Tuổi thơ uất hận của những đứa trẻ bị gia đình ghẻ lạnh, đánh đập

"Tôi trước đây bị bạo lực bởi chính gia đình của mình. Nhiều hôm bố chẳng nói gì, xông tới tát thẳng vào mặt tôi, mẹ thì thờ ơ chẳng nói gì".

Vô vàn lần muốn… rời xa

Cảnh đòn roi đến chảy máu, giọt nước mắt chảy ngược vào trong là thứ khiến chị G.T. (30 tuổi) không thể thoát khỏi những ký ức về chính gia đình, đặc biệt là bố mẹ mình.

Tuổi thơ uất hận của những đứa trẻ bị gia đình ghẻ lạnh, đánh đập-1
Không ít những người trưởng thành chia sẻ rằng, họ cảm thấy không hạnh phúc và bị bạo lực tinh thần, thể xác khi còn là đứa trẻ (Ảnh minh họa: Internet).

Chị T. kể, trước đây khi còn học tiểu học, chị và em trai thường xuyên cãi nhau. Nhưng câu chuyện dù đúng hay sai, bố mẹ vẫn bênh vực em trai, đổ lỗi cho chị.

"Em tôi là một người rất dễ khóc, không ít lần, em tôi khóc òa lên chẳng vì lí do gì. Bố tôi cứ thế xông thẳng tát tôi một cái. Ông ấy còn bắt tôi nằm xuống đất, rồi cầm móc phơi quần áo đánh vào chân đến mức chảy máu", chị T. nhớ lại.

Mỗi một trận đòn roi, vài người hàng xóm kéo đến xem, mẹ T. vẫn ngồi nhìn không nói câu nào. Đến khi chiếc móc phơi quần áo biến dạng, bố chị mới chịu dừng tay. Những lần như thế, chẳng ai nói với ai câu nào. Bố chị chỉ vứt chai dầu xuống giường, rồi quay vào phòng chơi điện thoại.

Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này.

Còn theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có 74% nạn nhân là nữ, 11% nạn nhân là trẻ em. 

"Di chứng sau mỗi vụ đánh là 1 vết sẹo dài ở chân, khiến tôi không thể nào quên. Buổi sáng hôm sau, tôi phải mang tất dài đi học vì sợ các bạn nhìn thấy. Đến lớp thì bị bạn bè chửi rủa, miệt thị, về nhà lại bị bố mẹ đánh, mắng vô cớ, lúc đó một đứa trẻ như tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử", chị T. bộc bạch.

Đến khi hàng xóm phát hiện vết thương trên người và có gặng hỏi, chị T. cũng chỉ trả lời qua loa do té ngã.

"Tôi bị bạo hành lời nói và hành động rất nhiều, không nơi nào tôi thấy bình yên cả. Những việc này tôi cũng giữ kín trong lòng chứ ít khi kể cho ai nghe. Bây giờ trưởng thành có cuộc sống riêng, tôi mới tạm rời xa 'mái ấm' ấy", chị T. tâm sự.

C.Đ. (17 tuổi) cũng không hạnh phúc trong chính gia đình mình. Anh Đ. kể, bố là người thường xuyên say xỉn, rồi về nhà vô cớ chửi mắng, đánh mẹ và Đ.

Lần gần đây nhất, trong lúc bố uống rượu về nhà rồi gây sự, Đ. đã không nhịn nổi mà phản kháng lại bằng lời nói. "Lúc đó, bố không dừng lại mà còn nổi giận hơn, chạy đến tát vào mặt tôi. Tôi cũng chống trả lại thì được mẹ và anh can ngăn", Đ. nói.

Sau đó, hàng xóm xung quanh có can ngăn nhưng không thành, đến mức Đ. phải gọi điện thoại báo cho địa phương thì sự việc mới dừng lại.

"Bản thân tôi cảm thấy cuộc sống bất công và nhiều lần suy nghĩ tiêu cực. Tôi chỉ 17 tuổi thôi nhưng từ khi sinh ra lại chẳng được hưởng hạnh phúc, chỉ hứng chịu những điều tiêu cực", Đ. tâm sự.

Chị T.N. (32 tuổi, quê tại An Giang) chia sẻ, chị cũng có tuổi thơ không mấy may mắn. Khi còn 14 tuổi, chị từng bị bố dượng nhấn nước đến sắp nghẹt thở. May mắn có người khác can ngăn, chị N. mới có thể sống tiếp.

Thế nhưng, không dừng lại ở đó, bố dượng còn liên tục chửi mắng, đánh đập trong suốt thời gian N. còn ở nhà. Bố dượng và mẹ ruột cũng không ít lần cãi nhau, lớn tiếng. Ngay từ nhỏ, do cuộc sống gia đình khó khăn nên chị N. đã sớm tự lập.

"Nhớ những lần mẹ chở tôi bằng xe đạp, đi bán trên con đường dài 20 km. Hai mẹ con từng khổ đến mức không có gạo ăn, phải xin nhà nội nhưng bà nội lại không cho", chị T. xúc động, kể lại.

