“Loa làng” thời 4.0
Trong khi “hiện tượng Nguyễn Phương Hằng” vừa lắng xuống và những người vi phạm đang bị xử lý hình sự thì mạng xã hội thời gian qua tiếp tục dậy sóng với những màn “bóc phốt” showbiz của Hoa khôi Nam Em.
Cụ thể, người đẹp này liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội, gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz…
Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của Nam Em dù chưa được kiểm chứng nhưng đã gây ồn ào mạng xã hội và tạo ra nhiều thông tin tiêu cực. Ở diễn biến mới nhất, vào ngày 1/3, Sở TT-TT TP.HCM đã quyết định xử phạt hành chính người đẹp này với tổng mức phạt 37,5 triệu đồng.
“Bóc phốt” là từ tiếng lóng được dùng trên mạng xã hội, là hình thức công khai thông tin của cá nhân, tổ chức lên mạng xã hội cho nhiều người cùng biết theo ý kiến chủ quan của một người nào đó, nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân, tổ chức trên cộng đồng mạng.
Khoảng vài năm trở lại đây, khi hình thức livestreams trở nên phổ biến trên mạng xã hội, một số người đã biến trang cá nhân của mình thành “phiên tòa online”, nơi phơi bày và phán xét chuyện đời tư cá nhân của giới nghệ sĩ.
Nhiều hội nhóm trên mạng với lượt theo dõi lớn cũng trở thành nơi “bóc phốt” đời tư của người nổi tiếng. Những hội nhóm này thường đưa thông tin, hình ảnh, chụp màn hình, bình luận để đẩy vấn đề thành cao trào. Từ đó khiến không ít người nổi tiếng nhận những bình luận chửi rủa, xúc phạm danh dự.
Không chỉ giới showbiz, những cuộc “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội cũng trở nên rầm rộ hơn khi chuyện gì người ta cũng có thể đưa lên mạng: từ tranh cãi về quan điểm, cho rằng bị người khác chèn ép, phản ánh chất lượng phục vụ của một dịch vụ nào đó... cho đến những chuyện riêng tư trong yêu đương, mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, anh em họ hàng, bạn bè, hàng xóm… chỉ cần không hài lòng là có thể đưa lên “đấu tố” cho hả cơn giận.
Và dù những thông tin mới chỉ một chiều, chưa kiểm chứng nhưng các bài “tố” này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán bên trong các bài viết cũng tăng liên tục.
Lý giải hiện tượng này, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros) cho rằng những bài viết trên mạng có ngôn từ xấc xược, thậm chí văng tục thường thu hút hơn so với câu chuyện tích cực.
Đặc biệt, các nghệ sĩ thường đưa lên câu chuyện tiêu cực, hình ảnh gợi cảm, phản cảm... để tăng sự tương tác. Hiện nay, nhiều người sống bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền.
Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như công cụ nhằm kiếm chác.
Hoa khôi Nam Em bị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng vì ồn ào livestreams.
Việc bình luận, chửi bới trên mạng đã làm tổn hại không nhỏ tới uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, gây thiệt rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt những bài đăng “bóc phốt” chồng ngoại tình, tiểu tam cướp chồng, ăn cắp ở cửa hàng… kèm theo clip hay hình ảnh nhạy cảm làm bằng chứng luôn là một trong những nội dung được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội.
Sau những bài đăng này, luôn có những người trở thành tội đồ, bị hàng vạn người xâu xé, làm nhục bằng những lời lăng mạ dù sự thực chưa rõ ràng.
Nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng, có nạn nhân đã trở nên trầm cảm, không dám tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Có người quá bức xúc nảy sinh ý định tự tử.
“Những con chữ từ bàn phím rất có thể trở thành vũ khí phá nát cuộc đời, cuộc sống của người khác. Giới trẻ là đối tượng ít có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên MXH bằng ngôn từ, nên chịu tác động tâm lý vô cùng lớn”, ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Mạng xã hội không phải là phiên tòa!
Cũng theo các chuyên gia, việc “bóc phốt” trên mạng xã hội không hoàn toàn là xấu xa, vì qua đó mọi người có thể biết được sự thật về các chiêu trò lừa đảo hoặc lật tẩy những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của một cá nhân, tổ chức. Nhưng phải thực hiện như thế nào cho đúng luật, không vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Nhiều người vẫn nghĩ “mạng là ảo” nên cứ chửi thoải mái, tìm kiếm sự a dua của cộng đồng mạng, thậm chí hả hê tự cho mình quyền trở thành “quan tòa online” mà không hề biết bản thân đang vi phạm pháp luật, hoặc có trường hợp “bóc phốt” người khác nhưng không ngờ bị cộng đồng mạng “phốt” ngược.
Mạng xã hội từng có thời gian "dậy sóng" với câu chuyện một bà mẹ vì con không được nhường ghế trên xe buýt mà chụp hình, đăng bài viết "bóc phốt" một cô gái.
Những tưởng cộng đồng mạng sẽ thấu hiểu, chỉ trích và tìm lại công bằng cho chủ nhân bài viết thì ngược lại, “gạch đá” bất ngờ đổ dồn vào người mẹ kia. Nhiều người đã cho rằng nhường hay không là sự tự nguyện, không phải trách nhiệm và nghĩa vụ của riêng ai.
Một trường hợp khác ở Khánh Hòa, xuất hiện bài đăng tố quán hải sản “chặt chém” với hóa đơn 42,5 triệu đồng, nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trước khi chọn món ăn và chế biến đều được nhân viên nhà hàng tư vấn kỹ, thỏa thuận và khách đồng ý giá trước khi chế biến.
Nghĩa là phản ánh “chặt chém” trên mạng xã hội là sai sự thật, vi phạm pháp luật. Một chủ shop quần áo ở Thanh Hoá bị khởi tố hình sự khi quay video bóc phốt đánh đập, cắt tóc người ăn cắp chân váy tại quán. Hay chủ một quán ăn ở Bắc Ninh bị phạt 12 tháng tù vì bóc phốt và tát khách hàng đồng thời phát trực tiếp trên Facebook.
Nóng hổi nhất là vụ án bà Nguyễn Phương Hằng với mức hình phạt 3 năm tù cho những buổi livestreams thiếu kiểm soát của nữ Chủ tịch công ty cổ phần Đại Nam.
Mạng xã hội nhan nhản các bài đăng “bóc phốt” với nhiều lượt tương tác, chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 6/2023, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 78,59%. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, cũng có một thống kê không mấy vui vẻ từ Microsoft cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng, khi chỉ đứng thứ 5 sau Nga, Colombia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft chỉ ra thực tế rằng, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của người Việt đang rất xấu và độc hại.
Theo đó, để hạn chế tình trạng phải tiếp nhận "rác" trên mạng xã hội như hiện nay, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng người sử dụng mạng phải có ý thức hạn chế nội dung độc, tiêu cực, phải tạo ra một cái "lưới lọc" cho chính bản thân. Trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì, mỗi người, đặc biệt là giới nghệ sĩ, cần phải đặt ra 3 lớp: Thông tin đó có phải sự thật không, có tử tế không và có hữu dụng không.
Theo Tiền Phong