Tranh cãi nuôi 19 con chó ở chung cư
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao chuyện người phụ nữ nuôi 19 con chó bị đuổi khỏi một căn hộ chung cư ở quận 7 (TPHCM). Người này tên N.P., 35 tuổi, cho biết trong ba tháng qua chị sinh sống trong căn hộ theo hợp đồng thuê qua môi giới.
Chủ căn hộ phản ánh việc N.P. nuôi chó gây ồn ào, ảnh hưởng đến các hộ gia đình khác. Sau nhiều lần thương thảo không thành, chủ hộ không muốn cho chị tiếp tục thuê nhà nên chấm dứt hợp đồng.
Sau 4 buổi làm việc, Ban quản lý (BQL) yêu cầu chị P. viết cam kết di dời thú cưng, kết thúc hợp đồng thuê nhà vào ngày 19/2.
Tuy nhiên, đến hạn di dời, người phụ nữ đã không thực hiện theo cam kết. Lúc này, chị lại xin gia hạn thời gian di dời đến ngày 30/3, đồng thời viết cam kết: "Tôi sẽ kiểm soát tiếng ồn thú cưng sau 22h, nếu vi phạm BQL có quyền cắt nước sinh hoạt mà không cần báo trước".
Theo BQL, mặc dù đã ký cam kết nhưng chị N.P. vẫn không thể kiểm soát tiếng ồn của đàn chó, cũng không chịu di dời chúng. Trước tình thế này, họ buộc phải cắt nước tại căn hộ chị đang thuê.
Đàn chó 19 con của N.P. đã được chuyển đến một cơ sở thú y ở quận 2 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Câu chuyện của chị N.P. đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Đa số ý kiến đồng tình với cách làm của BQL, đề nghị người phụ nữ di dời đàn chó để tránh ảnh hưởng cuộc sống của các cư dân khác.
"Sống phải có ý thức tập thể. Nuôi một con chó đã gây phiền hà cho những người xung quanh rồi, đây lại tận 19 con.
Đàn chó đua nhau sủa cả ngày đêm, rồi mùi hôi hám khắp chung cư ai chịu nổi. Chủ hộ đuổi đi là đúng thôi, muốn nuôi thì tìm khu xa dân cư mà nuôi", độc giả Khánh Huy bình luận.
"Đuổi là phải, 19 con chó sẽ gây không ít phiền toái, nếu ở nhà mặt đất cũng ảnh hưởng hàng xóm chứ không nói chung cư. Ngoài tiếng chó sủa, phóng uế (dù được dọn thì vẫn rất nặng mùi), lông chó phát tán sẽ mang theo nhiều bệnh", độc giả Nguyễn Văn Tạo nêu quan điểm.
"Tôi cũng thích chó nhưng nhốt 19 con trong chung cư thì thật kinh khủng, việc vệ sinh chắc chắn không đảm bảo, Chung cư vốn đã chật chội về không gian sống, người dân đi làm về cần được yên tĩnh và nghỉ ngơi, không khí thoáng đãng và trong lành", người dùng Quang Huy viết.
"Đừng mang một đàn chó về sống cùng làm ảnh hưởng cả tòa nhà. Bạn thể hiện là người yêu động vật, nhưng nuôi 19 con chó thì là nhẫn tâm với những người sống xung quanh", Vũ Thanh bình luận.
Thú cưng "đi nhà trẻ" tại một cơ sở ở quận Tây Hồ (Hà Nội) (Ảnh: Minh Nhân).
"Cuộc chiến" nuôi chó, mèo ở chung cư
Thảo Linh (30 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thừa nhận bản thân "nghiện" nuôi thú cưng quá mức. Hiện cô chăm sóc 4 con chó và mèo, mỗi tháng chi khoảng 10 triệu đồng gồm thức ăn, chăm sóc và vệ sinh, nhưng vẫn cảm thấy "chưa đủ".
"Thu nhập tốt giúp tôi không gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, nhưng phải rất kiềm chế để không mua thêm con nào nữa", Linh nói.
Mấy tháng trước, chung cư nơi Linh sinh sống nổ ra "cuộc chiến" nuôi thú cưng khi chủ một căn hộ để chó không xích, không rọ mõm chạy khắp hành lang, phóng uế bừa bãi.
Các cư dân cùng tầng đã hai lần làm đơn đề nghị gửi BQL, Ban quản trị (BQT) chung cư phản ánh tình trạng này. Họ cho biết gia đình có trẻ nhỏ sợ chó và bản thân cũng ám ảnh về chó.
