"Khi đã giải nghệ rồi, tôi muốn cái tâm của mình được thanh thản nên mới quyết định tố cáo việc này.
Trên hết, tôi mong rằng sau tôi, những rối ren, sai phạm từ đây sẽ chấm dứt, để các em vận động viên lớp sau chuyên tâm vào sự nghiệp, cống hiến hết sức mình cho ngày Tổ quốc vinh quang.
Tôi sẵn sàng trả lại tiền cho nhà nước, và thực tế đã gửi đơn tới Cục TDTT, Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội cũng như Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội để trình bày nguyện vọng trên.
Tôi cũng như nhiều vận động khác không muốn nhận những đồng tiền bất hợp pháp, những đồng tiền không phải do công sức tôi làm ra, những đồng tiền mà người có trách nhiệm xin khống, rồi mượn chúng tôi, đưa những VĐV có tuổi đời rất trẻ chưa có nhiều hiểu biết như chúng tôi vào một loạt hành động tinh vi, kín kẽ để móc túi ngân sách nhà nước", VĐV Phạm Như Phương cho biết câu chuyện này xảy ra kể từ năm 2020 đến nay.
Phạm Như Phương là thành viên của đội tuyển thể dục dụng cụ quốc gia trong nhiều năm qua.
Đội tuyển nam do HLV Trương T.H, cựu Trưởng bộ môn TDDC Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội phụ trách. Còn đội tuyển nữ do HLV Nguyễn.T.T.T. phụ trách.
Theo lời Phạm Như Phương, kể từ năm 2020 cho đến trước khi cô làm đơn xin giải nghệ, khi vẫn còn là thành viên của đội tuyển nữ TDDC, cô và đồng đội thường xuyên được nhận những khoản tiền tập ngoài giờ, nhưng phải chia lại một nửa cho HLV phụ trách trực tiếp mình là HLV Nguyễn T.T.T..
"Hàng tháng HLV Trương T.H. hay HLV Nguyễn T.T.T. sẽ làm giấy đề nghị tới Ban giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Họ sẽ lấy lý do là nhằm chuẩn bị cho giải đấu nào đó trong nước hay quốc tế, nên ngoài việc tập những ngày trong tuần thì xin tập thêm 1 đến 2 ngày Chủ nhật trong tháng và xin được hưởng chế độ ngoài giờ cho những ngày tập thêm này.
Nếu xin tập thêm vào ngày thường thì VĐV sẽ được hưởng chế độ tiền ăn và tập luyện 270.000 đồng/ngày đối với VĐV và 375.000 đồng/ngày đối với HLV. Nhưng phần lớn họ sẽ xin vào ngày chủ nhật, vì theo quy định, VĐV và HLV sẽ được hưởng nhân đôi dành cho chế độ tập ngoài giờ.
Điều đáng nói ở chỗ, họ làm đơn xin tập ngoài giờ và xin được hưởng chế độ của nhà nước, còn trên thực tế là VĐV chúng tôi và HLV hầu như không có tập như đề nghị", VĐV Phạm Như Phương khẳng định với phóng viên Dân trí.
Một giấy đề nghị của HLV trưởng đội TDDC nữ quốc gia xin tập luyện 2 ngày chủ nhật 24/7 và 31/7 năm 2022; xin giữ nguyên chế độ cho các VĐV và HLV. Tuy nhiên, theo lời VĐV Phạm Như Phương, cô và các đồng đội ở đội tuyển không có tập luyện như giấy đề nghị (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Cô T. gọi số tiền xin khống được vào các ngày chủ nhật trong tháng bằng khái niệm là "tiền công chủ nhật". Tiền sẽ được Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội chuyển thẳng vào tài khoản các VĐV và HLV. Nhưng VĐV chúng tôi sẽ không được hưởng toàn bộ, mà phải chia lại 50% cho cô T.
Nghĩa là nếu một tháng có 2 ngày chủ nhật mà cô T. xin được từ Ban giám đốc, chúng tôi sẽ được nhận 1.080.000 đồng, nhưng phải chia lại cho cô T. 540.000 đồng", Như Phương cho biết.
Liên quan đến thông tin này, cựu VĐV TDDC quốc gia sinh năm 2006 Lâm Như Quỳnh cho biết: "Tôi cũng từng là thành viên đội tuyển TDDC quốc gia với chị Phương, cũng từng được nhận khoản tiền công chủ nhật mà trên thực tế các VĐV chúng tôi không có tập luyện, HLV cũng không có huấn luyện.
Những khoản tiền công ngày chủ nhật không có thật đó được Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội chuyển thẳng vào tài khoản của VĐV và HLV. Tuy nhiên chúng tôi không được nhận hết, mà phải chia lại một nửa số tiền trên cho cô T.".
Phạm Như Phương (giữa), Lâm Như Quỳnh (ngoài cùng bên phải) trong một buổi tập cùng các đồng đội ở đội tuyển TDDC quốc gia (Ảnh: NVCC).
