Nước mía bản chất khá lành, là loại nước bổ dưỡng đặc biệt vào mùa hè. Nước mía chứa nhiều đường song khác việc chúng ta uống nước đường (loại đã được tinh luyện), bởi trong nước mía dồi dào chất khoáng thiết yếu và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Vì vậy, nước mía giúp bổ sung nước và cung cấp một nguồn năng lượng giúp cho cơ thể giảm bớt mệt mỏi, giúp tinh thần phấn chấn hơn.
Nước mía thường được cho thêm quả quất (quả tắc) để ép cùng, mục đích để tăng hương vị, vị chua của quất sẽ làm dịu độ ngọt của nước mía, khi uống không bị ngấy.
Nhiều người tin rằng việc vắt quất vào nước mía làm giảm đường. (Ảnh minh hoạ)
Có hai cách kết hợp quất và nước mía, thứ nhất là trực tiếp cho quả quất vào ép cùng với mía. Đây là cách được ưa chuộng vì nước quất sẽ hòa quyện một cách hoàn hảo nhất với nước mía ép, cũng là cách tiết kiệm thời gian nhất.
Cách thứ hai là sau khi ép mía xong, cho nước mía và đá vào ly, bạn mới dùng dao cắt quất, lọc bỏ hạt và vắt quất vào ly mía. Cách này tránh được tình trạng nước mía có vị đắng từ vỏ quất. Cần chú ý lượng quất vắt vào ly, đừng để ly bị chua quá.
Tuy nhiên, việc cho quất vào nước mía chỉ làm giảm vị dịu ngọt, chứ thực tế không làm giảm hàm lượng đường trong cốc nước mía. Trong 100 ml nước mía có 20g đường, khi cho quất hay đá vào thì lượng nước tăng lên nhưng lượng đường không thay đổi.
Vì thế, mọi người không nên vì mát mà uống nước mía quá nhiều, chỉ nên uống 2 cốc/ ngày (khoảng 300 ml) là đủ lượng đường khuyến cáo cho người trưởng thành.
Chưa kể đường nạp vào cơ thể còn từ nhiều nguồn khác nên nguy cơ dư thừa đường rất lớn. Tiêu thụ quá nhiều đường tăng nguy cơ tim mạch, tiểu đường.
Lưu ý nếu bạn dùng ngay sau khi ép thì mới nên kết hợp quất với nước mía, còn nếu chưa uống ngay thì không nên cho quất vào ép cùng. Nếu để lâu, quất sẽ khiến nước mía nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, không nên uống nước mía sát bữa ăn.
Những thông tin trên hy vọng sẽ giải đáp được thắc mắc “vắt quất vào nước mía có làm giảm đường”.
Theo VTC