Thất bại này chung quy do VFF không nâng cấp đúng vị trí trọng yếu, đó là "thuyền trưởng" sau bài học thất bại tại giải U19 Đông Nam Á trước đó.

Tại sân Lạch Tray với tư cách trưởng bảng, U20 Việt Nam "làm mưa làm gió" trước Bangladesh, Bhutan, Guam nhưng khi gặp đội trẻ Syria thì bộc lộ nhiều yếu kém, bế tắc từ đấu pháp đến khả năng xử lý cá nhân, phối hợp đồng đội. Thua Syria 0-1 chúng ta rớt xuống nhì bảng và rồi hụt luôn chiếc " vớt", đành làm khán giả của VCK U20 châu Á sau nhiều kỳ liên tiếp có mặt tại sân chơi này.

U20 Việt Nam: Bài học dùng người vẫn nóng-1
U20 Việt Nam để hụt chiếc vé tham dự VCK giải U20 châu Á 2025 (Ảnh: VFF)

Thật ra hơn 2 tháng trước, khi đội U19 Việt Nam thi đấu tại giải Đông Nam Á đã bộc lộ nhiều hạn chế và sớm bị loại ngay vòng bảng. Đó là một tập thể rời rạc, thiếu tự tin, không dám chơi bóng trước các đồng nghiệp cùng trang lứa. Thậm chí đội bóng của ông Hứa Hiền Vinh kém cả về thể lực. Ban huấn luyện U19 Việt Nam khi đó chưa thể hiện được dấu ấn chiến thuật hay định hình phong cách thi đấu rõ ràng cho tập thể trẻ này.

Lẽ ra VFF phải nhìn thấy những lỗ hổng trên mà mạnh dạn thay đổi thành phần ban huấn luyện, giao trọng trách "thuyền trưởng" cho những người thầy phù hợp hơn, có chất lượng hơn nhằm tạo sinh khí mới, cải thiện lối chơi, phát huy thế mạnh của lứa cầu thủ Công Phương, Minh Vũ, Minh Tiến... tại vòng loại U20 châu Á. Tiếc thay VFF thiếu quyết đoán, thay đổi không triệt để ở "thượng tầng" Ban huấn luyện U20 Việt Nam để dẫn đến kết quả kém cỏi như hôm nay!

HLV trong quá trình làm việc thì thành công hay thất bại là chuyện thường tình. Nhưng khi những hạn chế ở "thượng tầng" U19 Việt Nam đã từng bộc lộ tại giải Đông Nam Á mà họ vẫn được giao trọng trách thì vấn đề bất ổn lại nằm ở cách dụng nhân của VFF. Bài học từ chiếc ghế HLV trưởng tuyển quốc gia của ông Troussier hay việc "thay tướng" ở đội U16 quốc gia vẫn còn nóng hổi nhưng những người có trách nhiệm vẫn không học thuộc bài!

Chiếc vé dự VCK giải U20 châu Á thật ra không phải là nhiệm vụ bất khả thi vì bóng đá Việt Nam đã nhiều lần xác lập sự có mặt của mình ở các VCK từ năm 2002-2006 và 2010-2023. Nhìn vào quá khứ, rõ ràng chúng ta đang rơi vào tình trạng "phú quý giật lùi".

Có lẽ, chúng ta chưa chú trọng đúng mức chuyện đào tạo trẻ, và giao trọng trách huấn luyện, đào tạo thế hệ cầu thủ kế thừa cho những người chưa được chuẩn hóa về năng lực.

Theo Người Lao Động