Đến năm 2007, chị quyết định rời quê lên TPHCM lập nghiệp. Đi từ hai bàn tay trắng, chị N. không ít lần làm việc đến kiệt sức, phải nằm viện. Nhưng đối với chị N. sự vất vả ấy đôi lúc còn sung sướng hơn quá khứ cơ cực kia, bởi chị có thể cầm trên tay đồng tiền mình làm ra.

Tuy đến nay, mối quan hệ giữa chị và bố dượng vẫn không tốt đẹp hơn mấy, chị vẫn mặc định cho qua. Có cuộc sống ổn định, chị N. có gia đình riêng, có tiền xây được nhà cho mẹ và bố dượng ở quê. Song, vết sẹo tinh thần ấy vẫn day dứt chị N. hàng đêm.

Vết sẹo tinh thần khó phai 

Th.S Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui - chuyên gia tâm lý tại TPHCM - cho rằng, có không ít trường hợp nạn nhân chọn cách im lặng, không chia sẻ bạo lực gia đình với người khác. Nguyên nhân đến từ văn hóa "tốt khoe - xấu che". Nạn nhân phổ biến như người làm vợ, con cái có thể nghĩ rằng bản thân không nên hay không được chia sẻ.

"Mặc dù nạn nhân ý thức được hành vi, đối tượng gây ra bạo lực gia đình, nhưng họ sợ nói ra sẽ gặp những sự cố, lời đàm tiếu từ mọi người. Họ không nỡ làm điều đó", vị này cho hay.

Tuổi thơ uất hận của những đứa trẻ bị gia đình ghẻ lạnh, đánh đập-2
Phần lớn những người chịu cảnh bạo lực gia đình, đều chọn cách im lặng bởi cảm thấy khó chia sẻ với người khác (Ảnh minh họa: Internet).

Tổn thương của bạo lực gia đình sẽ là nút thắt cho cả cuộc đời. Đứa trẻ ấy có thể sẽ trở nên sợ hãi trước sự tức giận của người khác, mặc định họ sẽ đánh mình và được quyền tổn thương bản thân. Điều này khiến đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở nên nhút nhát, không dám đối diện với nhiều vấn đề.

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam), bạo lực gia đình đang là vấn nạn, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19.

Sau đại dịch, thành viên trong gia đình chịu nhiều áp lực trong công việc, tài chính, an sinh dẫn đến sự tương tác trong gia đình ít hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn trong gia đình. Người sống trong gia đình có bạo lực, bầu không khí sẽ rất lo lắng, bất an. 

Tuổi thơ uất hận của những đứa trẻ bị gia đình ghẻ lạnh, đánh đập-3
Lần gần đây nhất, sự việc bé trai 2 tuổi bị bố ruột bạo hành, mẹ thờ ơ khiến nhiều người xót xa (Ảnh: CACC).

Ngoài những tổn thương về thể chất do bạo lực thể xác, còn những hành vi không đo đếm được là hệ quả của bạo lực tinh thần gồm căng thẳng, lo âu, trầm cảm,… Trong đó, có những người muốn thoát khỏi bạo lực gia đình bằng cách tự hủy hoại bản thân, thậm chí là cái chết.

"Những đứa trẻ chứng kiến bạo lực gia đình sẽ chịu nhiều hệ lụy dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các em có thể bị sang chấn, tham gia vào các hành vi nguy cơ để giải tỏa những đau khổ trong gia đình khi chứng kiến bố mẹ tranh cãi", ông Nam nói.

Từ đó, vị chuyên gia khẳng định bạo lực gia đình là vi phạm đến quyền con người một cách nghiêm trọng, trong đó có quyền của cả trẻ em.

"Những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng như đứa trẻ chứng kiến cái chết của một thành viên trong gia đình do bạo lực sẽ khiến chúng trải qua sang chấn quá lớn. Sau này, khi đã qua tuổi dậy thì, lập gia đình rồi thì những hình ảnh ấy vẫn còn 'tải' lại trong đầu. Đối với những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, đến khi lập gia đình vẫn còn ám ảnh, không thể yêu người khác giới được", ông Nam chia sẻ.

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ sống trong cảnh bạo lực gia đình có thể trở thành người giống như vậy, vì đã tập nhiễm mô hình bạo lực từ các thành viên.

Đặc biệt, những đứa trẻ là nạn nhân hoặc chứng kiến bạo lực gia đình, về sau rất dễ đổ vỡ trong hôn nhân. "An toàn trong gia đình không chỉ là yếu tố bảo vệ tinh thần mà còn bảo vệ tương lai của đứa trẻ và chính gia đình của chúng sau này", vị chuyên gia khẳng định.

* Kí tự tên nhân vật đã được thay đổi.

Điều 3 Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

1.Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

- Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Bỏ mặc, không quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc;

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

- Ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc các hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

- Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực;

- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; 

- Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình tại chỗ ở hợp pháp;

- Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.

2.Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/an-sinh/tuoi-tho-day-uat-han-cua-nhung-dua-tre-bi-gia-dinh-ghe-lanh-danh-dap-20230424105927821.htm?fbclid=IwAR17jOdygfT8grxVqQ_RIeLVW42ndbL8t3tvJLIwkq3WtxFFn8Xym8hWbKk

bạo lực trẻ em bạo lực gia đình

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao