Câu chuyện hàng nhái chưa bao giờ "giảm nhiệt" trong cộng đồng yêu thời trang Việt Nam. Việc Sĩ Thanh mới đây bị "bóc phốt" đập hộp hàng giả, kém chất lượng phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận người xem về các thương hiệu quốc tế.
Không chỉ thế, điều này còn phản ánh vấn nạn sản phẩm fake đang tràn làn trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến nhãn hàng, cũng như cách người đối diện phán xét về sở thích chơi hàng hiệu của các tín đồ thời trang hiện nay. Đặc biệt hơn hết chính là lối "sống ảo" của giới trẻ chỉ để... chứng tỏ đẳng cấp.
Việc Sĩ Thanh xài hàng hiệu chưa rõ nguồn gốc chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện hàng nhái tại Việt Nam.
Zing.vn đã liên hệ các tín đồ hàng hiệu như stylist Hoàng Ku, fashionista Lâm Thúy Nhàn để lắng nghe ý kiến của họ về vấn nạn hàng nhái tràn lan trên thị trường.
Đừng chứng minh đẳng cấp bằng hàng hiệu
Với sự tràn lan hàng nhái trên thị trường ngày nay, fashionista Lâm Thúy Nhàn - tín đồ mê hàng hiệu, chủ thương hiệu thời trang - đưa ra nhận định: "Đối với người không biết gì về sản phẩm hàng hiệu, đơn giản đi đến những khu bày bán thấy đẹp thì mua. Trường hợp này chúng ta không trách ai được.
Còn riêng những người muốn chứng tỏ đẳng cấp bằng đồ hiệu nhưng không muốn, hoặc chưa thể mua hàng thật, trường hợp này tôi cũng không hiểu vì sao phải làm thế. Có bạn nói rằng fake 1 thì cũng giống đồ hiệu sao phải bỏ 2.000 USD trong khi hàng nhái có giá thành chỉ bằng 1/10, hay mua đồ chính hãng đúng giá thật phí phạm. Cá nhân tôi chỉ có một câu hỏi tại sao muốn mọi người nghĩ mình đeo Chanel hay Louis Vuitton trong khi mình không có?".
Lâm Thúy Nhàn là một trong những tín đồ hàng hiệu có tiếng tại Việt Nam.
Cô cũng nói thêm về việc nhiều người sử dụng hàng nhái để chứng tỏ đẳng cấp: "Các bạn thật sự nghĩ đồ fake được người bán cam kết trông giống thật là sẽ như hàng chính hãng? Tại sao các bạn coi rẻ công sức của những thương hiệu thế giới, đến nỗi không nghĩ tới việc để mua một chiếc túi hay bộ quần áo thật mà sắm đồ nhái để chứng minh đẳng cấp. Bạn muốn phô trương bản thân, nhưng không muốn bỏ tiền để mua hàng thật".
Theo Lâm Thuý Nhàn, việc sử dụng hàng nhái gây ảnh hưởng đến thương hiệu không nhiều. Vì từ đầu người mua hàng giả không phải khách hàng mà các nhãn hàng muốn hướng đến.
Nếu giới trẻ trẻ thật sự biết và sử dụng đồ từ các nhà mốt lớn, họ sẽ không bao giờ mua hàng kém chất lượng.
"Bởi cảm giác sử dụng sản phẩm chính hãng quen rồi, khi mang đồ nhái sẽ không tự tin", cô nói.
Dùng đồ fake thể hiện sự thiếu hụt kiến thức
Không chỉ riêng fashionista Lâm Thúy Nhàn, Hoàng Ku - stylist sành sỏi đồ hiệu - cũng có những nhận định về lối sống sử dụng hàng nhái của giới trẻ chỉ để thể hiện đẳng cấp "ảo".
Anh cho biết: "Việc sử dụng đồ fake là thể hiện sự thiếu hụt kiến thức của người tiêu dùng về thời trang và luật pháp. Ở Việt Nam chưa có luật nào xử phạt người dùng hàng nhái, nhưng nếu ở Pháp, một người đi đường kể cả người ngoại quốc, bị nghi ngờ dùng đồ fake kém chất lượng sẽ bị bắt và kiểm tra. Nếu đúng là sử dụng hàng giả mức phạt có thể hơn 300.000 USD hoặc 3 năm tù giam".
Hoàng Ku khẳng định việc sử dụng hàng nhái làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, cũng như gây thiệt hại tới các thương hiệu quốc tế. Vì sản phẩm chính hãng được sản xuất đủ tiêu chuẩn, với các chiến lược kinh doanh và quảng cảo, cũng như mang những giá trị riêng nhất định.
Khi hàng nhái xuất hiện sẽ làm sai lệch giá trị vốn có của nhãn hàng. Việc trà trộn sản phẩm hàng nhái sẽ làm người tiêu dùng đánh giá sai về chất lượng của đồ dùng chính hãng.
Hoàng Ku là tín đồ hàng hiệu đích thực của giới thời trang Việt.
Ngoài lối sống sử dụng hàng nhái của các bạn trẻ, Hoàng Ku cũng nhận định về vấn đề tràn lan hàng nhái trên thị trường Việt Nam: "Nếu trước đây ở Việt Nam, mọi người mua do sự thiếu hiểu biết về thương hiệu, sắm một chiếc túi vì đẹp thì bây giờ họ mua vì nhu cầu muốn sở hữu những sản phẩm giống người khác, hay một thương hiệu nào đó với mức giá hợp túi tiền".
Không sở hữu đồ hiệu vẫn có thể sống ảo
Moon Doãn mới đây gây chú ý khi chính là người tố Sĩ Thanh đập hộp toàn hàng fake. Nữ MC lên tiếng phản đối gay gắt khi người nổi tiếng không thành thật, khiến người xem bị ảnh hưởng.
Cô cũng chia sẻ về bí quyết để những bạn KOLs muốn "sống ảo" bằng video dạng review sản phẩm đồ hiệu nhằm tăng tương tác và nhận tiền quảng cáo từ mạng xã hội mà lại không có quá nhiều tiền để sở hữu túi xách đắt giá.
"Hợp tác ngay với các personal shopper (người mua hàng riêng), reseller (người nhượng lại) để mượn túi, hộp hay hoá đơn để về quay và chia sẻ cảm nhận. Sau khi review sản phẩm các bạn KOLs có thể giới thiệu người xem qua bên các bạn đó để mua đồ. Vậy là cả đôi bên cùng được lợi", Moon Doãn cho hay.
"Xịn hơn nữa, họ có thể quay video đập hộp với hãng. Vì đã lỡ làm nội dung đập túi nhái mà khoe mua với giá chính hãng sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh nhãn hàng", cô nói thêm.
MC Moon Doãn là "tay chơi" hàng hiệu nổi tiếng trong giới thời trang.
Không ai có thể cấm cản việc bạn sử dụng một chiếc túi hàng nhái và chia sẻ với giá chính hãng. Tuy nhiên, điều này phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của người xem cũng như tư duy của các bạn trẻ yêu thời trang.
Ngoài ra, hành động đó còn "tiếp tay" cho những con buôn hàng giả tăng doanh thu, khiến ngành thời trang ngày càng đi xuống và các thương hiệu đi vào lối mòn, dẫn đến câu chuyện phá sản trong tương lai.
Theo Zing