Sau làn sóng hot girl, hot boy, diễn viên, người đẹp đi hát đi hát, giờ bắt chuyển sang những gương mặt TikToker. Nhiều MV đảm bảo về mặt ý tưởng, hình ảnh nhưng gây thất vọng về giọng hát.

Nhiều TikToker đi hát nhưng chưa đảm bảo được chất lượng

Trong một chương trình, Tóc Tiên tâm sự cô chọn cách hát tròn vành rõ chữ nhất có thể bởi tiếng Việt quá đẹp đẽ, phong phú. Nhạc sĩ Mew Amazing đồng tình với quan điểm trên. Nhạc sĩ hiểu sự khó chịu của khán giả khi không thể nghe ca sĩ hát gì.

Nhưng anh cũng mong khán giả thông cảm bởi Vpop đang ở giai đoạn hội nhập với âm nhạc quốc tế. Những nhịp phách, cấu trúc âm nhạc mới, đặc biệt bài hát tiết tấu nhanh đôi khi khiến ê-kíp gặp khó khăn trong việc phát âm tròn vành rõ chữ.

Tuy nhiên, sẽ khó cảm thông nếu ca sĩ hát không nghe rõ lời trong phần nhiều của bài hát thay vì một hai câu hát. Thậm chí, tình trạng này khá phổ biến ở Vpop thời gian qua.

Vấn nạn ca sĩ Việt, TikToker hát chênh phô-1

MONO bị chê hát không rõ lời.

Tối 7/8, em trai Sơn Tùng là Việt Hoàng (nghệ danh MONO) ra mắt với MV mang tên Quên anh đi. Trước đó, anh theo học Đại học Công nghệ TP.HCM và khá nổi tiếng trên mạng xã hội.

Với MV Quên anh đi, khán giả nhận xét ở phần cuối bài hát, em trai Sơn Tùng hát chưa rõ lời khiến họ phải bật phụ đề. Chất giọng của anh đều đều, thiếu điểm nhấn. Việc hát không rõ lời cũng nhiều lần khiến Sơn Tùng gây tranh cãi.

Wren Evans được đánh giá cao với gu âm nhạc khác biệt, mang đậm màu sắc Âu Mỹ. Tuy nhiên, điểm hạn chế của anh là sử dụng nhiều airy voice (giọng âm hơi) và hát lướt chữ dẫn đến khán giả không thể hiểu anh hát gì.

Vấn nạn ca sĩ Việt, TikToker hát chênh phô-2

TikToker ra sản phẩm âm nhạc nhưng chưa thuyết phục được về giọng hát.

Giọng hát yếu, thiếu nội lực cũng là vấn đề của nhiều ca sĩ trẻ hiện giờ, đặc biệt những người xuất thân TikToker… Ngô Đình Nam, CIIN là hai gương mặt nổi tiếng trên TikTok. Ngô Đình Nam có lượt theo dõi lớn nhờ những clip cover. Trong khi đó, CIIN thực hiện vũ đạo.

Tháng 6, họ kết hợp ra MV Where You Go. Sản phẩm hiện chưa đạt được một triệu lượt xem. Có thể lý giải thất bại của Where You Go là cả âm nhạc lẫn giọng hát của Ngô Đình Nam đều chỉ dừng ở mức nghe được, không gây ấn tượng.

Đạt Villa sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội cũng thử sức với âm nhạc, ra MV. Sản phẩm gần nhất của anh ra mắt cách đây một tháng mang tên Rời xa một người. Cả âm nhạc lẫn giọng hát, lối xử lý của Đạt Villa đều khá sến, yếu ớt.

Một số ca sĩ đã hoạt động ở thị trường nhưng vẫn chưa đảm bảo được chất lượng giọng hát.

Mới đây, Chi Pu trở lại với MV mới mang tên Sashimi. Tính từ MV đầu tiên Feel Like Ooh, Chi Pu có khoảng 4 năm ca hát và phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, tới Sashimi, giọng hát của cô vẫn cần tiếp tục cải thiện.

Trong khi đó, các ca sĩ trẻ như AMEE, Hoàng Duyên hay Jack… cũng vẫn bị nhận xét hát live chưa tốt.

Đặc biệt, sự việc của ca sĩ Khánh Thy gây tranh luận suốt những ngày qua. Khi tham gia một chương trình truyền hình, Khánh Thy quên lời, liên tục nhìn vào lòng bàn tay. Cô nhiều lần hát chênh phô, lộ chất giọng yếu khiến khán giả bức xúc.

