Chúng tôi tìm đến bện viện Ung bướu Hà Nội, hỏi thăm cựu vận động viên, nhà vô địch thế giới môn thể thao đá cầu một thời thì hầu như ý tá, bác sĩ nào cũng biết. Trong căn phòng bệnh viện, chị Nguyễn Thị Huyền Trang ngồi một mình lặng lẽ bên những kỉ niệm một thời huy hoàng với hàng loạt HCV, HCB các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Người phụ nữ, từng một thời là niềm tự hào của làng thể thao nước nhà ấy, giờ đây đã bị liệt cả hai chân và sống chung với những đợt xạ trị và hóa chất đau đớn.
Quá khứ vinh quang với hàng loạt HCV các giải thi đấu Quốc tế
Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1985, Long Biên, Hà Nội) từng là một trong những vận động viên đá cầu xuất sắc trong đội tuyển quốc gia Việt Nam. Chia sẻ về chặng đường sự nghiệp, chị Trang cho biết, con đường thi đấu của chị bắt đầu từ rất sớm, khoảng những năm 2000, khi chị vừa tròn 15 tuổi.
Đến với thể thao bởi một mối duyên nợ tình cờ, chính chị Trang cũng không nghĩ, trong cuộc đời mình có lần lại được chạm đến những dấu mốc vinh quang như thế. Năm 2003, chị Trang tham gia thi đấu ở đấu trường SeaGames và giành 2 HVC. Ngoài ra, chị cũng từng gặt hái thêm 2 HCV thế giới và nhiều huy chương các giải đấu khác.
Hình ảnh chị Trang khi còn trẻ.
Chị Trang (thứ 2 từ phải qua trái) chụp ảnh cùng bạn bè trong lần tham gia một giải thi đấu tại Đức.
"Tôi từng được sang Đức, Trung Quốc tham gia thi đấu các giải thế giới. Ngoài ra, số lượng huy chương nhiều quá nên nhiều lúc tôi cũng không nhớ hết. Chỉ nhớ dấu mốc quan trọng nhất là kỳ Sea Games năm 2003", chị Trang nói.
Nhiều lần ghi danh với các HCV, HCB ở các giải thi đấu nhưng quãng đường gắn bó với sự nghiệp thể thao của chị Trang lại khá ngắn ngủi. Đến năm 2007, sau khi quyết định lấy chồng, sinh con, chị Trang cũng nói lời giã biệt với đam mê đá cầu.
"Tính ra, tôi theo nghề vận động viên được 8 năm. Bắt đầu là năm 1999, khi đang theo học ở trường THPT Cát Linh, nhờ có năng khiếu đá cầu bẩm sinh nên tình cờ được tuyển vào đội tuyển trẻ Hà Nội. 2 năm sau, tôi được gọi vào đội tuyển Quốc gia và miệt mài cống hiến trong các cuộc thi liên tiếp", chị Trang nhớ lại.
Cuộc đời của vận động viên nhiều niềm vui, nhưng cũng lắm nỗi buồn khi thu nhập của những người thi đấu các môn thể thao phụ như chị Trang vẫn còn khá thấp. Thế nhưng, chị Trang luôn thấy mãn nguyện với con đường mình chọn. "Tôi chưa bao giờ hối hận khi hy sinh tuổi thanh xuân và những cơ hội khác để cống hiến sức lực cho sự nghiệp thi đấu. Cảm giác khi bước lên những đình cao mới cũng giống như đã vượt qua chính mình, rất hạnh phúc và tràn đầy đam mê".
Những nỗi đau lớn trong đời và cơn ác mộng mang tên ung thư giai đoạn cuối
Từng ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ với hình ảnh là một người con gái trẻ xinh đẹp, kiên cường và mạnh mẽ, thế nhưng, khi bước chân ra ngoài đời thực, VĐV Huyền Trang cũng chỉ là một người phụ nữ hết sức bình thường với những mong ước giản dị là được sống hạnh phúc bên gia đình yêu dấu. Thế nhưng, cuộc hôn nhân năm 2007 của chị đã nhanh chóng đi vào đổ vỡ. Chị Trang giành quyền nuôi nấng một trong hai người con nhưng mới đây, vì hoàn cảnh bệnh tật nên đã phải gửi lại các con cho nhà nội chăm sóc.
