Hoàng đế Khang Hi 8 tuổi đăng cơ, 14 tuổi nhiếp chính, tại vị 61 năm và là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Trong thời gian ngự trên ngai vàng của mình, ông không chỉ tiêu diệt được Ngao Bái, đánh bại Ngô Tam Quế, mà còn thu phục được Trịnh Kinh - một thế lực của nhà Minh.
Khang Hi cũng được coi là một trong những vị vua tạo nên nền móng thịnh vượng cho triều đại nhà Thanh.
Một số học giả còn gọi Khang Hi là "Thiên cổ nhất đế" (tạm dịch: Hoàng đế nghìn năm có một). Tuy nhiên, có một số nhà sử học cho rằng, Khang Hi thực ra rất háo sắc, ngay cả cô ruột của mình cũng không buông tha, ép làm phi tần. Điều này làm dấy lên những cuộc bàn luận sôi nổi của hậu thế.
Khang Hi không màng đại thần phản đối, quyết lấy cô ruột làm thiếp. (Ảnh: Baidu)
Theo cuốn Mãn Thanh Ngoại Sử có ghi chép lại, em gái hoàng đế Thuận Trị, cũng chính là cô ruột của Khang Hi, mãi chưa thành thân. Khi hoàng đế Khang Hi đăng cơ đã hạ chỉ rằng: "Hạt Ngôn chưa kết hôn, nay trẫm sắc phong làm phi tần".
Mặc dù khi đó các quan đại thần đều phản đối, nhưng Khang Hi vẫn nhất quyết lấy cô ruột của mình về làm phi tử.
Nhưng thật không ngờ, chuyện xấu xa của Khang Hi vẫn còn tiếp tục, ngay đến vợ của thần tử trong triều của mình cũng không bỏ qua. Có tin đồn rằng, một vị quan đại thần họ Trương người Hán có người vợ tên Diêu Thị nổi tiếng vô cùng xinh đẹp.
Trong một lần, trong cung tổ chức mừng thọ Hoàng Thái Hậu, Diêu Thị cũng được mời đến cung điện để tham dự yến tiệc. Theo "Mãn Thanh ngoại sử" miêu tả: Khang Hi và thái hậu đã ân cần tiếp đãi các quan đến chúc thọ, mọi người ăn uống vui vẻ, đến tận tối mới ra về. Mỗi người đều ngồi kiệu riêng về nhà.
Tuy nhiên, khi về nhà thì thần tử họ Trương đột nhiên nổi trận lôi đình. Bởi vì Diêu Thị vốn không trở về nhà, người trên kiệu chỉ là ăn mặc giống vợ ông ta nhưng lại là một người xa lạ. Việc này là như thế nào đây?
Vợ thần tử họ Trương vào cung chúc thọ hoàng thái hậu, khi về nhà bị Khang Hi đổi thành người của mình. (Ảnh: Baidu)
Vị thần tử họ Trương này chính là em trai của quan tể tướng đời vua Ung Chính Trương Đình Ngọc.
Mãn Thanh Ngoại Sử ghi lại rằng, mặc dù Trương Thị, Diêu Thị là những gia tộc nổi tiếng trong triều, tuy nhiên về việc vợ mình bị đổi thành người khác, cả hai nhà đều biết nguyên nhân nhưng sợ gặp tai họa nên không dám nói câu nào. Nghĩa là dù hai gia tộc rất khó chịu về chuyện này nhưng họ cũng không dám phản kháng lại.
Hoàng đế Khang Hi được các nhà sử học đánh giá rất cao về địa vị cũng như những việc làm ông đã làm cho nhà Thanh và Trung Hoa. Bản thân hoàng đế Khang Hi cũng luôn khẳng định mình là một hoàng đế chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc.
Vì thế, ông mới được coi là vị hoàng đế nghìn năm có một. Nhưng, qua những câu chuyện được chép lại trong Mãn Thanh Ngoại Sử thì có thể thấy hoàng đế Khang Hi chưa chắc đã là người hoàn hảo.
Theo Pháp luật và Bạn đọc