"Tôi yêu cầu BQL và tổ dân phố giải quyết vấn đề này một cách triệt để, không chấp nhận tình trạng này kéo dài mãi. Tổ bảo vệ đã mời chủ nhà xuống làm việc, nhưng họ không hợp tác", một cư dân bức xúc lên tiếng.
Nhiều cư dân có xu hướng nuôi nhiều thú cưng trong chung cư (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
BQL tòa nhà cho biết đã phối hợp BQT, tổ dân phố lên tận nhà làm việc, nhưng chủ căn hộ không hợp tác. Với mong muốn cư dân tòa nhà được đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh chung, họ đề nghị cư dân tuân thủ nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư.
"Chính sự không hợp tác của một số căn hộ đã làm ảnh hưởng đến những người nuôi thú cưng nghiêm túc như tôi", Linh nói.
Cô gái cho biết chưa bao giờ nhận được lời phàn nàn nào từ hàng xóm vì biết cách nuôi thú cưng một cách văn minh và có trách nhiệm khi sống trong môi trường tập thể.
Linh tuân thủ nguyên tắc không thả chó xuống khu vực chung của tòa nhà như vườn hoa, sân chơi… Chó được huấn luyện đi vệ sinh trong nhà, sau đó cô sẽ vệ sinh ngay tránh mùi hôi ảnh hưởng cuộc sống của chính mình và hàng xóm.
Mỗi lần đi dạo, chó đều được rọ mõm, thắt dây an toàn. Linh không quên mang theo túi bóng và giấy vệ sinh, tránh việc thú cưng đi bậy bạ.
Tháng 5 năm ngoái, chung cư nơi anh Nguyễn Trung (31 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sinh sống, xảy ra việc chó thả rông cắn vào tay trẻ nhỏ. Sau khi trích xuất camera, Bộ phận an ninh phát hiện con chó của một căn hộ trong chung cư.
"BQL đã ngay lập tức mở một cuộc họp khẩn giữa các bên để thống nhất cách giải quyết", anh Trung kể.
BQL yêu cầu chủ chó nhốt và theo dõi vật nuôi ít nhất 15 ngày. Nếu chó có biểu hiện bất thường phải báo lại cho bộ phận an ninh, BQL.
Đồng thời, người này cũng phải chịu mọi chi phí tiêm phòng dại cho trẻ nhỏ bị cắn, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi tại căn hộ, đồng thời ký cam kết nuôi chó, mèo theo đúng yêu cầu của tòa nhà.
Anh Trung cho hay từ vấn đề chó thả rông, không rọ mõm ở chung cư gây ra những sự cố đáng tiếc. "Qua sự việc cháu bé bị chó cắn, là một người có con nhỏ, tôi cũng rất lo lắng, kiểm soát chặt mỗi khi cho con xuống sân chung cư", anh nói.
Nhiều người dân phản ánh cho phóng uế trong thang máy, thả rông không rọ mõm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đại diện BQT một chung cư ở quận Hoàng Mai cho biết từ nhiều năm nay họ đã phối hợp BQL, tổ dân phố đến tận các căn hộ nuôi chó, mèo để lấy thông tin, đề nghị cư dân ký cam kết về tiêm phòng dại, thực hiện nội quy của tòa nhà.
"Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận phản ánh của cư dân về tình trạng chó thả rông, phóng uế bừa bãi, đi chung thang máy với người. Chúng tôi đề nghị các trưởng tầng hỗ trợ an ninh tòa nhà nắm bắt các căn hộ đang nuôi chó, mèo", vị đại diện nói.
Bản cam kết yêu cầu liệt kê số lượng thú cưng, giống loài, thông tin tiêm chủng, đồng thời một số quy định như: bắt buộc tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo; lần tiêm gần nhất không quá một năm, có xác nhận của bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề.
Đảm bảo vệ sinh chung của tầng, không gây mùi hôi và gây tiếng ồn ảnh hưởng các căn hộ xung quanh. Khi chó, mèo đi ra ngoài căn hộ, bắt buộc phải rọ mõm và có dây dắt an toàn.
Không để chó, mèo phóng uế tại các khu vực công cộng của tòa nhà như: thang máy, sảnh, hành lang tầng, phòng sinh hoạt cộng đồng, các tầng hầm, sảnh thang máy, bãi cỏ, sân đường...
Chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường theo quy định của luật dân sự khi vật nuôi của mình xâm hại người khác.
