Theo Stuff, đây là bức tượng đồng mới khánh thành ở thị trấn Sapri của Italy.
Ý tưởng của bức tượng là tưởng nhớ bài thơ La Spigolatrice di Sapri của nhà thơ Luigi Mercantini. Bài thơ này viết từ năm 1857 và được đưa vào chương trình giảng dạy tại nhiều trường ở Italy.
Nội dung trong La Spigolatrice di Sapri nói về một phụ nữ chuyên thu gom ngũ cốc sót lại trên cánh đồng. Bà đã lên đường tham gia cuộc thám hiểm đầy trắc trở của nhà cách mạng Carlo Pisacane.
Bức tượng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Laura Boldrini.
Tuy nhiên, cách thể hiện bức tượng đã khiến nó bị nhiều chính trị gia chỉ trích. Phần váy của bức tượng được chế tác nhìn như trong suốt. Với nhiều người, cách thể hiện này thực sự phản cảm và đang xúc phạm phụ nữ.
Thượng nghị sĩ Monica Cirinna nói bức tượng là "cái tát vào mặt lịch sử và phụ nữ", những người bị coi là nạn nhân chính của xâm hại tình dục.
Một số chính trị gia nữ của đảng Dân chủ ở Palermo còn yêu cầu đập bỏ bức tượng.
Trong khi đó Antonio Gentile, thị trưởng Sapri, lại lên tiếng bảo vệ bức tượng. Ông nhận xét bức tượng của nghệ sĩ Emanuele Stifano "được thực hiện hoàn hảo" về cả kỹ thuật lẫn những hàm ý ẩn sau.
"Tôi hy vọng bức tượng sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch", ông nói.
Người tạc tượng không quan tâm lời chỉ trích. Ảnh: Stuff.
"Cha đẻ" của bức tượng khẳng định ông luôn muốn che cơ thể người khi làm tượng càng ít càng tốt. Điều này không chỉ riêng với tượng nữ giới mà cả nam giới.
Chia sẻ với The Guardian, nhà điêu khắc này thừa nhận nếu được, ông sẽ để bức tượng khỏa thân vì "tình yêu với cơ thể con người".
Ông cho biết vị trí đặt bức tượng là gần bờ biển. Qua đó, ông muốn tận dụng làm gió để nổi bật đường nét cơ thể.
"Nó đại diện cho lý tưởng của người phụ nữ và gợi lên sự tự hào trong cô ấy. Thật vô ích khi cố giải thích tác phẩm nghệ thuật cho những người chỉ thích xem hình đồi trụy", Stifano chia sẻ.
Theo Zing