Venice hút khách du lịch bằng kiến trúc và giao thông đường thủy độc đáo
Được nhớ đến với rất nhiều tên gọi trong suốt quá trình lịch sử phát triển hàng ngàn năm, như "La Dominante", "La Serenissima", Nữ hoàng vùng biển Adriatic", "Thành phố mặt nạ", "Thành phố nước", "Thành phố nổi", "Thành phố của những con kênh", "Thành phố của những cây cầu"… Venice là thủ phủ của vùng Veneto, phía bắc nước Ý, tận hưởng khí hậu Địa Trung Hải pha trộn vùng biển Adriatic, với bốn mùa khí hậu thay đổi quanh năm.
Venice đón gần 30 triệu du khách mỗi năm. Du khách thường chọn thuyền gondola tham quan quanh Venice. Ảnh: express.uk
Diện tích vào khoảng hơn 400km2, tương đương huyện Củ Chi (TP.HCM), nơi này từng là thủ đô của Cộng hòa Venice, một cường quốc về tài chính và hàng hải thời Trung cổ đến Phục Hưng.
Sau các cuộc chiến của Napoléon và Đại hội Vienna, Cộng hòa Venice bị sáp nhập vào Đế quốc Áo, và trở thành một phần của Vương quốc Ý năm 1866.
Thành phố Venice là một trong những địa điểm du lịch đông khách nhất thế giới. Ảnh: Unsplash
Venice được biết đến là thành phố không đường bộ, không xe hơi, không xe đạp, với hệ thống kênh lớn nhỏ chằng chịt, và giao thông đường nước bận rộn vào bậc nhất thế giới.
Là một trong những địa điểm du lịch đắt đỏ nhất nước Ý và thế giới, Venice càng trở nên đắt đỏ, thiếu tiện nghi hơn, khi thành phố này đang đối mặt với chính sự độc đáo của mình: nước.
Ngoài những "dòng lũ" từ du khách, Venice cũng thường xuyên ngập trong lũ lụt mỗi khi thủy triều dâng cao. Ảnh: Zingnews
Venice yêu cầu khách du lịch đặt vé trước để tránh quá tải du lịch và bị đưa vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa
Dù không nghiêm trọng như Jarkata, Manila hay TP.HCM, Venice đang chìm dần khoảng 2mm mỗi năm. Với địa hình được gắn kết với nhau giữa 118 hòn đảo lớn nhỏ, Venice gánh chịu rất nhiều tác động từ cả thiên tai lẫn con người.
Để tránh quá tải du lịch và bị đưa vào danh sách di sản thế giới bị đe doạ, chính quyền thành phố Venice (Italy) áp dụng các chính sách mới có hiệu lực từ mùa hè năm sau.
Theo đó, du khách đến Venice phải đặt vé trước. Sẽ có cửa quay điện tử được đặt ở các cửa ngõ của thành phố để kiểm soát việc này. Tháng trước, Italy cũng tuyên bố vùng biển xung quanh Venice là di tích quốc gia và cấm các tàu du lịch lớn đi vào.
Khung cảnh quen thuộc trên cầu Rialto với số lượng người dày đặc. Ảnh: Alamy.
Du khách cần phải đặt vé sớm nếu có kế hoạch đến thăm Venice trong những tháng du lịch trọng điểm, vì thành phố sẽ thực hiện giới hạn sức chứa du khách ngày một nghiêm ngặt.
Những du khách được miễn phí vé vào cửa là khách qua đêm tại các khách sạn địa phương, do đã phải trả phí lưu trú cho thành phố trong tiền khách sạn. Ngoài ra, dân địa phương, người thân của họ và trẻ dưới 6 tuổi cũng được miễn phí.
Theo chính sách mới, những người không đặt vé trước sẽ không được vào thành phố. Ảnh: responsibletravel
Vào mùa du lịch trọng điểm trước đại dịch, Venice thu hút hơn 80.000 lượt khách mỗi ngày. Ước tính, thành phố kênh đào đón khoảng 25 triệu du khách mỗi năm.
Hàng nghìn người dân địa phương đã buộc phải rời thành phố do lượng khách du lịch quá đông và giá thuê nhà ngày càng tăng.
Khi đại dịch xảy ra, Venice đã chứng kiến sự khác biệt, khi nước trên các con kênh trở nên trong, sạch hơn và người dân địa phương được đi lang thang trên đường phố của riêng họ.
UNESCO cho biết vì những nỗ lực của Venice trước nạn quá tải du lịch, thành phố sẽ không bị đưa vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
Trước đó, một thành phố cạnh biển khác là Liverpool đã bị tước danh hiệu di sản thế giới do không đảm bảo được "tính xác thực và tính toàn vẹn của di sản".
Theo Dân Việt