Uống rượu tối hôm trước, hôm sau thổi nồng độ cồn có lên?

Thực tế có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, và ngược lại có người thì không.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian từ lúc uống rượu đến khi xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) phụ thuộc nhiều yếu tố.

“Phải xem người đó uống lượng rượu bao nhiêu, nồng độ cồn trong rượu bao nhiêu. Nếu uống càng nhiều thì nồng độ càng cao. Người uống cũng cần phải xem xét các yếu tố khác, ví dụ nếu uống lúc đói thì hấp thụ rượu càng nhanh.

Những người uống rượu kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào cơ thể của họ”, bác sĩ Nguyên nói và lưu ý có người sau 24 giờ vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở.

Nồng độ cồn trong máu còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý. Thực tế có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, và ngược lại có người thì không.

Uống rượu tối hôm trước, hôm sau thổi nồng độ cồn có lên?-1
Nhiều lái xe băn khoăn, uống rượu tối hôm trước hôm sau thổi nồng độ cồn không biết có lên không. (Ảnh minh hoạ)

Chuyên gia chống độc cũng cho biết, ethanol hay rượu cơ bản là chất độc gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

"Bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn”, bác sĩ Nguyên nói.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), trung bình cơ thể người có thể đào thải khoảng 12-14g cồn trong một giờ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một đơn vị uống chuẩn (ly tiêu chuẩn) chứa 10 gram cồn. Một ly tiêu chuẩn tương đương 1 chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); 1 ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); 1 vại bia hơi (330ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330 ml).

Do đó, để nồng độ cồn dưới 0,25mg/lít khí thở, nam giới không nên uống quá 2 ly tiêu chuẩn trong giờ đầu tiên và không uống quá 1 ly tiêu chuẩn tiếp theo trong mỗi giờ sau đó.

Với phụ nữ, không nên uống quá một ly tiêu chuẩn và không quá 1 ly tiêu chuẩn trong mỗi giờ tiếp theo.

Chuyên gia khuyến cáo, để an toàn cho bản thân, cho mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật, tốt nhất đã uống rượu bia thì không lái xe, nếu lái xe thì không uống rượu bia.

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/uong-ruou-toi-hom-truoc-hom-sau-thoi-nong-do-con-co-len-ar840086.html

uống rượu bia uống rượu

Tin tức mới nhất