Ở chung kết SEA Games 2019, Đoàn Văn Hậu đã giẫm vào chân Evan Dimas khiến thủ quân của U23+3 Indonesia phải rời sân vì chấn thương. Mất đi người nhạc trưởng là một trong những nguyên nhân khiến U23+3 Indonesia thất bại.

Năm đó, trừ những CĐV Indonesia và một số CĐV trung lập, hầu hết người hâm mộ Việt Nam đều cảm thấy không có vấn đề gì cần phải tranh luận. Thậm chí Văn Hậu còn được tung hô như người hùng khi ghi bàn trong trận chung kết SEA Games.

Tất cả đã chìm đắm trong men say chiến thắng vì đó là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam vô địch ở đấu trường SEA Games sau 60 năm chờ đợi.

Đây là một trong những giai đoạn xác lập vị thế của bóng đá Việt Nam với khu vực, điều được quan tâm lớn nhất không có gì ngoài chiến thắng và các danh hiệu.

Văn Hậu: Từ cú giẫm vào chân Dimas, đến cùi chỏ tại Mỹ Đình-1
Văn Hậu cần phải thay đổi cách chơi bóng, nếu không tuyển Việt Nam sẽ trả giá đắt - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ba năm trôi qua, vị thế của bóng đá Việt Nam đã rõ ràng. Việt Nam thực sự vượt trình độ đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình tối 27-12. Thầy trò HLV Park Hang Seo chơi thiếu người vẫn tạo được phong thái "cửa trên" trước Malaysia.

Khi vị thế bóng đá Việt Nam được khẳng định, thầy trò HLV Park Hang Seo rõ ràng là mạnh hơn đối thủ. Vì vậy, đòi hỏi với "Những chiến binh sao vàng" được nâng lên một bậc: không chỉ thắng mà phải thắng làm sao cho thuyết phục nhất.

Điều đó không xảy ra khi các CĐV Việt Nam chưa thể vui vì cái cùi chỏ của Văn Hậu. Anh vung lên quá nhiều, và không cần thiết.

Đừng bảo những người chỉ trích Văn Hậu đá xấu là "những nhà đạo đức" và biện giải rằng bóng đá phải có tiểu xảo, hay bóng đá là môn thể thao đối kháng không dành cho những kẻ yếu đuối.

Nhưng xin thưa, thứ Văn Hậu trình diễn trước Malaysia không phải là tiểu xảo hay kiểu lọc lõi của một cầu thủ Nam Mỹ giàu kinh nghiệm. Đó là đá xấu và những người xem bóng đá đều có thể phân biệt.

Văn Hậu: Từ cú giẫm vào chân Dimas, đến cùi chỏ tại Mỹ Đình-2
Văn Hậu giữ thói quen chơi xấu ở V-League - Ảnh: REUTERS

Cũng đừng giải thích theo kiểu, Văn Hậu đang làm mọi cách để mang về chiến thắng cho tuyển Việt Nam. Kiểu chơi bóng không tập trung vào đá bóng của Văn Hậu dường như chỉ có đất diễn ở AFF Cup 2022, nơi vẫn chưa có công nghệ VAR hỗ trợ.

Nếu có VAR, Văn Hậu sẽ bị xem xét hành vi bạo lực và lãnh thẻ đỏ. Lúc đó, nạn nhân lớn nhất của Văn Hậu chính là đội tuyển Việt Nam chứ không phải đối thủ. Đá như vậy không giúp tuyển Việt Nam chiến thắng, mà chỉ khiến đội nhà nhanh chóng tìm đến thất bại hơn.

Nhưng nếu có theo dõi Văn Hậu, chúng ta mới thấy được rằng "những cú vung tay quá cao" của anh không phải bộc phát ngẫu nhiên. Tại V-League 2022, Văn Hậu nhiều lần bị cộng đồng mạng chỉ trích vì những pha vào bóng ẩu và chơi xấu đồng nghiệp.

Nhưng các trọng tài V-League không xử lý nghiêm. Ban tổ chức giải cũng không có bất kỳ hành động răn đe nào với cầu thủ này.

Và điều đó hiển nhiên khiến Văn Hậu cho là phải và tái diễn trong các trận đấu cấp độ đội tuyển. Tất cả đã thấy rằng cách chơi bóng của Văn Hậu nguy hiểm như thế nào.

Phải chi năm 2019 chúng ta dừng lại bên niềm vui chiến thắng, bày tỏ một chút thái độ với tình huống vào bóng của Văn Hậu với Dimas. Phải chi các trọng tài, những người cầm cân nảy mực ở V-League mạnh mẽ uốn nắn Văn Hậu nhiều hơn.

Phải chi các HLV chỉ cho cầu thủ này thấy vấn đề của mình. Lúc đó, Văn Hậu sẽ không khiến những người hâm mộ lo lắng.

Văn Hậu là cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam nhưng anh cần thay đổi cách chơi bóng để tương xứng với phẩm chất hiện có. Chúng ta từng rất giận dữ với Theerathon Bunmathan vì những cú cùi chỏ trở thành "thương hiệu" của anh.

Vì vậy, không có lý gì để im lặng trước Văn Hậu!

Theo Tuổi Trẻ