Đời truân chuyên của "thánh nữ hội họa" Frida Kahlo

Được mệnh danh là "thánh nữ hội họa" của thế kỷ 20, nữ họa sĩ người Mexico Frida Kahlo (1907 - 1954) là một trong những nghệ sĩ nữ tài năng nhất mọi thời đại. Bà đã khẳng định tên tuổi bản thân qua những bức vẽ gây chấn động giới chuyên môn.

Nhắc tới Frida Kahlo, người ta nhớ về những tác phẩm thể hiện sự đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, trong đó phải kể tới bức chân dung tự họa có tên Self-portrait with Thorn Necklace and Hummingbird (tạm dịch là Chân dung tự họa với sợi dây chuyền gai và chim ruồi) hoàn thành năm 1940.

Phận nữ nhi gây tranh cãi qua những bức họa ám ảnh người xem-1
Frida Kahlo (1907 - 1954) - thánh nữ hội họa của thế kỳ 20

Hầu hết trong các tác phẩm tự họa, Kahlo luôn vẽ một phụ nữ nổi bật với khuôn mặt chất chứa nhiều tâm tư, lông mày rậm với ria mép mờ. Hình ảnh này trong các bức tranh của bà luôn ám ảnh người xem.

Ở bức chân dung Self-portrait with Thorn Necklace and Hummingbird, nữ danh họa nhấn mạnh tới từng chi tiết dù là nhỏ nhất trong bức vẽ của mình. Bà vẽ chính mình đeo một chiếc vòng cổ bằng gai, giống với vương miện gai của chúa Jesus với các mũi gai nhọn đâm vào cổ. Bên dưới chiếc dây chuyền gai là một con chim ruồi đã chết. Bên vai trái là một chú mèo đen còn vai phải là một con khỉ. Trên đầu, bà còn vẽ những chú bướm đang lượn lờ.

Thoạt nhìn, bức chân dung có thể khiến người xem rối mắt và khó hiểu. Khuôn mặt lạnh lùng nhưng đôi mắt chất chứa u buồn của người phụ nữ trong tranh khiến người ta day dứt khôn nguôi.

Phận nữ nhi gây tranh cãi qua những bức họa ám ảnh người xem-2
"Self-portrait with Thorn Necklace and Hummingbird" - bức chân dung tự họa nổi tiếng của Kahlo

Ít ai biết rằng, Kahlo vẽ bức tranh này không chỉ nhằm nhấn mạnh sức sống của bản thân mà còn giãi bày nỗi đau bà phải chịu đựng. Theo các nhà nghiên cứu hội họa, chiếc vòng gai tượng trưng cho nỗi đau bà trải qua sau khi li dị chồng, con chim ruồi chết thể hiện vận xui trong tình duyên (theo văn hóa Mexico, chim ruồi đại diện cho sự may mắn trong tình yêu), mèo đen ám chỉ những điều xui xẻo và chết chóc; còn con khỉ là món quà của người chồng đã tặng cho bà.

Mặc dù hầu hết ý nghĩa các chi tiết trong tranh đều thể hiện cho nỗi đau và sự không may mắn, nhưng hình ảnh đàn bướm lượn quanh tóc bà lại đại diện cho sự tái sinh. Mỗi nét phác trong bức tự họa của Kahlo đều liên quan tới cuộc sống của bà, dù là đau đớn, bất hạnh hay sức sống mãnh liệt bên trong con người nữ họa sĩ tài ba nhưng cuộc đời lắm truân chuyên này.

Cô gái khỏa thân trong tác phẩm "Olympia" của Edouard Manet (1863)

Năm 1863, bức họa có tên Olympia được trưng bày ở phòng triển lãm tranh Paris bị công kích dữ dội, buộc người ta phải cất giấu đi, cho đến tận thế kỷ 20 bức tranh mới được công nhận là kiệt tác. Đây là một trong những bức họa nổi tiếng của nghệ sĩ Pháp Edouard Manet (1832 - 1883).

Bức tranh mô tả một người phụ nữ có dáng nằm giống Thần Vệ nữ trong tác phẩm Venus of Urbino của Titian năm 1538. Họa sĩ Manet đã vẽ tấm họa này dựa trên bức họa của Titian với với người mẫu Victorine Meurent ở tư thế nhìn chằm chằm vào người xem. Trước đó, bức họa Venus of Urbino cũng dựa theo tranh Sleeping Venus của danh họa Giorgione; tuy nhiên bối cảnh trong 3 bức tranh hoàn toàn khác nhau.

Phận nữ nhi gây tranh cãi qua những bức họa ám ảnh người xem-3

Ở bức Olympia, Manet đã thêm vào đó một người hầu da đen và một chú mèo đen bên cạnh người phụ nữ khỏa thân nằm trên giường, khiến công chúng bấy giờ cảm thấy bức tranh này trở nên tục tĩu.

Ở thế kỷ 19, người ta đã quen với những tác phẩm khắc họa cuộc sống của những người dân bình thường; nên tác phẩm mô tả một người phụ nữ khỏa thân này bị coi như sự xúc phạm người xem. Người ta coi đây chỉ là tác phẩm vẽ gái làng chơi rẻ tiền. 

Phận nữ nhi gây tranh cãi qua những bức họa ám ảnh người xem-4

Những nhà phê bình nghệ thuật đương thời thì buông lời miệt thị tác phẩm của ông, thậm chí dư luận còn chỉ trích thẳng vào mặt Manet rằng: "Gã họa sĩ Edouard Manet đấy là người chuyên vẽ những cảnh đến là tục tĩu".

Thậm chí có người còn dùng dao rạch vào mặt nhân vật nữ chính trong tranh như sự phỉ báng họ dành cho tác phẩm của ông. Báo chí không chỉ công kích Manet mà còn xúc phạm tới cô người mẫu Victorine khiến cô gái này buông nhiều lời thậm tệ với người họa sĩ.

Mãi tới thế kỷ 20, giới chuyên môn cũng như công chúng mới có cái nhìn thoáng hơn về tác phẩm Olympia. Hiện bức tranh này được treo ở Bảo tàng Louvres cho người dân, đặc biệt là du khách có thể chiêm ngưỡng.

LEO
Theo Vietnamnet