Nếu văn hóa ngồi ô tô đã rất quen thuộc trên thế giới thì ở Việt Nam, đây dường như vẫn còn là điều mới mẻ, thậm chí không hay được để ý. Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều người lưu tâm.

Không ít độc giả chia sẻ về tình huống "dở khóc dở cười" khi không chú ý đến văn hóa ngồi ô tô. "Một lần đi xe bạn học, tôi tiện chân đi xuống dưới ngồi cho rộng rãi. Đứa bạn vốn du học nước ngoài về mới nhắc nhở: Ghế sau thường dành cho ông chủ. Mày là bạn tao sao lại ngồi chỗ đấy?", độc giả Thái Sơn kể.

"Tôi cũng một lần hơi ngượng khi đi nhờ xe của một người không quen biết nhưng lại ngồi bên trên. Đúng là với người lạ thì vẫn nên giữ khoảng cách để đỡ ngại cho cả hai", bạn Mai Lan (Hà Nội) nói.

Với người Việt Nam, tuy không phải ai cũng rành về văn hóa ngồi ô tô nhưng cũng không ít người đồng tình và cho rằng đó là phải phép.

Trên một diễn đàn, có độc giả thông tin: Trước 1975, miền Nam vẫn áp dụng cách ngồi trên. Ví dụ: vợ chồng bạn là chủ xe, vợ bạn phải ngồi bên phải của chồng. Vợ chồng mình đi theo, đương nhiên phải ngồi băng sau, đó là lịch sự tối thiểu, trừ trường hợp vợ bạn vì lịch sự mời mình ngồi trên để nói chuyện với chồng hay vợ bạn muốn ngồi dưới để nói chuyện với vợ mình.

Một độc giả khác cũng tiết lộ: "Thường thì xe gia đình trừ người lái còn ai ngồi đâu thì ngồi. Nhưng với xe 4 chỗ công sở thì sếp luôn ngồi ở ghế sau bên phụ, với xe 7 chỗ thì sếp ngồi cạnh tài xế, mấy anh làm nghề lái xe nói vậy".

Những quy tắc cơ bản khi ngồi xe

Theo nhiều ý kiến, ghế ngồi trên xe có phân cấp theo sự thoải mái và an toàn: ghế sau bên phải là an toàn nhất, ghế sau ở giữa ít thoải mái nhất, ghế trước bên phụ dành cho người đồng cấp.

Người ngồi có phân cấp: trên (người lớn tuổi, sếp...), đồng cấp (vợ-chồng, bạn, đồng nghiệp) và nhỏ hơn (trẻ con, nhân viên).

Về cơ bản, ngồi xe chia làm hai trường hợp: có tài xế riêng và chủ xe tự lái. 

Trường hợp 1 có tài xế riêng: Người trên ngồi sau bên phải, nhỏ hơn ngồi trước hoặc giữa.

Trường hợp 2, chủ xe tự lái: Chỉ có 2 người thì lên ghế phụ trước ngồi. Có từ 3 người trở lên trên xe thì người có ngôi thứ cao nhất hoặc vợ/chồng lên ngồi trước với chủ xe. Nếu xe 7 chỗ thì băng sau cùng cho những người vị thế nhỏ nhất.

Văn hóa ngồi ô tô - luật bất thành văn ít người biết-1
Vị trí chỗ ngồi ưu tiên trên xe ô tô trong hai trường hợp. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Khi đi với người thân

Khi di chuyển bằng xe gia đình, việc ngồi ở đâu không quá phức tạp. Bạn có thể sắp xếp các vị trí ghế ngồi đơn giản theo chiều từ trái sang phải. Ghế lái thường là vị trí của chủ xe. Vị trí ghế phụ thường là của người quan trọng thứ hai. Nếu người ngồi ghế phụ này xuống xe thì vị trí ghế sau bên phải có thể di chuyển lên ghế phụ. 

Trường hợp chỉ có hai người trên xe: Nếu là  mối quan hệ thân thiết thì bạn nên ngồi ngay ở ghế phụ bên cạnh ghế lái. Đây là cách tôn trọng chủ xe vì họ là bạn bè, người thân chứ không phải tài xế của bạn.

