảy ra. Khi có cháy, người trong cung đều múc nước từ các giếng xung quanh để ứng cứu kịp thời. Số lượng miệng giếng nằm rải rác dày đặc khắp cung đã góp phần chữa cháy rất hiệu quả.

Theo Dân Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://danviet.vn/tu-cam-thanh-co-70-gieng-nuoc-nhung-khong-ai-dam-uong-ly-do-day-bi-an-5020223301611519.htm

phim trung quốc phim cổ trang

Tin tức mới nhất