Không ngoa khi nói, mạng xã hội trao quyền lực vào tay đám đông người dùng. Nhờ vào tệp người theo dõi, tính năng chia sẻ, thông tin đưa ra trên mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh và rộng, dễ hình thành tâm lý đám đông hay hiệu ứng đám đông.

Nhìn vào mặt tích cực, điều này có thể giúp những chiến dịch tốt đẹp thành công; những nghĩa cử, thông điệp nhân văn... được lan tỏa rộng rãi; hay đòi lại công bằng cho những nạn nhân yếu thế.

Ở mặt tiêu cực, bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông khi "hóng drama" có thể khiến cư dân mạng đưa ra phán đoán chủ quan, phiến diện, thiếu chính xác dựa trên những thông tin một chiều, sai lệch.

Từ đó, sự giận dữ của đám đông trở thành đòn giáng mạnh tới đối tượng bị công kích, chỉ trích.

Từ vụ Mèo Béo nhảy cầu và thương hiệu mỹ phẩm: Sự thật bị bóp méo do hội chứng đám đông hóng drama-1

Ồn ào bản quyền gần đây của thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc Skin1004 là một bằng chứng cho thấy hiệu ứng đám đông có thể được châm ngòi dễ dàng thế nào.

Khi designer N.Đ.H đăng bài "vu vơ" đặt nghi vấn chuyện nhãn hàng sử dụng thiết kế đã bị loại của mình trong sự kiện chính thức, hàng ngàn người dùng Facebook phẫn nộ tràn vào fanpage của hãng nhằm đòi lại công bằng.

Để rồi sau khi thương hiệu tung thông báo chính thức với thông tin và hình ảnh chi tiết công khai, bức tranh toàn cảnh dần lộ rõ khiến dư luận nhanh chóng đổi chiều.

Tuy nhiên, hiệu ứng đám đông được tạo ra sau bài tố của N.Đ.H đã khiến thương hiệu chịu hệ lụy nhất định.

Hàng ngàn lượt thả phẫn nộ, hàng trăm bình luận, đánh giá tiêu cực không thể thu hồi. Và sau cơn thịnh nộ ghim ấn tượng xấu, không phải ai cũng đọc được thông tin phản hồi đầy đủ.

Từ vụ Mèo Béo nhảy cầu và thương hiệu mỹ phẩm: Sự thật bị bóp méo do hội chứng đám đông hóng drama-2

Hay rầm rộ nhất từ đầu tháng 5 trở lại đây, câu chuyện chàng game thủ 2003 (21 tuổi) Mèo Béo nhảy cầu ở Trùng Khánh, Trung Quốc sau chia tay bạn gái là trường hợp nhắc nhở chúng ta có thể bị thao túng phán đoán, cảm xúc dễ dàng thế nào.

Vụ việc bắt đầu khi những bài đăng của chị gái Mèo Béo viral, những ảnh chụp màn hình đoạn chat được tung ra khiến cư dân mạng nghĩ rằng Mèo Béo bị Đàm Trúc - người yêu hơn 6 tuổi lừa tình lừa tiền, cuối cùng là hủy hôn một cách lạnh lùng tới mức khiến Mèo Béo nghĩ quẩn.

Netizen thương xót tình yêu đơn thuần mà Mèo Béo dành cho bạn gái bao nhiêu thì phẫn nộ với "cô bạn gái đào mỏ" Đàm Trúc bấy nhiêu qua các tình tiết như Mèo Béo tiết kiệm đến mức không dám mua hamburger ăn nhưng sẵn sàng chu cấp và chiều theo mọi vòi vĩnh của người yêu.

Từ vụ Mèo Béo nhảy cầu và thương hiệu mỹ phẩm: Sự thật bị bóp méo do hội chứng đám đông hóng drama-3
Ảnh cắt từ một livestream của chị gái Mèo Béo. Hiện tài khoản Weibo và Douyin của cô đã bị cấm.

Đàm Trúc bị công kích, mạt sát trong thời gian dài; ra sức phân bua nhưng không ai tin. Hiệu ứng đám đông từ câu chuyện của Mèo Béo còn thúc đẩy lượng người ở Trùng Khánh đặt đồ ăn và hoa tới cây cầu anh nhảy xuống như một hình thức tưởng niệm.

Nhưng ngày 19/5, cảnh sát Trùng Khánh công bố kết quả điều tra chính thức, tuyên bố không có chuyện Đàm Trúc "đào mỏ". Cô và Mèo Béo yêu nhau là thật, cũng tan hợp như bao cặp đôi bình thường, có chuyển tiền qua lại, lập tài khoản tiết kiệm chung.

Cảnh sát chỉ ra chị gái của Mèo Béo cố ý thao túng dư luận, dàn dựng đẩy câu chuyện đi xa. Trong hơn nửa tháng, Đàm Trúc - người cũng chịu nỗi đau mất bạn trai đã phải chịu đựng việc bị xâm phạm quyền riêng tư, bạo lực mạng, bị đả kích tinh thần mạnh mẽ.

Từ vụ Mèo Béo nhảy cầu và thương hiệu mỹ phẩm: Sự thật bị bóp méo do hội chứng đám đông hóng drama-4
Hoa và đồ ăn được để lại kín cây cầu mà Mèo Béo nhảy xuống sau khi câu chuyện lên top đầu bảng "hot search" của Weibo.

Trong 2 trường hợp kể trên, "đám đông" giương lá cờ bảo vệ công lý thực chất lại trở thành "vũ khí" bị thao túng, góp phần bóp méo sự thật, lẽ phải.

Có vết thương có thể hồi phục nhưng cũng có những tổn thất để lại vĩnh viễn, trở thành vết đen không thể xóa nhòa hay chấn thương tâm lý lâu dài.

Vì vậy, khi "hóng drama" hay tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi chúng ta cần tỉnh táo xem xét và kiểm chứng nguồn tin có đủ xác tín, đa chiều.

Vì nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Ý kiến của đám đông có thể hình thành ám thị tâm lý khiến ta vô thức mất đi khả năng suy xét mà mặc nhiên tin theo.

Hãy luôn tự nhắc mình, một sự việc tranh cãi cần được xem xét nhiều chiều, đánh giá dựa trên bằng chứng thay vì giả thiết, phán đoán để tránh bị thao túng, dẫn dắt hay bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo.

Theo Tiền Phong