Bạn đã từng nghe qua loạt câu văn bá đạo mà học sinh tiểu học tả những người thân của mình chưa? Chẳng hạn kể về bố: "Em nghe loáng thoáng mỗi tháng bố phải nộp cho mẹ 15 triệu thì mới đủ nuôi 4 cái miệng ăn, bố hiền lắm chẳng bao giờ làm sai ý mẹ.
Cùng lắm mỗi khi tức giận quá thì bố ném điện thoại vỡ thôi. Em yêu và thương bố lắm”.
Văn tả về mẹ: "Em rất thần tượng mẹ em. Mẹ em là người nhiều tiền. Bố đi chợ mẹ cũng phải đưa tiền cho, tiền học, quần áo, bim bim mẹ cũng lo cho em. Mẹ nấu ăn cũng hơi ngon, bố khen tạm được".
Hay bài văn tả anh trai mê hát: "Em biết là anh Quang có một giọng hát như bò rống ai trong nhà cũng phải chịu giọng hát kinh khủng của anh ấy. Bác em nói giọng hát của anh Quang như: Hát cho chó cắn mèo kêu/Hát cho ông lão trong lều chui ra".
Bao nhiêu nhân vật chính bước vào văn chương con trẻ tưởng oai phong lẫm liệt lắm, ai dè nhận về một "thành quả" đôi khi chỉ muốn chui ngay xuống đất cho đỡ ngại.
Mỗi khi con/em có đề bài tả người thân, nhiều người lớn trong nhà cứ gọi là giật mình thon thót, không biết chúng sẽ "nhào nặn" những gì về mình.
Vậy nên mới có chuyện, một cô chị mới đây khoe bài văn em viết về mình, dù ngắn gọn đến mức... khó tin nhưng "nhân vật chính" lại thở phào nhẹ nhõm vì ít ra không bị em mình... bóc phốt.
"Chị em tên là Lê Thị Lan Anh. Chị em 15 tuổi. Chị em có da trắng. Chị em học lớp 10. Em rất yêu chị". Nguồn: Lan Anh
Gọi là "bài" nhưng học sinh này lại tiết kiệm chữ đến hết mức có thể, chỉ vỏn bẹn 2 dòng rưỡi, nội dung thì tất nhiên vô cùng cô đọng. Bài văn như sau: "Chị em tên là Lê Thị Lan Anh. Chị em 15 tuổi. Chị em có da trắng. Chị em học lớp 10. Em rất yêu chị".
Có thể nói đây là bài văn tả người ngắn gọn nhất. Không miêu tả ngoại hình chi tiết, không tính cách. Chỉ vỏn vẹn vài thông tin cơ bản về tên, tuổi, làn da... May câu chốt "Em rất yêu chị" cũng vớt vát được đôi chút.
Dưới bài đăng, dân tình tha hồ "kể xấu" những cô cậu em trai em gái đầy "drama" của mình:
- “Chị em học đại học nhưng lúc đưa đón em bạn em toàn bảo chị cậu lùn thế học lớp 5 à”.
- Mẹ tôi dạy lớp 5, hằng năm mẹ đi chấm thi tốt nghiệp và kể những bài văn bất hủ cho cả nhà. Ví dụ như "đầu con lợn to bằng đầu bố em", "Chúng em đến nhà cô giáo, cô bị chồng đánh ngồi khóc và chúng em đã an ủi cô"....
- Nghe cu cậu viết có vẻ bất đắc dĩ quá nhỉ. May có câu cuối chốt lại, vớt vát tình chị em.
- Ngắn gọn, xứng đáng 10 điểm. Thương chị lắm nên mới không phốt chị đấy!
Tập làm văn là một trong những phân môn quan trọng nhất trong chương trình Tiếng Việt tiểu học. Ảnh minh họa
Tập làm văn là một trong những phân môn quan trọng nhất trong chương trình Tiếng Việt tiểu học. Thông qua bộ môn này, học sinh được thể hiện khả năng ngôn ngữ, từ vựng, cách đặt câu, diễn giải vấn đề, được vận dụng óc quan sát, trí tưởng tượng, sự sáng tạo,...
Cha mẹ không nên sốt ruột khi thấy con viết văn chưa hay, chưa tốt. Thay vì thế, phụ huynh có thể đưa ra những gợi ý theo phương pháp sơ đồ tư duy để con viết văn tốt hơn.
Sơ đồ tư duy không phải phương pháp xa lạ và đã được nhiều giáo viên, phụ huynh áp dụng. Bằng cách này, trẻ em được tập khả năng phân tích, tổng hợp và giúp ghi nhớ dễ dàng hơn.
Theo Trí Thức Trẻ