"Nếu vi phạm cam kết, chủ vật nuôi sẽ tự nguyện nộp 200.000 đồng/lần vi phạm vào quỹ cư dân. Số tiền này được dùng để phục vụ công tác khắc phục xử lý vi phạm. Nếu vi phạm quá 2 lần, chúng tôi sẽ lập biên bản, cung cấp cho UBND phường tiến hành xử phạt", vị đại diện nói.
Trong khi đó, chung cư của chị Gia Hân (34 tuổi, TPHCM) không cấm nuôi thú cưng. Các cư dân luôn ý thức rọ mõm chó, để mèo trong lồng khi di chuyển bằng thang máy xuống khu vực sinh hoạt chung.
"Tôi nghĩ vấn đề nằm ở ý thức của người nuôi thú cưng. Yêu động vật là tốt, nhưng yêu động vật mà để ảnh hưởng đến mọi người xung quanh mới là xấu.
Không ai ghét bỏ vật nuôi nhưng nếu người chủ không quản lý được, gây ảnh hưởng vệ sinh, tiếng ồn, thì mới tạo ác cảm cho người khác", chị nói.
Pháp luật quy định thế nào về việc nuôi chó, mèo ở chung cư?
Theo Thạc sĩ Võ Thanh Tuyền, Phó Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, người yêu thú cưng sẵn lòng chăm sóc, nuôi dưỡng chó, mèo dù biết sống ở chung cư bất tiện và thiếu không gian.
Dù nhiều chung cư cấm nuôi thú cưng, nhiều người vẫn "lén" nuôi vì tình cảm dành cho chúng vô cùng lớn.
"Nhìn nhận ở góc độ của người trong cuộc, việc sống cùng thú cưng mang lại cho họ cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng hay bớt cô đơn. Đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ đỡ phức tạp hơn nếu người chủ tuân thủ quy định về vệ sinh và an toàn chung, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh", bà Tuyền nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia văn hóa Nguyễn Ánh Hồng nhận định ngày nay người dân nuôi chó, mèo không phải không phải để bắt chuột, giữ nhà mà coi chúng như thành viên trong gia đình, "để đồng hành cùng nhau".
Thạc sĩ Thanh Tuyền cho biết do đặc trưng cấu trúc không gian đô thị và lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu, nên việc nuôi chó, mèo còn gặp nhiều bất cập về vệ sinh, tiếng ồn.
Trong không gian chật hẹp như chung cư, tiếng ồn phát sinh từ thú cưng rất dễ làm người khác khó chịu.
Một chung cư ở quận Hoàng Mai không cho phép nuôi chó, mèo (Ảnh: T.H.).
Đề xuất giải pháp, chuyên gia cho rằng BQL chung cư có thể tìm một căn cứ khác ngoài luật, như khảo sát cư dân và ban hành quy định theo số đông, truyền thông lý do vì sao cấm để người dân hiểu và thông cảm...
Đối với trường hợp cho phép nuôi chó, mèo, để bảo vệ mỹ quan chung, tránh ảnh hưởng cộng đồng, BQL cần có những quy định dành riêng cho cư dân nuôi chó, mèo để hoạt động của vật nuôi tại chung cư không ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
"Lý tưởng nhất là quy định được xây dựng dựa trên các luật liên quan (như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó, mèo…) và lấy ý kiến đóng góp của cư dân đang sống tại chung cư đó", bà Tuyền nói.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết các hành vi chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư "là hành vi bị cấm", theo các quy định chung.
Trong khi đó, văn bản số 176/BXD-QLN ngày 18/01/2021, Bộ Xây dựng trả lời Sở Xây dựng TPHCM khẳng định: "Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm".
"Do đó, pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm nuôi chó, mèo trong chung cư. BQL tòa nhà sẽ có những quy định khác nhau về việc này", luật sư Tiền nói.
Trong khi đó, nhiều chung cư không cấm nuôi thú cưng (Ảnh: Minh Nhân).
Tuy nhiên, pháp luật quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ - CP.
Bên cạnh đó, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng có thể bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng.
Theo ông Tiền, sở dĩ xuất hiện tình trạng tranh cãi nuôi chó, mèo trong chung cư là bởi chưa có quy định chính thức và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm cần bằng chứng thông qua hình ảnh hoặc video, tuy nhiên tâm lý "ngại va chạm" khiến nhiều người sẵn sàng bỏ qua, không báo cáo BQL.
"Nếu chung cư cho phép nuôi thú cưng thì cần yêu cầu người chủ nhốt chúng trong nhà, giữ vệ sinh chung... nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người không nuôi", ông Tiền nói.
Theo Dân Trí