Cũng cần phải nhắc lại, năm 2022, đội tuyển TDDC quốc gia có tổng cộng 26 người, trong đó có 10 VĐV nam, 8 VĐV nữ, số còn lại là HLV. Nếu những tố cáo của Phạm Như Phương và Lâm Như Quỳnh là đúng, thì số tiền hưởng lợi từ "ngày công không có thật" kể trên là không nhỏ.
Trong những tài liệu mà các VĐV cung cấp cho chúng tôi, cho thấy có rất nhiều giấy đề nghị xin tập thêm các ngày chủ nhật và luôn có dòng "xin giữ nguyên chế độ" ở cuối đơn do HLV Trương T.H và Nguyễn.T.T.T. đề nghị.
Ở các giấy đề nghị này có đủ chữ ký của Ban giám đốc, Phòng Quản lý huấn luyện và công tác chính trị của Trung tâm thể dục thể thao quốc gia Hà Nội duyệt chi chế độ.
Đáng chú ý, với lý do nhằm chuẩn bị tốt cho SEA Games 31, HLV Trương T.H. còn xin tập vào 3 ngày tết âm lịch là mồng 4 (thứ 6), mồng 5 (thứ bảy) và mồng 6 (chủ nhật) năm 2022 và xin được hưởng chế độ.
HLV Trương T.H. làm đề nghị đội tuyển sẽ tập trong 3 ngày tết âm lịch năm 2022 và xin được hưởng chế độ ngoài giờ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ngày mồng 4, 5 và 6/2/2022 tương đương là ngày 4, 5 và 6 âm lịch, thời gian mà đội tuyển TDDC quốc gia vẫn đang được nghỉ tết.
"Trên thực tế các VĐV chúng tôi không hề phải tập 3 ngày đó, vì đợt đó đang giai đoạn nóng của Covid 19 và toàn đội đang được nghỉ Tết âm lịch từ 29/1 cho đến 6/2. Làm gì có chuyện toàn đội lục tục kéo nhau đi tập cả 3 ngày Tết", VĐV Phạm Như Phương và Lâm Như Quỳnh cho biết.
Trong tin nhắn mà các VĐV cung cấp cho Dân trí, cho thấy có tin nhắn của một VĐV trong đội tuyển TDDC quốc gia chia sẻ thông báo của Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội về lịch nghỉ Tết âm lịch năm 2022: "Xin thông báo lịch nghỉ tết tới Quý phụ huynh và VĐV.
Thời gian từ trưa 29/1 đến 14h ngày 6/2, vì tình hình dịch bệnh nên Trung tâm yêu cầu, trước khi cho các VĐV lên tập trung tại Trung tâm, Quý phụ huynh vui lòng test nhanh hoặc PCR (trong vòng 72 giờ) trước khi gửi kết quả lại cho bộ môn.
Các VĐV lưu ý có mặt trước 15 phút (13h45) đúng giờ ngày 6/2 để được y tế trung tâm test và vào trung tâm".
(Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một giấy đề nghị tập vào hai ngày chủ nhật 13 và 20 của tháng 3/2022 và xin giữ nguyên chế độ của ông Trương T.H. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Một giấy đề nghị của ông Trương T.H. gửi vào tháng 3/2023 (Ảnh: NVCC).
Điều đáng chú ý là, theo tố cáo của VĐV Phạm Như Phương, khoản tiền công chủ nhật không có thật hàng tháng, dường như không chỉ riêng các VĐV phải chia lại một nửa cho HLV Nguyễn T.T.T..
Tin nhắn có nội dung nhắc việc nộp lại một nửa tiền công chủ nhật xin được từ Trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia Hà Nội tính theo các tháng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tin nhắn thể hiện nội dung thu lại một nửa tiền công chủ nhật từ các VĐV (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mẹ của VĐV Phạm Như Phương chuyển tiền công tập luyện chủ nhật của tháng 9 và tháng 10/2021 cho cô T. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thêm một chi tiết được Phạm Như Phương và Lâm Như Quỳnh cùng tiết lộ nữa, là ở đội tuyển TDDC quốc gia, cô T. cũng yêu cầu các VĐV phải nộp "quỹ lạ" hàng tháng cho cô.
"Nếu như cô Nguyễn Thùy Dương ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội bắt chúng tôi nộp quỹ 300.000 đồng/tháng, thì ở đội tuyển TDDC quốc gia, cô T. bắt nộp quỹ 270.000 đồng/tháng.
Bản sao kê tài khoản của Phạm Như Phương cho thấy cô phải nộp 50% tiền công chủ nhật tháng 9 và tháng 10 năm 2021 cho cô T., với số tiền 1.080.000 đồng (Ảnh: NVCC).
"Tiền công chủ nhật không có thật chúng tôi phải nộp lại cho cô T. trên thực tế là tiền mà chúng tôi không làm nhưng được hưởng, còn tiền quỹ này thì chúng tôi phải bỏ tiền lương mình ra để nộp cho cô", hai nữ VĐV gốc Hà thành chia sẻ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Theo Dân trí