Nỗi buồn khi phải gác lại những đam mê tuổi trẻ và chịu đựng nỗi đau từ cuộc hôn nhân đổ vỡ có thể quật ngã những trái tim yếu đuối, nhưng đối với một người giàu nghị lực như chị Trang thì khác. Sau những vấp ngã, người phụ nữ ấy vẫn kiên cường đứng vững. Nhưng rồi số phận trớ trêu cuối cùng cũng đánh gục chị bằng những cơn đau bệnh tật hiểm nghèo.
Năm 2013, khi bắt đầu phát hiện mình bị đau ngực, chị Trang vẫn được các bác sĩ kết luận sức khỏe của chị không có gì đáng ngại. Thế nhưng, một năm sau đó, khi những cơn đau tái phát với mức độ ngày càng nghiêm trọng, dữ dội hơn, chị Trang tiến hành các xét nghiệm xương và bàng hoàng phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối và các khối u hiện đã di căn vào xương.
Hiện tại, sức khỏe của chị Trang rất yếu, đôi chân bị liệt và mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ và các y bác sĩ trong bệnh viện.
Chị Trang xem lại những bằng khen mà mình từng giành được trong quá khứ với tâm trạng thoáng chút tiếc nuối tuổi xuân đã đi qua vội vã.
Khi phát hiện bệnh ung thư, chị Trang điều trị một thời gian, đồng thời vẫn tham gia đá cầu "phủi" cho một số câu lạc bộ ở Hà Nội. Sau 6 tháng kiên trì trị xạ, vì vướng bận lý do cá nhân, chị đã tự ý ngừng điều trị. Bệnh tình tạm thời lắng xuống nhưng âm thầm diễn biến theo chiều hướng xấu với tốc độ di căn nhanh chóng. Đến hồi tháng 5 vừa qua, trong một cơn đau ngực dữ dội, chị Trang nhập viện Ung bướu Hà Nội và bắt đầu tiến hành trị xạ trở lại. Tuy nhiên, do khối u di căn nhanh nên mới đây, đôi chân chị đã bị liệt hoàn toàn.
Trao đổi với chúng tôi, Ths.Bs. Hán Thị Bích Hợp, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh VĐV Trang, cho biết: "Hiện tại, đôi chân của Trang sau một thời gian điều trị đã có dấu hiệu dần hồi phục. Bệnh ung thư của Trang đã bước sang giai đoạn cuối, các khối u di căn vào xương nhưng rất may là chưa ảnh hưởng đến não bộ. Tuy nhiên, vì bệnh nhân đã từng ngắt quãng chữa trị nên khi bệnh phát tác, nó phát triển rất nhanh, khiến sức khỏe của Trang bị tàn phá nặng nề hơn".
Chị Trang cho biết, dù đã có bảo hiểm y tế hỗ trợ nhưng số tiền truyền hóa chất và trị xạ đều lên tới cỡ 600.000-700.000 đồng/ngày. Chị Trang hiện đã giải nghệ và sống dựa vào sự chăm sóc của bố mẹ đẻ (hiện đều đã lớn tuổi) nên hoàn cảnh rất khó khăn.
Giữa những nỗi đau bệnh tật, chị Trang vẫn luôn tỏ ra mình là một người phụ nữ mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, bệnh ung thư di căn cũng dày vò chị trong những cơn đau đớn thể xác đến gai người. "Sau mỗi lần trị xạ, mình gần như không ăn uống được gì và bao giờ cũng bị nôn thốc, nôn tháo, cảm giác khó chịu vô cùng", chị Trang thở dài.
Ngồi bên giường bệnh, vân vê những tấm bằng khen của quá khứ, chị Trang bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm của một thời "vang bóng" xa xôi. Không tiếc nuối, không oán trách nhưng rõ ràng trong sóng mắt người đàn bà ấy luôn hiện hữu sự trông mong quay ngược lại tuổi trẻ để sống trọn với những đam mê cháy bỏng thêm một lần nữa.
"Tôi bây giờ không cầu mong gì, chỉ ước sao khỏi được bệnh cho bố mẹ bớt khổ. Nếu lại được có thể thi đấu thêm lần nữa, chắc là sẽ hạnh phúc lắm".
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xin vui lòng liên hệ:
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, số nhà 21, ngõ 390, Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.
SĐT: 0902. 455. 727
Số tài khoản: 0451000247942, ngân hàng Vietcomabank, chi nhánh Hà Nội.
Theo Trí thức trẻ