Mới đây, dư luận không khỏi xôn xao khi Công an Hà Nội phát hiện hơn 1.000 xác thai nhi trong chiếc tủ lạnh tại một căn nhà trọ.
Sau những bàng hoàng, nghi ngại lúc ban đầu, người dân rồi cũng hiểu và thông cảm hơn khi biết đây thực chất là việc làm thiện nguyện của các tình nguyện viên trẻ tuổi. Các bé sau khi được đưa về từ những nơi chúng bị vứt bỏ, được bảo quản tạm thời để đưa về nơi chôn cất.
Cuộc chiến giành lại "quyền được sống"
Cũng từ đây, qua khai thác các nguồn tin, chúng tôi được biết, công việc của các tình nguyện viên này không chỉ đơn thuần đi lượm xác thai nhi. Trên thực tế, đã có không ít những em bé vô tội may mắn được họ "giải cứu", đưa đến các bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa.
Một trong số những bệnh viện này có Bệnh viện Nhi TW.
Chúng tôi đến thăm Khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện vào những ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt tột đỉnh. Khá bất ngờ, chúng tôi chứng kiến tận mắt những đứa trẻ chưa đầy tuổi, hoặc chỉ mới vài tháng, được các nhân viên y tế tại đây chăm sóc chu đáo trong phòng điều hòa mát mẻ.
Chúng thực sự may mắn hơn rất nhiều những đứa trẻ không có cơ hội được làm người.
Chỉ riêng trong năm vừa qua, có tới hơn chục đứa bé được các nhóm tình nguyện viên đưa đến đây cấp cứu trong tình trạng sức khỏe "ngàn cân treo sợi tóc". Bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà - Phó trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi TW cho biết, nhiều bé tưởng như đã không còn cơ hội sống sót, nhưng vẫn được cứu sống bằng tình thương, trách nhiệm và chuyên môn của các y bác sĩ.
Như một phép màu, các bé được "tái sinh" dù trước đó đã bị tước đi cơ hội làm người bởi chính những người sinh ra chúng, bằng cách này hay cách khác.
"Những cô tiên áo xanh"
Cách đây vài tháng, 3 cháu bé sau một thời gian được chăm sóc tại khoa đã ổn định sức khỏe đã được bệnh viện lo thủ tục bàn giao cho Trung tâm bảo trợ. Hiện tại, Khoa Hồi sức sơ sinh còn chăm sóc cho 5 bé khác, lớn nhất 1 tuổi, bé nhất mới 3 tháng.
Trong số này, có một bé trai chỉ còn ít ngày nữa là đón sinh nhật đầu đời (30/6). Từ một "đứa trẻ nhặt" được trong tình trạng thoi thóp, hơi thở yếu ớt, bé nay đã hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh qua bàn tay chăm sóc của các nhân viên y tế suốt 1 năm qua. Bé nhanh nhẹn, ánh mắt sáng lên vẻ lanh lợi.
Các bé còn lại cũng có cùng tình trạng ban đầu yếu ớt, mình đầy vết bầm, thậm chí vết côn trùng "cắn xé", nay cũng đã khỏe mạnh. Ăn tốt, ngủ khỏe. Duy nhất một bé bị bệnh não úng thủy, nhưng cũng rất ngoan, tiến triển tốt.
Ấy là niềm vui của "những cô tiên áo xanh".
Hơi ấm của mẹ là thứ thiếu thốn duy nhất
Điều dưỡng Nguyễn Thúy Hà cho biết, việc chăm sóc các bé mỗi ngày được cả khoa phân công, thay phiên nhau. Sữa, cháo, quần áo và đồ chơi đã có Phòng Công tác xã hội lo, không thiếu.
Thứ thiếu thốn duy nhất, đó là hơi ấm của mẹ. Đổi lại, là hơi ấm của tình người, từ các y bác sĩ luôn túc trực chăm sóc một cách chu đáo. Các bé được đối xử như con ruột của họ.
"Các bé chỉ thiếu hơi ấm của người mẹ thực sự. Ở đây các cô cũng có con nhỏ, gia đình cho các bé ăn gì thì cũng đem thứ đó đến bệnh viện cho các bé. Mỗi lần cho các bé ăn thì hay lắm, ăn ngoan, mắt chúng lúng liếng, chúng nhìn các cô như mẹ… trông đáng yêu vô cùng", chị Hà tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, đôi lúc mắt chị Hà như ướt đi. Chúng tôi cảm nhận được trong ánh mắt ấy đong đầy sự yêu thương, một thứ tình cảm khó có thể diễn tả bằng lời. Chúng, những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng không chỉ được sinh ra một lần nữa ở đây, mà còn được cảm nhận hơi ấm tình thân thực sự, chân thành.
Trời Hà Nội vẫn oi bức, nhưng Khoa Hồi sức sơ sinh vẫn mát mẻ bởi gió điều hòa, bởi trái tim của "những cô tiên áo xanh" ấm nóng, ánh mắt những đứa trẻ sáng lên hi vọng.
Theo Nhịp sống Việt