Casanova (tên đầy đủ Giacomo Girolamo Casanova, 1725 - 1798) là người đàn ông đa tài, giỏi giang trong nhiều lĩnh vực: ngoại giao, pháp luật, viết lách và cả...tình trường. Cuộc đời của kẻ sát gái bậc nhất thế giới này cũng là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, điện ảnh, trong đó có bộ phim nổi tiếng Casanova ra mắt năm 2005.

Vào tù vì tội sát gái, đây chính là lãng tử khét tiếng nhất thế giới-1
Casanova - kẻ "sát gái" nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới

Casanova - lãng tử thích xê dịch

Sinh ra ở Venice, Italy, nhưng trút hơi thở cuối cùng ở Cộng Hòa Czech, cuộc đời của Casanova thực sự là một chuyến phiêu lưu trường kỳ. Sinh thời, ông đã lang bạt khắp nơi trên lãnh thổ châu Âu, khám phá từ quốc gia này sang quốc gia khác và cũng "thả thính" ở khắp mọi nơi.

Ở thế kỷ 18, khi việc đi lại từ nước này sang nước kia, thậm chí từ các vùng trong một quốc gia còn chưa được dễ dàng, con người thích xê dịch này cũng đã đi một quãng đường đời dài cả 70.000 km. Mỗi nơi Casanova dừng chân, ông lại viết nên một câu chuyện tình và không có một người phụ nữ nào có thể trói buộc được trái tim của lãng tử thích đi hoang.

Trong suốt cuộc đời, con người đào hoa này đã hớp hồn 122 người phụ nữ, từ trẻ tới già, từ thôn nữ tới quý tộc, thậm chí cả nữ tu. Đương thời, người ta nhắc tới ông bằng rất nhiều cái tên như "kẻ sát gái", "lãng tử sát gái" hay "người đàn ông được nhiều phụ nữ khao khát nhất thế giới",...

Vào tù vì tội sát gái, đây chính là lãng tử khét tiếng nhất thế giới-2
Tranh vẽ chân dung Casanova

Dù tình sử dài dằng dặc, nhưng Casanova rất trân trọng phụ nữ. Mỗi người đàn bà đi qua đời ông đều được ông đối xử tử tế và rất thật tâm, duy chỉ có điều những cuộc tình ấy quá chóng vánh. Trong mắt Casanova, những người tình của ông đều mang một nét đẹp riêng.

Cũng giống như du lịch, tình yêu của kẻ sát gái này mang tới cho ông nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc, để rồi tất cả đều trở thành "gia vị" cho cuốn hồi ký Câu chuyện đời tôi do chính Casanova viết trong những năm cuối đời.

Về sau, tự truyện cuộc đời của lãng tử đào hoa nhất thế giới này được bán với giá vô cùng đắt đỏ. Cuốn truyện dày 3.700 trang, được Casanova viết bằng tiếng Pháp khi ông sống ở Bohemia (Cộng hòa Czech ngày nay).

Mãi tới năm 2010, Thư viện quốc gia Pháp mởi sở hữu cuốn hồi ký của "vua sát gái" với giá 9,7 triệu USD (khoảng hơn 200 tỉ đồng) sau 3 năm đàm phán với chủ sở hữu. Hiện, cuốn truyện vẫn được trưng bày tại Pháp.

Với các chuyên gia nghiên cứu lịch sử hay văn học, Câu chuyện đời tôi của Giacomo Casanova thật sự là tài liệu quý giá. Những dòng viết của ông đã tái hiện chân thực cuộc sống cá nhân của một tay chơi gái được khát khao nhưng cũng bị ghét bỏ nhất thế giới. Qua đó bức tranh châu Âu thế kỷ 18 hiện ra rõ nét, sống động qua con mắt của một người đàn ông trí thức và phong lưu.

Quả thực sinh thời, Casanova hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ giỏi trong việc lấy lòng phụ nữ mà còn am hiểu nhiều vấn đề thời cuộc. Thật khó để xác định nghề nghiệp cụ thể của Casanova.

Ông được biết tới như một sĩ quan quân đội, một cố vấn luật pháp, một nhân viên tài chính một nhà thám hiểm, một tay cờ bạc bịp, một thủ thư và một nhà văn. Chính ông đã sáng tạo ra hình thức xổ số hoàng gia, góp phần khôi phục nền kinh tế Pháp đang rơi vào khủng hoảng lúc bấy giờ.

Năm 30 tuổi, Giacomo Casanova bị tống vào tù vì nhiều tai tiếng tình ái.

Cuộc vượt ngục đi vào lịch sử

Là kẻ sát gái, hiển nhiên Casanova có không ít người ghét bỏ, đặc biệt là đàn ông. Năm 30 tuổi, ông bị kết án lừa đảo và bị tống giam vào nhà tù Prigioni - nhà tù bí mật bên trong cung điện Doge ở Venice, Ý - nơi được mệnh danh là "Tấm chì" bởi sự kiên cố, chắc chắn.

Thế nhưng ông đã thoát ra được khỏi nhà tù vững chắc đó chỉ sau một năm bị giam giữ. Cuộc vượt ngục không tưởng của "vua sát gái" nổi tiếng thế kỷ 18 đã trở thành một trong những cuộc tẩu thoát khét tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.

Vào tù vì tội sát gái, đây chính là lãng tử khét tiếng nhất thế giới-3
Căn phòng giam giữ "vua sát gái" Casanova

Bên cạnh nhà tù là cây Cầu Than Thở nổi tiếng. Ở thời kỳ đó, các tù nhân khi được dẫn từ phòng thẩm vấn ở cung điện Doge tới phòng giam đều phải đi qua cây cầu này.

Suốt quãng thời gian bị giam hãm tại đây, Casanova đã kết thân với những lính canh tù, mua chuộc bạn tù để phục vụ ý đồ vượt ngục của mình. Ông đào tẩu qua đường hầm tự đào bằng một thanh kim loại tự chế trong suốt vài tháng.

Tuy nhiên chỉ vài ngày trước khi cuộc vượt ngục diễn ra, Casanova bị điều chuyển tới một phòng giam khác. Ngỡ rằng bao công sức đào hầm, đục tường "đổ xuống sông xuống bể", nhưng nhà thám hiểm lanh lợi này đã nhanh chóng nghĩ ra một phương án mới. Casanova khẩn cầu một bạn tù ở phòng kế bên đào hầm giùm bằng dụng cụ của mình. Cuối cùng, hai người đã trốn thoát thành công.

Cầu Than Thở và nhà tù Prigioni là nơi đã chứng kiến cuộc vượt ngục của kẻ sát gái nổi tiếng nhất mọi thời đại này.
 

Mộc
Theo Vietnamnet