Vấn nạn ca sĩ Việt, TikToker hát chênh phô-3

Sự việc ca sĩ Khánh Ly gây tranh cãi mạnh.

Cần đề cao lòng tự trọng với nghề

Trao đổi với Zing, ca sĩ Thùy Dung - giảng viên tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam - ai cũng có quyền đi hát. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ trau dồi kỹ năng và thực hiện chất lượng ra sao bởi khán giả mới là người quyết định việc một ca sĩ có tồn tại được ở thị trường hay không.

“Tôi không chê trách việc đi hát của mọi người bởi ra mỗi sản phẩm các bạn cũng phải tìm tòi, đầu tư. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng và hát đúng cảm xúc người nghe. Thị trường âm nhạc như một rừng hoa, có hoa sống mãi với thời gian nhưng có loại sớm nở tối tàn”, giảng viên thanh nhạc nhận định.

Theo giảng viên Thùy Dung, ca sĩ là nghề đặc thù, có những người không được đào tạo nhưng bản năng ca hát rất tốt. Nếu chịu khó trau dồi kiến thức và học hỏi nhiều, kỹ năng của họ sẽ vững vàng. Tuy nhiên, với những trường hợp giọng hát chưa đủ tốt, ca sĩ cần chịu khó rèn luyện hơn. “Đó là lòng tự trọng với nghề nghiệp”, ca sĩ Thùy Dung nhấn mạnh.

Chị nói thêm: “Khán giả cũng có một phần trách nhiệm vì chúng ta chấp nhận thì các bạn ấy mới ra những sản phẩm như vậy. Nếu khán giả yêu cầu ca sĩ hát rõ lời và quay lưng, không chấp nhận những sản phẩm không tốt, nó sẽ không thể tồn tại. Tất cả người sản xuất những MV như thế sẽ phải tự có trách nhiệm với sản phẩm sau”.

“Không ai muốn hát không rõ lời, hát yếu nhưng kỹ thuật và bản năng của họ kém, không thể làm tốt hơn được. Trong trường hợp đó, đương nhiên họ vẫn có quyền ra một hoặc một trăm MV nếu có kinh tế, công ty hậu thuẫn. Nhưng việc được chấp nhận như một ca sĩ hay không là quyền của khán giả. Tôi chỉ mong khán giả nghiêm khắc hơn. Chính khán giả làm cho thị trường trong trẻo, tốt đẹp hơn”, chị tiếp tục.

Theo ca sĩ, giảng viên Thùy Dung, với những bài hát không thuộc sở trường, chị và đồng nghiệp cùng thế hệ phải tập luyện rất kỹ, thậm chí đôi khi ngủ cũng nằm mơ thấy đang nhẩm lời. “Mỗi lần hát sai, quyên lời, chúng tôi thấy xấu hổ đến mấy tháng và không bao giờ dám quyền sự cố đó”, chị nói.

“Cũng có thể cách làm nghề của thế hệ chúng tôi khác hiện giờ nhưng tôi hy vọng các bạn trẻ có lòng tự trọng với nghề. Tôi nhấn mạnh điều này bởi không tôn trọng nghề thì nghề cũng không tôn trọng các bạn ấy. Việc thiếu tôn trọng với nghề là một sự xúc phạm”, ca sĩ Thùy Dung nhấn mạnh.

Giáo viên thanh nhạc Mỹ Ngọc chia sẻ với Zing nhiều ca sĩ hiện giờ không khắt khe với bản thân. Họ không chịu khó luyện tập như thế hệ ca sĩ đi trước. Do đó, kỹ thuật của ca sĩ trẻ hiện giờ chưa đủ ổn định, dẫn đến lúc hát tốt, lúc không và xảy ra tình trạng chênh phô.

Giáo viên nói thêm: “Đương nhiên, nhu cầu giải trí của khán giả hiện giờ rất khác xưa. Khán giả có thể thích nghe những bài nhạc thoải mái. Và với những bài hát mang tính giải trí, ca sĩ dùng nhiều kỹ thuật quá cũng nặng nề và không hợp lý. Nhưng vẫn cần trau dồi giọng hát để phát triển đường dài và hát được nhiều thể loại âm nhạc một cách chất lượng".

Theo Zing