Khi đi với người già, trẻ nhỏ, bà bầu, bạn nên sắp xếp, hướng dẫn cho họ ngồi ghế sau. Vì đây là vị trí có sự thoải mái và rộng rãi nhất. 

Tuy nhiên, đối với một số loại xe cỡ nhỏ, không gian ghế sau hơi chật hẹp, đồng thời ghế sau cũng không được trang bị cửa gió điều hòa thì bạn nên nhường vị trí ghế phụ cho những đối tượng này. Ghế phụ thậm chí còn có thể điều chỉnh khoảng cách trước sau và độ ngả để người ngồi thoải mái nhất.

Khi đi với sếp

Khi di chuyển bằng ô tô cùng với lãnh đạo bạn sẽ nhận thấy sự phân biệt rõ ràng về các vị trí ngồi trên xe. Các vị trí lần lượt được đánh từ ghế sau bên phải (1) đến ghế sau bên trái (2). Tiếp theo là ghế trước bên phải (3) và ghế lái (4).

Theo thứ tự đánh số ghế, mức độ quan trọng cũng giảm dần từ 1 đến 4. Vị trí số 1 là dành cho lãnh đạo lớn nhất, vị trí thứ 2 dành cho người quan trọng tiếp theo có thể là phó tổng hoặc thư ký…Ghế thứ 3 dành cho người quan trọng thứ 3. Và ghế thứ 4 dành cho tài xế.

Văn hóa ngồi ô tô - luật bất thành văn ít người biết-2
Vị trí số ghế khi ngồi xe ô tô với sếp.

Lý do có sự sắp xếp các vị trí này là do ghế sau thường có cách bố trí thoải mái, rộng rãi. Khi ngồi với thời gian lâu sẽ đảm bảo được sự thư giãn. Một số dòng xe sang còn được trang bị tấm chắn cách biệt với ghế trước, từ đó tạo ra không gian riêng giúp lãnh đạo có thể bàn luận, trao đổi thông tin an toàn.

Một lời khuyên được đưa ra là: Khi di chuyển chung xe với sếp, nếu chưa biết vị trí nào nên ngồi, tốt nhất hãy đợi sếp lên xe trước. Vị trí trống còn lại bạn có thể hiểu ngầm đó là ghế của mình. Như vậy sẽ đảm bảo sự tế nhị. 

Một số lưu ý khi đi ô tô

Không đóng sập cửa mạnh khi xuống xe: Một trong những lưu ý quan trọng mà bạn nên lưu ý khi di chuyển chung xe ô tô với người khác đó là không nên đóng sập cửa mạnh.

Việc đóng cửa xe quá mạnh sẽ tạo ra âm thanh lớn, có thể khiến người khác giật mình. Hành động này còn làm rung lắc phương tiện, ảnh hưởng đến những người khác. Do vậy, đóng cửa xe một cách nhẹ nhàng là một yếu tố giúp văn hóa ngồi ô tô được nâng cao. 

Văn hóa ngồi ô tô - luật bất thành văn ít người biết-3
Không nên đóng cửa xe quá mạnh. (Ảnh: iStock)

Không gác chân chân, bỏ giày, vứt rác trên ô tô: Gác chân lên taplo, lên cửa sổ cũng là một hành động khiếm nhã, thiếu tôn trọng chủ xe và những người đi cùng.

Việc cởi giày, bỏ tất khi lên xe cũng là một hành động thiếu ý nhị, kém văn hóa trong việc ngồi ô tô bởi không gian của chiếc xe nhỏ và kín, giày tất của bạn có thể phát ra mùi lạ ảnh hưởng đến người khác.

Ngoài ra, việc giữ vệ sinh chung trên chiếc xe cũng quan trọng, bạn không nên ăn uống, xả rác bừa bãi trong lúc ngồi chung xe ô tô với người khác.

Tuy văn hóa ngồi ô tô có khá nhiều quy định cầu kỳ, nhưng với người Việt Nam, cũng tùy từng tình huống mà mọi người sắp xếp chỗ ngồi cho nhau và thường vui vẻ chấp nhận, không quá so đo, cầu kỳ với vấn đề này. Chính vì thế, cho đến nay, văn hóa ngồi ô tô vẫn chưa phải là yêu cầu quá khắt khe với người Việt.

Theo VTCNews