Rất nhiều nguyên nhân khiến bạn thừa cân. Tôi chia nguyên nhân làm tăng lượng mỡ trong cơ thể thành hai yếu tố chính do insulin và lượng calo nạp vào hàng ngày.
Cơ thể chúng ta sử dụng năng lượng từ nhiều nguồn, chủ yếu là đường cho các hoạt động hàng ngày. Khi dư thừa quá nhiều calo, cơ thể có xu hướng tích trữ năng lượng bằng việc tích mỡ.
Insulin là hormone hoạt động như một chiếc chìa khóa, sẽ mở cánh cửa của các tế bào trong cơ thể để chúng có thể hấp thu đường huyết (glucose) và dùng glucose biến thành năng lượng.
Lượng insulin tăng cao là nguyên nhân gây tích mỡ thừa. Ảnh: Healthplus
Cơ thể luôn duy trì một lượng glucose bình thường từ 70-110 mg/100ml máu. Tuy nhiên, khi con số vượt qua 110 mg/100ml máu, insulin sẽ xuất hiện như một chiếc xe tải đưa glucose đến nơi khác là glycogen trong mô cơ, gan và mỡ. Glycogen tương tự kho dự trữ glucose cho nhu cầu cơ thể sau này, cũng như duy trì nồng độ glucose ổn định trong máu.
Khi cơ và gan đã đầy glucose, kết hợp với lượng tinh bột dư thừa sẽ được tích trữ dưới dạng mỡ, khiến bạn tăng cân.
Mọi tội lỗi là do insulin và tinh bột?
Điều này không chính xác. Insulin tuy bị đánh đồng với vai trò tích lũy nhưng nó giúp vận chuyển glucose đến tế bào cơ và gan, đóng vai trò quan trọng để xây dựng cơ bắp.
Tinh bột cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động não bộ và các hoạt động khác của cơ thể. Insulin chỉ chuyển sang tích luỹ glucose vào mỡ khi glycogen ở cơ và gan đã đầy.
Ăn nhiều tinh bột sẽ khiến lượng glucose tăng cao, dẫn đến tiết ra insulin. Ảnh: Daily
Glucagon cũng là một hormone, từ tuyến tuỵ tiết ra khi nồng độ glucose bắt đầu giảm xuống dưới 70 mg. Glucagon và insulin là hai hormone hỗ trợ, giữ cho đường huyết ổn định. Nó không chỉ giúp phân giải glycogen ra glucose mà còn có khả năng phân huỷ tế bào mỡ thành axit béo để tạo năng lượng. Cơ thể chúng ta luôn cố gắng cân bằng mọi thứ. Trái ngược với insulin có xu hướng tích trữ, chúng ta có glucagon làm nhiệm vụ phân giải.
Glucagon tiết ra sẽ kéo lượng insulin giảm xuống. Lượng insulin tiết ra lại dựa vào nồng độ glucose trong máu tại thời điểm đó. Nếu biết kết hợp, bạn hoàn toàn có thể ăn tinh bột nhưng vẫn khiến quá trình hấp thụ tốt hơn, ít bị tích mỡ hơn nếu cân bằng được hai loại hormone này.
Ăn nhiều tinh bột sẽ khiến lượng glucose tăng cao, dẫn đến tiết ra insulin. Tuy nhiên, nếu bạn ăn thực phẩm giàu đạm, cả hai hormone đều được sản sinh, glucagon sẽ chiếm phần lớn. Vì vậy, các thực phẩm giàu protein rất quan trọng trong quá trình giảm béo, ngoài cung cấp các axit amin cho cơ bắp, chúng còn giúp tăng tiết glucagon để phân giải tế bào mỡ.
Huấn luyện viên Hồ Khánh Thiện. Ảnh: NVCC
Insulin tiết ra khi nồng độ glucose tăng cao trong một khoảng thời gian. Các loại tinh bột đơn (cấu trúc monosaccarit) sẽ nhanh chóng bị phân huỷ thành glucose, khiến insulin tiết ra nhiều. Trong khi, đó với tinh bột phức tạp, cơ thể cần thời gian phân cắt các kết nối, glucose sẽ từ từ được tạo ra, insulin tiết ra ít hơn, giảm khả năng tích trữ mỡ thừa. Có hai loại tinh bột là phức tạp và đơn giản. Tinh bột phức tạp thường có nguồn gốc từ tự nhiên như yến mạch, khoai lang. Tinh bột đơn giản do con người tạo ra có trong bánh kẹo, nước có ga, bánh ngọt.
Để hạn chế tăng cân, bạn nên kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, không để dư thừa năng lượng bằng cách ăn các thực phẩm giàu đạm, thay thế các tinh bột đơn giản bằng phức tạp và bổ sung thêm nhiều chất xơ trong thực đơn hàng ngày của mình.
Theo Zìng