Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan không kêu oan, chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để được thoát án tử hình.

Tỏ ý muốn khắc phục hậu quả của vụ án, ngoài loạt tài sản đang bị kê biên, phong tỏa, bà Lan còn đem 658 mã tài sản hiện không thế chấp tại đâu đưa vào khắc phục.

Với mong muốn để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, người thân của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân đã nộp hơn 95 tỷ đồng khắc phục hậu quả vào tài khoản cơ quan thi hành án tại Kho bạc nhà nước.

Dù không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt nhưng khi trả lời luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản”. “Tham ô là phải lấy tiền của người ta bỏ vào túi mình, nhưng tài sản của bị cáo lại nằm hết ở SCB”, bà Lan trần tình.

Tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm-1
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: TC

Theo bà Lan, năm 2012, khi SCB gặp khó khăn, bà đã thế chấp khách sạn 5 sao Windsor cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, vay 15.000 tỷ đồng để chuyển cho SCB. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước cho vay với thời gian ngắn nên sau đó bà phải thế chấp thêm các tài sản khác, trong đó có tòa Times Square, Chợ Vải… để tái cơ cấu SCB.

Về vấn đề định giá tài sản, bà Lan cho rằng Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá không chính xác đối với 1.121 mã tài sản của bà, công ty này định giá có 295.000 tỷ đồng, chỉ được 60% giá trị tài sản.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên tại Ngân hàng SCB cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Trả lời về vai trò của bà Lan tại SCB, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) khai khi mới vào làm việc được bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT) cho biết bà Lan là người “đỡ đầu” của SCB. Do đó, bị cáo Hoàng nghĩ bà Lan là người có sức ảnh hưởng lớn đối với ngân hàng này.

Tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm-2
Các bị cáo tại tòa

Bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Phó chủ tịch HĐQT SCB) trình bày, vào thời điểm ký các hồ sơ, bị cáo không nhận thức được sai phạm của mình, chỉ đến khi bị xét xử sơ thẩm mới nhận ra rằng tất cả các tờ trình đã duyệt đều không phản ánh đúng thực tế.

Suy sụp khi bị VKS đề nghị giữ nguyên án tử

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Lan là đặc biệt nghiêm trọng, cùng lúc phạm 3 tội danh gây dư luận xấu.

Việc cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt là tử hình là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo thành khẩn khai báo, đề xuất đưa 658 mã tài sản không bị thế chấp, kê biên vào khắc phục hậu quả nên đây là tình tiết giảm nhẹ mới. Vì vậy, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lan về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, VKS đề nghị mức án về tội danh này từ 14-16 năm tù. Không chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt về tội “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt VKS đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.

Tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm-3
Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: Nguyễn Huế

Bị đề nghị mức án tử hình, bà Lan tỏ ra mất bình tĩnh nói: “Kính xin Tòa và VKS xem xét thật kỹ cho bị cáo. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao để có thể trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước”.

Cho rằng vụ án này "quá kinh khủng", đã triệt tiêu đi nhiều ước mơ, hy vọng của bà và các bị cáo khác, một lần nữa bà Lan mong HĐXX xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” và giảm nhẹ hình phạt cho mình.

"Năm nay gần 70 tuổi rồi, nếu tòa giảm nhẹ mà phạt 20 năm tù thì bị cáo cũng không biết có sống nổi tới lúc đó hay không" - bà Lan bày tỏ.

Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, cả bị cáo Trương Huệ Vân và Chu Lập Cơ đều không xin giảm nhẹ cho bản thân mà chủ yếu ca ngợi những việc làm của bà Lan trong công tác thiện nguyện và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bà này.

Theo VietNamNet